Chân dung người đàn ông bỏ hàng trăm triệu lập 'biệt đội' khử khuẩn, mua bình oxy đi cứu trợ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tự lấy tiền túi mua dung dịch khử khuẩn, thành lập “biệt đội” đi phun miễn phí, ông Trần Huy Đăng (49 tuổi, ngụ quận Bình Tân, còn gọi là chú Tám Sang) khiến nhiều người cảm động trước hành động cao đẹp của mình.
Chân dung người đàn ông bỏ hàng trăm triệu lập 'biệt đội' khử khuẩn, mua bình oxy đi cứu trợ

"Biệt đội" khử khuẩn

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, anh Tám Sang Anh Tám Sang - trưởng hội thiện nguyện BDS, người hùng trong tim của nhiều người dân TP HCM, cùng các anh em trong hội đã túc trực 24/7, tất bật rong ruổi các con đường, ngõ hẻm tham gia công tác chống dịch, thiện nguyện.

Anh tiết lộ: “Mấy tháng nay các anh em đều không về nhà, mà trụ lại nhà tôi để tự giãn cách với xã hội và tham gia cuộc chiến này. Anh em nói với nhau chừng nào hết dịch mới quay về với gia đình. Khi tham gia cuộc chiến này, tôi chấp nhận hy sinh cả tính mạng”.

Anh Tám Sang và "biệt đội" khử khuẩn.

Anh Tám Sang và "biệt đội" khử khuẩn.

Anh Tám Sang đã bỏ tiền túi hàng trăm triệu đồng để mua thuốc và máy móc về nghiên cứu, lập đội phun sát khuẩn len lỏi vào những ngõ ngách giúp bà con có bầu không khí trong lành. Anh tận dụng 6 chiếc xe vào hệ thống xe cứu thương 0 đồng, đưa các ca F0 lên tới nơi cách ly. Có những trường hợp bệnh nhân không khỏi, anh cũng sẽ đưa về lo chu toàn lễ an táng cho họ mà không lấy một đồng.

Anh tự bỏ tiền túi để mua thuốc, máy móc và bình oxy đi cứu trợ người dân.

Anh tự bỏ tiền túi để mua thuốc, máy móc và bình oxy đi cứu trợ người dân.

Những ngày đầu tham gia công tác chống dịch, anh Tám Sang cùng anh em trong đội đã nhiều lần rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt vì của các ca FO. Từ đó anh nhận ra nhu cầu sử dụng bình oxy cấp thiết nhường nào, đó là lý do anh mua vỏ chai về bơm oxy, thành lập “Đội oxy” về để góp phần giành giật lại sự sống cho các bệnh nhân nguy kịch.

Tất cả những công việc anh Tám Sang cùng anh em đang âm thầm cống hiến cũng chỉ mong một ngày Sài Gòn bình an trở lại.

Xót xa chuyện mẹ bầu lưu thai đứng bên đường 6 tiếng đồng hồ đợi xe cứu hộ

Kể về một kỷ niệm khó quên trên hành trình đầy ý nghĩa ấy, anh Tám Sang nghẹn ngào: “Chúng tôi hầu như không còn nước mắt để khóc. Có trường hợp kêu cứu tại nhà nhưng khi chúng tôi đem bình oxy tới thì bệnh nhân chỉ ngước mắt nhìn rồi ra đi. Có ngày chúng tôi ôm đứa bé chạy thục mạng tới bệnh viện đợi bé được cứu sống chúng tôi cũng khóc. Đau lắm! Hay có một mẹ bầu nghèo nằm trong “vùng đỏ” phong tỏa nên khi chuyển dạ không ai dám vô giúp. Khi mình tới nơi thì đứa bé sinh rớt ra ngoài, chính tay mình bồng người mẹ và đứa bé ra xe cứu thương. Mà người mẹ này còn bị dương tính nữa, không có đem theo tiền, tôi cũng gửi cho mẹ bầu này 27 triệu.

Hôm qua, có mẹ bầu 7 tháng bị lưu thai ở tận Bình Dương ngồi đợi ngoài đường từ 1 - 7 giờ tối mà không có xe. Khi tôi nhận được điện thoại cầu cứu đã tức tốc chạy đi ngay, vì nếu để thai lưu lâu sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Đưa được mẹ bầu vô phòng cấp cứu thì người chồng hoang mang không biết tiền đâu đưa vợ lên ca mổ, trong khi trong người chỉ có vài trăm ngàn. Tôi đem ra 30 triệu, đóng viện phí 20 triệu còn 10 triệu đưa cho người cha của đứa bé xấu số”.

Chân dung anh Tám Sang.

Chân dung anh Tám Sang.

Anh Tám Sang tâm sự, bản thân cũng bị “đẻ rớt” nên trong giây phút ngàn cân treo sợi tóc đấy, anh nhớ bản thân mình ngày xưa, càng quyết tâm bằng mọi cách giành giật cơ hội sống cho cả mẹ và bé.

Anh chia sẻ thêm đã lớn lên từ những năm tháng nghèo khổ, vì mưu sinh mà suýt sa vào con đường tội lỗi. Từ ngày theo cửa Phật, anh lại nhận ra nhiều ý nghĩa của cuộc sống và bắt đầu công việc thiện nguyện. Và may mắn, trên con đường từ thiện của anh Tám Sang luôn có anh em và các mạnh thường quân chung tay, tiếp sức đồng hành lan tỏa. Anh Tám Sang còn có nguồn động viên rất lớn nơi hậu phương đó là vợ và con.

Dù "cuộc chiến" có vất vả song anh vững tin vì có sự ủng hộ lớn từ gia đình.

Dù "cuộc chiến" có vất vả song anh vững tin vì có sự ủng hộ lớn từ gia đình.

Anh xúc động nhắn gửi: “Việt Nam ơi cố lên, Sài Gòn của mình ơi cố lên. Trong khoảnh khắc này chúng ta hãy đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh, chúng ta không được chia sẻ hay hoang mang. Hãy chấp hành đúng các chỉ thị, kề vai sát cánh với các ban ngành, đội ngũ y bác sĩ, chúng ta phải biết ơn họ, thương và thông cảm cho họ”.