Chặng đường kêu oan của bị cáo được chuyển tội danh tại tòa

(PLO) - Bị truy tố tội “Tham ô” chỉ với chứng cứ là 4 tờ giấy photocopy và lời khai của các nhân chứng. Sau 13 năm không chứng minh được phạm tội tham ô, các cơ quan tố tụng đổi tội danh, tuyên bị cáo án tù bằng đúng thời gian tạm giam. 
Ông Tỉnh mòn mỏi kêu oan suốt 15 năm qua
Ông Tỉnh mòn mỏi kêu oan suốt 15 năm qua

Dựa vào sổ tay cá nhân để truy tố…

Báo PLVN đã có nhiều bài viết phản ánh về việc ông Đào Ngọc Tỉnh (nguyên  Kế toán trưởng Công ty Cơ khí điện, điện tử tàu thủy), thương binh hạng 4/4, có 45 năm tuổi Đảng bị truy tố oan sai trong suốt 13 năm với tội danh “Tham ô”. Tuy nhiên, ở phiên xét xử sơ thẩm gần đây nhất (tháng 9/2016), HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định đổi tội danh truy tố từ “Tham ô” thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Cần nhắc lại, từ năm 2003, các cơ quan tố tụng truy tố ông Tỉnh tham ô hơn 696 triệu đồng nhưng hai phiên xét xử (năm 2007 và năm 2011), HĐXX đều đã bác bỏ tất cả các chứng cứ buộc tội ông Tỉnh tham ô. Thực tế, tại phiên sơ thẩm lần thứ 3, cả VKSND và HĐXX cũng phải thừa nhận không đủ chứng cứ kết tội bị cáo Tỉnh tham ô hơn 696 triệu đồng của Nhà nước. 

Nhưng ngay lập tức, ông Tỉnh lại bị chuyển sang truy tố tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Vậy hậu quả nghiêm trọng ở đây là gì? Là phiếu chi tạm ứng ghi tên ông Vũ Hữu Nam mà hiện ông Nam vẫn chưa hoàn trả cho công ty? Hay là số tiền nợ từ sổ tay cá nhân của bà Nguyễn Thanh Hoà, thủ quỹ? 

Theo cáo trạng truy tố mới nhất của VKSNDTC năm 2016, trên sổ sách kế toán, ông Nam còn nợ Công ty Cơ khí điện, điện tử tàu thủy hơn 242 triệu đồng, đến ngày 25/10/2004, công ty đã có thông báo lần thứ 4 yêu cầu ông Nam hoàn trả số tiền trên nhưng ông này không nộp tiền với lý do thực chất không tạm ứng số tiền trên. Ông Nam chỉ tạm ứng số tiền trên theo lệnh của ông Tỉnh, để ông Tỉnh có tiền trả khoản nợ hơn 3.000 USD và hơn 100 triệu đồng mà ông Tỉnh đã vay từ quỹ Công ty (có ký nhận ở sổ tay cá nhân của thủ quỹ). Công ty khẳng định đây là tài sản Nhà nước, đã bị rút ra khỏi quỹ chưa thu hồi được nên xác định số tiền này đã bị chiếm đoạt, đề nghị thu hồi.

Luật sư Lê Hồng Lam (Cty Luật TNHH Lạc Việt) cho rằng, ông Nam ký phiếu chi, tài khoản Công ty thể hiện người nợ là ông Nam, không thể chỉ căn cứ vào lời khai của những người liên quan để khẳng định ông Nam viết phiếu chi khống cho ông Tỉnh được. Luật sư Lam khẳng định, chứng cứ vật chất trong trường hợp này là phiếu chi phải được xem xét để buộc tội ông Nam ứng tiền Công ty không trả, không thể dùng để buộc tội ông Tỉnh vì ông Tỉnh không có bất kỳ sự liên quan gì đến phiếu chi này. 

Luật sư cho biết thêm, căn cứ vật chất duy nhất liên quan đến ông Tỉnh trong vụ án này là những ghi chép trong sổ tay cá nhân của thủ quỹ Hoà. Tuy nhiên, sổ tay cá nhân chỉ thể hiện đây là những giao dịch dân sự, không thể hình sự hoá những giao dịch dân sự nói trên để truy tố ông Tỉnh về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Vẫn chỉ truy tố bằng những lời khai…

Trong đơn kêu cứu, ông Tỉnh cho biết vay tiền từ rất nhiều người trong công ty, không chỉ vay một mình thủ quỹ Hoà. Hơn nữa, vào năm 1994, theo Quyết định số 396-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý ngoại tệ, toàn bộ công ty đều phải mở một tài khoản tại ngân hàng để quản lý ngoại tệ, do đó, công ty không thể có đồng USD cho ông vay.

Ông Tỉnh nói tiếp, ông vay tiền cá nhân của bà Hoà, ký nhận vào sổ tay cá nhân của bà Hoà. Việc bà Hoà lấy nguồn tiền từ đâu cho ông vay là trách nhiệm của bà Hoà, không thể quy trách nhiệm “lấy tiền quỹ công ty” sang cho ông được. Ngoài ra, không có bất kỳ mối liên hệ nào để “gán ghép” giữa quyển sổ tay cá nhân của bà Hoà với hệ thống sổ sách kế toán của Công ty Cơ khí điện, điện tử tàu thủy để buộc ông phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. 

Tuy nhiên, những lý lẽ mà Luật sư Lam đưa ra, những lời trình bày của ông Tỉnh cùng với chứng cứ vật chất là cuốn sổ tay ghi chép cá nhân của bà Hoà không được HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét trong phiên xét xử phúc thẩm vào tháng 5/2018. 

Trong khi đó, HĐXX chỉ căn cứ vào lời khai của thủ quỹ Hoà rằng, số tiền ông Tỉnh vay là số tiền từ quỹ công ty, Hoà không có nhiều tiền để cho ông Tỉnh vay để kết tội ông Tỉnh chi tiêu sai nguyên tắc. Từ đó tòa tuyên ông Tỉnh y án sơ thẩm với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, chịu hình phạt tù bằng đúng thời hạn tạm giam (1 năm 4 tháng 2 ngày). 

Không chấp nhận phán quyết của HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội, ông Tỉnh tiếp tục làm đơn kêu oan. Ròng rã 15 năm qua, đơn kêu oan của ông Tỉnh đã được gửi đi khắp nơi nhưng hồi âm chỉ là những tờ phiếu chuyển đơn. Người thương binh hạng 4/4 đang vừa phải vất vả mưu sinh ở tuổi 70 vừa phải tìm cách tự kêu oan. 15 năm vướng vòng lao lý là 15 năm ông mất quyền lợi công dân, nhà cửa... 

Đọc thêm