Chạnh lòng những vụ hòa giải không thành

 

Bên cạnh niềm vui, những người làm công tác hòa giải cũng chạnh lòng khi mà họ đã làm hết khả năng của mình nhưng vụ việc vẫn phải giải quyết bằng pháp luật. Đáng buồn hơn nữa là sau đó, dù phán quyết có công minh thì nghĩa tình anh em, xóm làng cũng không thể hàn gắn...

 

Xóm làng đang chìm trong giấc ngủ thì từ một ngôi nhà cao tầng cất lên tiếng người cha kêu cứu; trong cơn mưa giông gió giật đùng đùng điện thoại hàng xóm reo liên hồi vì người vợ bị chồng bạo hành… Đó là những tình huống mà có lẽ trong cuộc đời mỗi người làm hòa giải đều đã trải qua.

Một buổi hòa giải tại Yên Bái
Một buổi hòa giải tại Yên Bái

Khó - hòa giải được mới vui

Làm hòa giải ở miền núi có cái khó riêng. Mỗi nhà cách nhau đến cả “mấy con dao quăng”, bất hòa nhiều khi không phải lúc nào cũng phát hiện kịp thời mà hóa giải. Lao động miền núi chủ yếu sống bằng nương rẫy, nên gặp họ cũng phải lựa lúc.

Ngược lại, làm hòa giải ở thành phố lại mang tính đặc thù. Cuộc sống ở phố phường gần như khép kín, nhà nào biết nhà nấy, những ai thường xuyên tham gia các cuộc họp tổ dân phố thì còn biết mặt tổ trưởng chứ khó mà biết đến hòa giải viên. Để bước chân được qua cánh cửa nhà họ có khi phải là cả một nghệ thuật.

“Có người hỏi tôi là tại sao lại cứ thích “xông pha” vào những chỗ phức tạp, ví dụ như vợ chồng người ta đang cãi nhau, anh em mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm. Nước sôi lửa bỏng thế mà mình lao vào, không phải đầu phải tai thì cũng bị người ta mời ra khỏi cửa”, bác T. một hòa giải viên ở phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội tâm sự.

Bác T. có ưu thế là một cán bộ công an nghỉ hưu, từ thời bác còn đang tại vị, bất cứ cuộc họp tổ dân phố nào bác cũng có mặt, hăng hái phát biểu, tham gia góp ý kiến…Trên cương vị công tác, thỉnh thoảng bác xuất hiện trên ti vi nên hầu như ai cũng biết. “Nhưng làm hòa giải ở thành phố cũng có cái khó riêng, nhất là khi mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ gia đình, vợ chồng, anh em, con cháu..”, bác T. chia sẻ.

Câu chuyện mà bác T. nhớ nhất là chuyện liên quan đến việc chia thừa kế trong một gia đình cách đây đã nhiều năm. Khi đó, đất đai Hà Nội bắt đầu lên giá chóng mặt. Nhà chị M có 5 anh chị em, khi còn sống bố mẹ chị cắt phần đất mặt đường cho anh cả làm nhà kinh doanh, cậu em thứ 2 cũng có phần ngay cạnh đó. Ba cô con gái ông bà chia đều mỗi đứa một mảnh.

Chia là thế nhưng các cụ chỉ nói miệng mà không để lại di chúc. Khi các cụ mất đi, bất hòa nảy sinh giữa những người ruột thịt, họ tính kiện nhau ra tòa để chia di sản một cách “sòng phẳng”. Từng ngồi ghế hội thẩm nhiều năm, lại đã công tác trong ngành pháp luật, bác T. đã kiên trì gặp gỡ từng người trong gia đình họ, vận động, thuyết phục. Bác bảo anh chị em ruột thịt mà đưa nhau ra tòa thì còn gì là tình nghĩa. Suy đi, tính lại, cả 5 anh chị em thấy bác T. nói đúng nên mỗi người đã yên phận mình, ông anh cả cũng hỗ trợ cho mỗi người thêm chút ít khi chiếm giữ ngôi nhà mặt phố.

Rầu lòng những vụ hòa giải không thành

Thống kê cho thấy, hàng năm có những địa phương hòa giải thành đến hơn 90% /tổng số vụ việc tiếp nhận. Số không hòa giải thành đôi khi chỉ là những mâu thuẫn, tranh chấp đơn giản, nhưng cũng có khi là cả án mạng kinh hoàng.

Câu chuyện của chị Lại Thị Mai (Phủ Lý, Hà Nam) là một ví dụ điển hình. Gia cảnh không dư giật, nên thu nhập của gia đình chị vẫn chủ yếu nhờ mấy sào ruộng khoán, gần đây vợ chồng chị lại nảy sinh mâu thuẫn. Ban đầu từ những chuyện nhỏ như va chạm trong sinh hoạt nhưng sau đó cứ tích tụ dần. Mùa đông rét buốt, chồng chị còn bệnh hoạn tra tấn vợ bằng cách bắt vợ… cởi bỏ hết quần áo để canh giấc cho mình ngủ. Không chịu nổi, chị Mai quyết định ly hôn dù đã được các hòa giải viên đến động viên chị rút đơn nhiều lần.

Khi chưa được giải phóng khỏi cảnh “ngục tù”, thì trước ngày diễn ra phiên xử ly hôn, anh chồng về nhà với ý định tẩu tán tài sản. Đang làm đồng, chị Mai tức tốc về nhà thì bị em chồng ngăn cản. Đôi bên xô xát dẫn đến việc chị bị ngã đập đầu xuống nền nhà và tử vong sau đó.

Vụ án được đưa ra xét xử với mức án dành cho người em chồng là 3 năm tù giam. Tuy nhiên, quá bất bình trước vụ việc này, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (Csaga) đã vào cuộc và kết quả cuối cùng thêm một cái án 11 năm tù cho người chồng.

Dư luận hẳn cũng chưa quên vụ thảm án đã xảy ra ở Phú Thọ khiến 4 người chết. Thủ phạm trong vụ án kinh hoàng này là Nguyễn Công Dụng ở khu 10, xã Bình Bộ, huyện Phù Ninh. Nguồn cơn của vụ việc này ít ai ngờ đến chỉ vì một bức tường rào đổ. Dù đã được chính quyền can ngăn, hòa giải nhưng Dụng vẫn giấu nỗi ấm ức trong lòng. Để giải quyết mâu thuẫn, Dụng đã tước đoạt sinh mạng 4 con người để cuối cùng phải trả giá bằng án tử hình. Trong vụ việc này, người ta chợt tiếc giá như mâu thuẫn giữa hai nhà hàng xóm đó được hòa giải triệt để hơn.

Bên cạnh niềm vui, những người làm công tác hòa giải cũng chạnh lòng khi mà họ đã làm hết khả năng của mình nhưng vụ việc vẫn phải giải quyết bằng pháp luật. Đáng buồn hơn nữa là sau đó, dù phán quyết có công minh thì nghĩa tình anh em, xóm làng cũng không thể hàn gắn.

Đông Bình

Đọc thêm