UBTVQH cũng đã dành cả ngày để cho ý kiến các báo cáo đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020; Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn (2016-2020); Giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%
Đánh giá các Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho biết, nhìn lại phát triển kinh tế - xã hội trong 3 năm dù gặp nhiều khó khăn thách thức từ thiên tai, biến đổi khí hậu, hay những tồn tại hạn chế trong giai đoạn trước đây nhưng với quyết tâm chính trị rất cao, QH, Chính phủ và các cấp, ngành đã hành động, hoàn thiện nhiều thể chế, đổi mới chính sách.
“Chưa bao giờ như những năm gần đây, Thủ tướng và Chủ tịch QH đã đối thoại với DN tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, khắc phục yếu kém trong quản lý điều hành. Đặc biệt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí đã tác động lớn đến chấn chỉnh, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong điều hành của đất nước. Việc lắng nghe nhân dân, DN phản ánh đã làm giảm đi những bức xúc trong đời sống xã hội đang còn ý kiến khác nhau để tạo sự đồng thuận”, bà Phóng nhấn mạnh.
Tuy nhiên Phó Chủ tịch QH cũng cho rằng, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế còn hạn chế, cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, đời sống của người dân tại vùng biến đổi khí hậu, thiên tai, bãi ngang còn khó khăn. Bên cạnh đó cần đánh giá thêm về tính kỷ luật của bộ máy, bộ máy còn cồng kềnh là được coi là bước cản cho sự phát triển.
Giải quyết kịp thời vướng mắc cấp bách đặt ra
Hoan nghênh những kết quả đạt trong 3 năm qua và đặc biệt trong năm 2018 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng, trong thời gian qua, cử tri cả nước thấy rằng Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng luôn đi sâu đi sát cơ sở, bám sát thực tiễn giải quyết kịp thời vướng mắc cấp bách đặt ra và lãnh đạo Chính phủ thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tham dự các cuộc xúc tiến đầu tư với các tỉnh.
“Những kết quả về kinh tế - xã hội đạt được năm 2018 là khá toàn diện trên các mặt, cũng đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận qua các chỉ số đánh giá. Chúng tôi cho rằng những kết quả đó tạo không khí phấn khởi, tích cực trong toàn xã hội”, bà Nga nói.
Cho ý kiến, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đánh giá chung tình hình có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát tốt (3 năm liên tục dưới 4%) và bảo đảm cơ cấu lớn của nền kinh tế, cân đối lớn cơ bản giữ được. Tuy nhiên, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ cần chú ý những rủi ro về tác động kinh tế thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ có thể tác động tiêu cực trực tiếp hoặc gián tiếp đến nền kinh tế nước ta, nhất là hoạt động xuất khẩu và đầu tư.
Bên cạnh đó, cần chú ý những rủi ro về lạm phát, tỷ giá; các rào cản về thủ tục hành chính và công tác chỉ đạo điều hành ở chỗ này chỗ nọ vẫn bị người dân kêu; có những dự án 3 năm chưa làm được, DN tư nhân có đầy đủ thủ tục mà 10 năm vẫn không làm được do các địa phương sợ sai, sợ trách nhiệm… Thủ tướng, Chính phủ mong môi trường kinh doanh thông thoáng, nhưng khi thực thi thì không đơn giản chút nào.
Tại sao thi công lâu nhưng xuống cấp nhanh?
Ghi nhận những kết quả đạt được, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, qua tiếp xúc đại biểu QH, cử tri thì thấy còn nhiều điểm cần lưu ý. Trước hết, đề nghị cần làm rõ chất lượng các công trình hạ tầng nói chung, đặc biệt là công trình đầu tư công, trong đó có công trình giao thông xuống cấp nhanh.
“Chúng ta phải trả lời được câu hỏi mà cử tri nói lâu rồi: Vì sao công trình làm thì lâu mà hỏng thì nhanh, đặc biệt là các công trình giao thông. Vừa rồi, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới thông xe 2/9/2018, đầu tư 34.500 tỷ đồng mà xuống cấp rất nhanh. Chúng tôi đề nghị làm rõ các vụ việc cụ thể mà dư luận, cử tri, báo chí nêu, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Lưu ý trong trách nhiệm giải trình phải nói rõ và phải nghiêm túc, tránh trường hợp né tránh trách nhiệm như Ban Quản lý cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi ngay lập tức nói do mưa hay rơi vãi dầu diesel”, bà Nga thẳng thắn.
Cùng quan điểm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ cần đánh giá sâu thêm về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Bởi thực tế nhiều chính sách đã ban hành nhiều năm nhưng không thực hiện được do vấn đề thiếu kinh phí. Nếu chúng ta thực hành tiết kiệm chống lãng phí tốt thì sẽ có nguồn kinh phí để thực hiện các chính sách.
“Như việc in sách giáo khoa, mỗi năm xã hội lãng phí 1 ngàn tỷ đồng. Xây dựng 1 nhà cho người có công là 50 triệu đồng, với số tiền đó mỗi năm chúng ta xây dựng được 20 ngàn căn nhà cho người có công, còn sửa chữa thì được 40 ngàn căn” - Trưởng ban Dân nguyện của QH dẫn chứng.
Trên cơ sở đó, bà Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề: “Câu chuyện lãng phí trong sách giáo khoa tại sao phụ huynh biết, học sinh biết, cử tri biết, nhưng nhà quản lý lại không biết sự lãng phí?Nếu chúng ta quyết liệt hơn đã có bao nhiêu nhà tình nghĩa được xây dựng từ số tiền bị lãng phí như thế này?”.