Xuất khẩu sang châu Mỹ liên tục tăng
Tại Diễn đàn về Hợp tác Thương mại và Công nghệ với các đối tác châu Mỹ diễn ra hôm qua (25/9), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ không ngừng phát triển trong những năm gần đây.
Châu Mỹ liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng kim ngạch thương mại cao nhất trong các đối tác của Việt Nam. Giá trị thương mại 2 chiều trong vòng 10 năm qua đã tăng 3,5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 96,8 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó, xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 73,6 tỷ USD.
Mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của Covid-19 nhưng trong 8 tháng qua, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam với các nước châu Mỹ vẫn đạt 69,3 tỷ USD, tăng 11,8%, trong đó XK của Việt Nam tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và DN (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia) cho biết, hàng hóa XK của Việt Nam sang các thị trường chủ đạo của châu Mỹ đều tăng, chứng tỏ các quốc gia này đang có sự hồi phục thị trường.
Một trong những nguyên nhân khiến cho tốc độ XK sang châu Mỹ tăng cao là nhờ Hiệp định đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Một số nhóm hàng có tốc độ tăng cao như mặt hàng điện tử sang Canada, Mỹ, Mexico.
“Tuy nhiên, câu chuyện của Việt Nam lại nằm ở các ngành hàng dệt may, da giày, thủy sản. Do đó các DN thuộc lĩnh vực này cần chú ý đến đà phục hồi kinh tế của các quốc gia châu Mỹ” - ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ thông tin, kinh tế Mỹ đã bắt đầu phục hồi từ quý III, quý IV có dự báo tăng trưởng khoảng 2,4% và trong năm 2021 sẽ còn khả quan hơn. Đây là yếu tố quan trọng với Việt Nam khi thị trường Mỹ hồi phục bởi Mỹ là thị trường nhập khẩu (NK) lớn nhất thế giới.
“Đầu năm 2021 có vắc xin phòng chống Covid thì khả năng tiêu dùng tại thị trường này sẽ phục hồi rất nhanh chóng và đáng chú ý, nhu cầu mua hàng trực tuyến sẽ tăng trong thời gian tới” - ông Sơn lưu ý.
Nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng từ Việt Nam đang tăng lên
Ông Đinh Hữu Thạnh, Giám đốc điều hành Công ty CP giao nhận vận tải BEE cho biết, thị hiếu tiêu dùng ở Nam - Trung Mỹ và Bắc Mỹ khá khác nhau và có sự chênh lệch lớn về kinh tế của các khu vực này. Trong khi các quốc gia Bắc Mỹ chuộng mua sắm, tiêu dùng hàng hóa đa dạng, từ loại cấp thấp tới cấp cao thì Trung và Nam Mỹ lại không yêu cầu quá cao về mẫu mã, mà quan trọng nhất là sự tiện dụng.
Đại diện Tập đoàn đa quốc gia Sodimac - một nhà phân phối bán lẻ hàng đầu châu Mỹ, đặt trụ sở và nhà máy sản xuất tại 7 nước châu Mỹ cũng cho biết, khách hàng của Sodimac trải rộng đủ phân khúc, từ các cấp khách hàng bình dân đến sang trọng đẳng cấp. Tập đoàn có doanh thu 6 tỷ USD vào năm 2019, trong đó doanh thu NK khoảng 700 triệu USD, do đó còn rất nhiều tiềm năng để khai thác hàng hóa NK từ các khu vực khác.
Vị đại diện này cũng cho biết, trước đây, đa phần Sodimac đều nhập hàng từ Trung Quốc nhưng hiện tại đang tính chuyện chuyển hướng tìm kiếm các nhà cung cấp đạt tiêu chuẩn khác, trước mắt là mặt hàng nội thất.
Vị này đánh giá Việt Nam có tiềm năng trong sản phẩm trang trí nội thất. Sodimac đã có văn phòng ở Thượng Hải (Trung Quốc) nên sẽ dễ có cơ hội tiếp cận các mặt hàng của Việt Nam. Ông cũng tin rằng sẽ tìm được các sản phẩm kinh doanh từ Việt Nam để đáp ứng thị hiếu khác nhau của khách hàng.
Đại diện Tập đoàn Falabella (Chile) có mạng lưới phân phối lớn nhất khu vực châu Mỹ Latin cũng khẳng định, đang tìm cách mở rộng kinh doanh ra các khu vực khác; Hy vọng có thể tìm kiếm được các nguồn cung hàng dệt may, giày dép và đồ thể thao từ Việt Nam và những sản phẩm tiêu chuẩn phù hợp cho kinh doanh trực tuyến. “Việc đặt một cơ sở sản xuất và văn phòng tìm kiếm nguồn cung ở Việt Nam cũng là điều mà chúng tôi nhắm tới trong thời gian tới” - vị này tiết lộ.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada Đỗ Thu Hương cho rằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội hợp tác với Canada so với trước đây do Canada ưu tiên phát triển thương mại với châu Á. Hiện nhiều DN Canada đã xem xét lại nguồn cung và địa điểm đặt cơ sở sản xuất để tiến tới tìm kiếm một quốc gia nào đó có thể đảm bảo sự ổn định.
Nhiều DN Canada cũng đang tìm nhà cung ứng và đặt nhà máy tại Việt Nam dù có thể quy mô chưa lớn nhưng có nhiều nhóm hàng như các nhóm ngành hỗ trợ công nghiệp. Đây là một cơ hội vừa để thu hút đầu tư từ Canada vừa có thể gia tăng XK hàng hóa sang quốc gia này.