Tuần hàng Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam: Tham vọng hình thành “hàng Việt nội địa”

(PLVN) - Người Việt vẫn có tư tưởng hàng Việt Nam xuất khẩu có chất lượng tốt hơn nên việc hình thành khái niệm “hàng Việt nội địa” đã được đặt ra để hàng hóa Việt có thể hoàn toàn chinh phục được thị trường trong nước. 
Tuần hàng Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam: Tham vọng hình thành “hàng Việt nội địa”

Bước sang giai đoạn tự hào tiêu dùng hàng Việt

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hàng hóa Việt Nam đã tham gia vào cuộc chơi toàn cầu với việc xuất khẩu (XK) sang 186 nước, những sản phẩm mùa vụ cũng đến được khoảng 60 nước nhưng còn rất nhiều khó khăn cho hàng XK của Việt Nam do những thay đổi của thế giới, bắt đầu từ phương thức tiêu thụ của người tiêu dùng. 

Thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) tập trung sâu vào khâu XK, gắn với tổ hợp chế biến thì thường sẽ không tham gia vào sân chơi nội địa do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19, những khó khăn trong XK đã khiến nhiều DN phải nhìn lại thị trường nội địa với 100 triệu dân và nhiều DN, hệ thống phân phối đã hướng tới tiêu dùng hàng Việt Nam ở siêu thị với những sản phẩm đủ chất lượng, đủ an toàn. 

Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group - đơn vị chuyên XK nông sản sang các thị trường khó tính như Mỹ, Canada cho biết, với tư cách là một người tiêu dùng, ông nhận thấy, trong các siêu thị, trái cây ngoại được trưng bày rất lung linh nhưng trái cây Việt lại rất thưa thớt và đều ở tình trạng “trưng bày cho có lệ” nên cũng cảm thấy chạnh lòng cho hàng Việt. 

“Tại sao trái cây Việt Nam được thế giới yêu thích mà ở Việt Nam lại không được như thế. Ở Nhật, ai là khách VIP mới được mời ăn thanh long Việt Nam nhưng ở Việt Nam thì lại không có giá trị gì. Do đó, chúng tôi đã quay trở lại thị trường nội địa với mục tiêu đưa trái cây Việt Nam lên một tầm cao mới ngay tại thị trường trong nước bằng một showroom riêng ở TP Hồ Chí Minh.

Chúng tôi tìm kiếm các nguồn hàng chất lượng để đưa vào cửa hàng này, chúng tôi muốn đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới và muốn người Việt Nam phải tự hào và yêu thích hàng Việt Nam ở cả trên thế giới và trong nước” - ông Tùng chia sẻ. 

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá, hiện các hệ thống bán lẻ đã rất nỗ lực tìm kiếm các nguồn hàng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước.

“Người Việt Nam sẽ được dùng những sản phẩm có chất lượng toàn cầu trước đây vốn ưu tiên dành cho XK. Chúng tôi đã có kế hoạch nâng tầm cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thành người Việt Nam tự hào hàng Việt Nam và sự kiện Tinh hoa Việt Nam là hướng đi khởi đầu, đánh dấu chính thức bước sang giai đoạn tự hào tiêu dùng hàng Việt” - bà Nga chia sẻ. 

Hình thành khái niệm “hàng Việt nội địa”

Người Việt đặc biệt tin tưởng “hàng Nhật nội địa”, “hàng Hàn nội địa”. “Vậy tại sao chúng ta không hình thành nên những “hàng Việt nội địa” để người Việt cũng có thể tự hào với hàng hóa của mình”? - đó là vấn đề mà bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Central Retail đặt ra. Và Tuần hàng “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” chính là điểm bắt đầu của hành trình hình thành nên những “hàng Việt nội địa”.

Đại diện Ban tổ chức Tuần hàng này cho biết, chuỗi sự kiện sẽ đặc biệt chú trọng tới việc kết nối cho các DN Việt vào hệ thống bán lẻ của Central Retail ở Việt Nam và Thái Lan; Đồng hành cùng DN chinh phục khách hàng tại Việt Nam và Thái Lan.

Ngoài ra, sẽ có các chương trình ưu đãi khuyến mại ở 279 cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc để tạo hiệu ứng cho “Made in Vietnam - Tinh hoa Việt Nam” và bắt đầu tạo thói quen hình thành khái niệm “hàng Việt nội địa” cho người tiêu dùng Việt Nam bởi “chúng tôi không bị áp lực tiêu thụ hàng Thái Lan” -  bà Phương khẳng định. 

Trao đổi với PLVN về vấn đề này, bà Phương cho rằng, thực tế trong tư tưởng người Việt Nam vẫn có khái niệm hàng Việt Nam XK mới có chất lượng tốt. Nhưng với thị trường 100 triệu dân và thu nhập bình quân đang tăng lên thì Central Retail mong Việt Nam có thể phát triển những sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, dành riêng cho người Việt Nam ở từng vùng khác nhau vì các miền đều có văn hóa vùng miền riêng nên phải phát triển sản phẩm như thế nào cho phù hợp với văn hóa từng vùng mới có thể thành công. Ví dụ như cá tra, khi XK thường chỉ XK cá phi lê thì với thị trường nội địa nên nghiên cứu đi theo hướng sản phẩm như thế nào cho phù hợp. 

“Hiện có những sản phẩm XK rất thành công nhưng quay trở lại thị trường trong nước thì chưa chắc đã đạt kết quả tốt như XK. Do đó, tôi nghĩ tại sao không hình thành nên các sản phẩm hàng Việt nội địa để người Việt tin dùng và tự hào với hàng hóa của mình. Chúng tôi hy vọng thông qua chương trình sẽ hình thành khái niệm hàng Việt Nam nội địa ngang như hàng Nhật Bản nội địa, hàng Hàn Quốc nội địa” - bà Phương chia sẻ. 

Đọc thêm