Triển lãm phân biệt hàng thật - hàng giả: Biện pháp phòng chống hàng giả hữu hiệu

(PLVN) - “Nếu không có các cuộc trưng bày hàng giả - hàng thật thì khả năng nhận biết chúng thật sự khó khăn”. Nhiều người tiêu dùng đã nói như vậy khi so sánh 2 loại hàng này trong các cuộc trưng bày.
Trưng bày hàng giả - hàng thật cần sự phối giữa QLTT với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa và Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 Trưng bày hàng giả - hàng thật cần sự phối giữa QLTT với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa và Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trưng bày tại các chợ, điểm mua sắm 

Trưng bày hàng giả - hàng thật là một trong những hoạt động đơn giản nhất giúp người tiêu dùng nhận biết hàng thật - hàng giả. Bởi khi trưng bày, hàng giả  được mang ra đặt cạnh hàng thật để so sánh người tiêu dùng mới nhận thấy, hàng giả được làm tinh vi đến mức độ nào. 

Chị Hoàng Thúy Hằng (Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho biết, chị không bỏ sót bất kỳ cuộc trưng bày hàng thật – hàng giả nào diễn ra ở Hà Nội. Xem và so sánh các loại hàng nhiều lần mới có thể có khả năng nhận biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả và phải ghi nhớ rõ ràng để áp dụng trong các lần sau.  

Để tổ chức được một cuộc trưng bày với mục đích như thế này, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bắc Ninh đã chủ động, tích cực phối hợp và liên hệ với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa; đặc biệt là phối hợp với các hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; các công ty luật đại diện cho các chủ thể quyền của các nhãn hàng, thương hiệu hàng hóa nổi tiếng để nhận các mẫu hàng hóa, thông tin về hàng hóa và các tài liệu phục vụ cung cấp những thông tin cơ bản về hàng hóa và cách nhận biết, phân biệt hàng thật, hàng giả.

Các mặt hàng trưng bày tại các cuộc triển lãm này đa phần là các sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, túi, ví, đồng hồ, dây lưng, kính mắt...;  sản phẩm hóa mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, phấn trang điểm, son môi, maccara, nước hoa ...; đồ gia dụng như vòi nước, khóa cửa…, phụ tùng xe máy… Đặc biệt là trưng bày hàng thật - hàng giả một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu hàng ngày để bà con dễ phân biệt như mỳ chính, hạt nêm… 

Một số người tiêu dùng cho rằng, việc tổ chức trưng bày hàng thật, hàng giả là rất cần thiết để người tiêu dùng được cung cấp những thông tin cơ bản, giúp phân biệt hàng thật, hàng giả trên thị trường. “Nếu có thể thì nên tổ chức tại các địa điểm mua sắm, các chợ những quầy hàng trưng bày cố định để người tiêu dùng có thể so sánh mỗi khi cần”  - chị Hằng nêu ý kiến. 

Nhiều trường hợp khó phân biệt 

Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, trong cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu giả mạo các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam đã bị thu giữ với số lượng lớn. Trong đó có những sản phẩm “nhãn như thật”, rất khó để người tiêu dùng có thể nhận biết nếu không có hàng thật do chủ sở hữu đưa ra. 

Trong một trường hợp bắt gần 400 thùng dầu gội đầu Clear và Sunsilk của Cục QLTT Ninh Thuận mới đây, qua kiểm tra ngoại quan bao bì đối với sản phẩm dầu gội đầu hiệu Clear và Sunsilk, cơ quan chức năng phát hiện có các dấu hiệu không phù hợp với sản phẩm cùng loại đang lưu thông trên thị trường như: không có vết cắt bên hông túi và trên bao bì có in sai lỗi chính tả như “Tác động”-“Tác Dong”, “nỗi lo” - “noi lo” đối với dầu gội đầu hiệu Clear; “sản phẩm” - “sản phầm” đối với dầu gội đầu hiệu Sunsilk. 

Dù dấu hiệu nhận biết hàng giả đã khá rõ ràng nhưng để có căn cứ xác định, QLTT tỉnh này tiến hành trưng cầu giám định các sản phẩm có dấu hiệu là hàng giả nhãn hiệu. Kết quả, Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam là đơn vị sử dụng độc quyền đối với nhãn hiệu Clear và Sunsilk khẳng định, toàn bộ lô sản phẩm gội đầu hiệu Clear và dầu gội đầu hiệu Sunsilk mà cơ quan này đang tạm giữ không phải sản phẩm do Công ty Unilever Việt Nam sản xuất. Đây là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu các sản phẩm của Unilever Việt Nam.

Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, các dấu hiệu giả mạo rất dễ nhận biết nhưng cũng có khi dấu hiệu giả mạo rất khó phân biệt, do đó, ngoài việc khuyến khích tổ chức các triển lãm phân biệt hàng thật - hàng giả, Tổng cục QLTT  cũng thường xuyên tuyên truyền người dân nên mua hàng tại các địa chỉ tin cậy, không nên mua hàng trôi nổi, đặc biệt các loại hàng được bán giảm giá rầm rộ ở mạng xã hội, các website chưa được công nhận. 

Ngoài ra, các cuộc triển lãm trưng bày hàng thật - hàng giả cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội trưng bày, giới thiệu hàng thật, hàng giả, nâng cao uy tín của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, lôi cuốn các doanh nghiệp chủ động tích cực tham gia công tác đấu tranh chống hàng giả đối với các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. 

Đọc thêm