Chạy theo cái bóng của sao không thể thành sao

(PLO) - Thời gian gần đây, liên tiếp những chương trình truyền hình “Gương mặt thân quen”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Ca sĩ giấu mặt”... và giờ thêm cả “Biến hoá hoàn hảo – My name is...” ra đời cùng chung một hình thức chơi: bắt chước người nổi tiếng.
Bé Bảo Ngọc và nam ca sĩ Phan Ngọc Luân trong phần thi “bắt chước” ca sĩ Thanh Lam với bài hát “Hồ trên núi”.
Bé Bảo Ngọc và nam ca sĩ Phan Ngọc Luân trong phần thi “bắt chước” ca sĩ Thanh Lam với bài hát “Hồ trên núi”.

Rõ ràng hơn với luật chơi “chung hình thức” như đã nói, nghĩa là những chương trình kể trên đòi hỏi người tham gia diễn (hát, múa, kịch...) bắt chước sao cho thật giống với những nghệ sĩ nổi tiếng. Và tất nhiên, càng được vào sâu và chiến thắng nghĩa là người đó bắt chước giỏi nhất, giống bản gốc nhất. Với tiêu chí phục vụ nhu cầu giải trí, việc bắt chước của người chơi đối với nghệ sĩ nổi tiếng từ vóc dáng, điệu bộ, cử chỉ đến giọng hát chỉ để mang lại sự thích thú và tạo tiếng cười cho khán giả.

Tuy nhiên, việc nở rộ của những chương trình này gây ra sự lo lắng của giới chuyên môn về nguy cơ tạo nên tư duy nghệ thuật lệch lạc ở một bộ phận khán giả. Đó là xem sản phẩm bắt chước như một sáng tạo của nghệ thuật. 

Phản biện lại vấn đề này, nhiều người cho rằng phải giỏi mới có thể làm được như vậy, chứ không phải ai cũng bắt chước được. Dù vậy, nếu thật sự tài năng thì nên tham gia bằng chính sự sáng tạo của mình, thay vì làm một cái bóng của ai đó.

Dẫu biết các chương trình được ra đời là phục vụ nhu cầu của khán giả. Nhưng đúng nghĩa một chương trình thì cần phải có yếu tố định hướng thẩm mỹ cho khán giả chứ không phải cho ra đời chỉ vì mang lại lợi nhuận. Bởi một khi đã lên truyền hình, trách nhiệm định hướng không thể không đặt ra, nhất là khi truyền hình đang là phương tiện thông tin giải trí thu hút lượng người xem lớn nhất và thước đo chuẩn mực đối với nhiều thế hệ.

Hát, diễn giống hệt người khác chỉ là giỏi bắt chước, chỉ có giá trị giải trí nhất định chứ không phải sáng tạo nghệ thuật. Nếu như càng nhiều chương trình bắt chước này được mở ra, nhiều người giỏi bắt chước được tôn vinh sẽ gây ra trong suy nghĩ của nhiều người một lối suy nghĩ lệch lạc về nghệ thuật đó chính là nhái giỏi “ngôi sao” nào đó rồi bạn cũng sẽ là người nổi tiếng. Thực tế có những người nổi tiếng trở thành “sao”, được tung hô và đang đi theo con đường này sau khi tham gia các chương trình “bắt chước”.

Điều đáng nói là những người tổ chức chương trình không xác định rõ với công chúng đây chỉ là các sân chơi thuần giải trí, mua vui và nó không có giá trị đóng góp vào việc tìm kiếm tài năng nghệ thuật. Và đối với nghệ thuật, muốn ghi danh trong lòng công chúng thì cần phải là chính mình, sáng tạo của mình, thành quả của mình chứ không thể mãi là cái bóng của một ai khác.

Đọc thêm