Và NT đã hát cho thính giả nghe bài “Gửi em ở cuối sông Hồng” của cố nhạc sỹ Thuận Yến. Cùng một lúc, NT đóng vai trò cả hai nhân vật nam và nữ song ca. Đoạn đối ca (từng người hát đối đáp) thì không nói làm gì. Đến chỗ song ca thì chắc chắn phải nhờ vào kỹ thuật thu thanh (thu riêng từng giọng rồi lồng ghép). Cách hát này nếu biểu diễn trên sân khấu thì sao đây? Làm sao một người cùng lúc cất lên cả hai giọng để chập lại?
Biên tập viên hỏi NT về cách luyện tập ra sao để có thể đạt được khả năng độc đáo, tài ba như thế. NT trả lời - tất nhiên là có phần khiêm tốn, nhưng cho biết là khá kỳ công. Nào là phải xử lý hát giả thanh ra sao, chuẩn bị chuyển từ giọng nam sang giọng nữ thế nào để tránh không gây cho người nghe cảm giác bị đột ngột…
Không cần phải có lỗ tai sành sỏi của người có nghề âm nhạc, bất cứ ai chỉ cần nghe kỹ, nghe lâu một chút cũng dễ dàng phát hiện người hát này có giọng rất giả, nghe eo éo và thấy rõ đó là nam cố tình hát giọng chua, không phải là giọng của nữ.
Tôi nhớ lại khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước, lần đầu tiên có một ai đó một mình hát bài “Trước ngày hội bắn” của Trịnh Quý bằng hai giọng nam và nữ (giả). Người này hát rất khéo, hai chất nam và nữ khác biệt nhau rõ rệt khiến ai cũng nghĩ là đôi nam nữ song ca. Lúc đầu người ta thấy thích thú. Thế là sau đó, có thêm nhiều người khác cũng tìm đến bài này và một số bà vẫn dành cho hát song ca như “Nhạc rừng” (Hoàng Việt ), “Tình trong lá thiếp” (Phan Huỳnh Điểu)… để thể hiện kiểu giả giọng nữ. Nhưng không bằng người hát đầu tiên. Thế là hóa nhàm.
Và từ đó đến nay, không thấy ai hát kiểu này nữa cho đến bây giờ với sự xuất hiện của NT. Thực ra không phải là không còn người biết hát kiểu này mà có thể tìm thấy ở mọi nơi, thậm chí nghe còn giống nữ hát hơn trường hợp ca sỹ không chuyên NT. Nhưng họ tự thấy đây chỉ là một thứ khéo, một trò giải trí gần giống như ảo thuật vậy. Bẵng đi lâu lắm, nay mới thấy có người cùng lúc hóa thân vào cả hai vai trò nam và nữ được giới thiệu trên làn sóng một đài phát thanh chính thống của quốc gia.
Kiểu hát giả thanh, bắt chước giọng nữ để gây chút hứng thú cho những người nghe dễ dãi không phải là nghệ thuật mà chỉ là một trò giống như ảo thuật như đã nói. Bởi nghệ thuật là thứ phải làm rung động được trái tim người thưởng thức và phải thỏa mãn được khoái cảm thẩm mỹ của họ. Tất nhiên đây là nói khi đã đạt được tầm giá trị nào đó. Vậy nên dù có khéo đến đâu, người nam hát có vẻ giống với nữ đến đâu cũng không thể được coi là nghệ thuật. Bởi vì nó là giả. Mà nghệ thuật không thể được tạo dựng bởi cái giả. Ngay cái thật mà người nghệ sỹ còn phải nhọc công tìm tòi, sáng tạo mới mong tạo nên được giá trị nghệ thuật, huống hồ!
Vậy nên nếu giọng hát “đặc biệt” của ca sỹ không chuyên NT xuất hiện trên làn sóng một Đài phát thanh chính thống của quốc gia với tư cách một nghệ sỹ đang biểu diễn nghệ thuật thì không thuyết phục mà chỉ nên để ở một chương trình nào đó mang tên “Câu lạc bộ giải trí” chẳng hạn. Bởi lẽ vô hình trung, Đài Tiếng nói Việt Nam đã nhầm lẫn để cổ súy cho một thứ không phải là nghệ thuật đích thực mà chỉ là trò vui, giải trí mặc dù nghệ thuật cũng có chức năng giải trí cho công chúng. Nhưng đó lại là vấn đề khác, không thuộc phạm vi bàn đến của bài viết này