Chế độ dinh dưỡng phòng rối loạn tiêu hóa cho trẻ nhỏ

(PLO) -Cha mẹ nên cho trẻ ăn cân đối 4 nhóm chất, chọn thực phẩm tươi sạch, đun sôi nấu chín, đổ bỏ sữa thừa sau một tiếng...
Chế độ dinh dưỡng khoa học và thực phẩm an toàn giúp hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh hơn. Ảnh: iStock
Chế độ dinh dưỡng khoa học và thực phẩm an toàn giúp hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh hơn. Ảnh: iStock

Rối loạn tiêu hóa xảy ra thường xuyên hoặc kéo dài sẽ khiến đường ruột của trẻ bị tổn thương. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, chứng bệnh gây ra bởi cơn co thắt thất thường của hệ tiêu hóa, khiến trẻ nôn trớ, mệt mỏi, đau quặn bụng, tiêu chảy, táo bón... Lâu ngày, trẻ sẽ kém chuyển hóa và hấp thu, dẫn đến sút cân, suy dinh dưỡng, viêm đại tràng...

Bác sĩ Vi kể tên các nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ, gồm:

Hệ tiêu hóa trẻ nhỏ phát triển chưa hoàn thiện: Lượng enzyme chưa đủ và các chức năng tiêu hóa chưa đáp ứng kịp với số thức ăn đưa vào trong cơ thể.

Chế độ ăn uống không hợp lý: Rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra khi chế độ ăn uống của trẻ giàu đạm, đường, chất béo... nhưng lại ít chất xơ, vitamin, khoáng chất...

Dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài: Kháng sinh không chỉ tiêu diệt hại khuẩn, mà còn loại trừ cả lợi khuẩn. Lạm dụng lâu dài sẽ khiến hại khuẩn xâm nhập và phát triển mạnh hơn, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.

Biến chứng của bệnh khác: Hệ tiêu hóa có thể ảnh hưởng khi trẻ viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi…

Để trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh và phát triển toàn diện, bác sĩ Vi khuyên cha mẹ xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ dưỡng chất, chế biến hợp vệ sinh... Trước khi ăn, trẻ cần được rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Các bé dưới 2 tuổi không nên đưa đồ chơi vào miệng, hoặc phải rửa sạch và tiệt trùng đồ gặm nướu bằng nước sôi.

Trẻ dưới một tuổi không nên ăn dặm quá sớm (trước 5 tháng tuổi). Việc dung nạp thức ăn thô sớm khiến dạ dày và ruột hoạt động quá khả năng, hệ tiêu hóa của bé còn non nớt dễ tổn thương và rối loạn. Với trẻ lớn hơn, bữa ăn cần cân đối 4 nhóm chất (đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất). Các món ăn phải đảm bảo tính an toàn, tươi sạch, đun sôi nấu chín.

Khi cho trẻ uống sữa bột, cha mẹ cần pha theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, không dùng sữa để quá một tiếng. Bình và núm cần được rửa, tiệt trùng trước và sau sử dụng. Với trẻ bị rối loạn tiêu hóa, cha mẹ nên ưu tiên chọn loại sữa giàu chất xơ tự nhiên, có khả năng chuyển hóa cao và nhiều enzyme hỗ trợ tiêu hóa.

Đọc thêm