Không biết các cấp chính quyền Hải Dương sẽ để người dân phải chờ đợi thêm bao nhiêu thời gian nữa khi hiện nay vẫn chưa thể thống nhất giải quyết dứt điểm những kiến nghị liên quan?
Tỉnh im lặng, chủ đầu tư KCN phủ nhận sự liên quan
Trong bài viết phản ánh về vụ việc sau 4 năm thu hồi mới tiến hành kiểm kê tài sản ở TX Chí Linh (Hải Dương), chúng tôi đã thông tin đến bạn đọc cụ thể các văn bản liên quan giải quyết vụ việc. Cụ thể, UBND TX Chí Linh đã có văn bản đề nghị hướng giải quyết, Sở TN&MT Hải Dương cũng đã có văn bản tham mưu đến UBND tỉnh Hải Dương nhưng sau 1 năm vẫn chưa thấy có động thái gì từ UBND tỉnh.
Đặt câu hỏi này trong buổi làm việc với UBND tỉnh Hải Dương, PV vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ đại diện UBND tỉnh. Tuy nhiên, bà Trần Thu Hương- Phó phòng Giá đất, Sở TN&MT Hải Dương (được UBND tỉnh mời đến cùng làm việc với PV Báo PLVN) cho biết, Sở đã 2 lần gửi văn bản tham mưu đến UBND tỉnh nhưng UBND tỉnh không thể ra văn bản quyết định ngay được vì những vấn đề này có liên quan đến Cty CP phát triển đô thị và KCN Cao su Việt Nam là chủ đầu tư KCN Cộng Hòa.
Cụ thể, đơn kiến nghị của công dân Trần Thị Thanh liên quan đến 22.000m2 đất bị ảnh hưởng bởi KCN, khiến khu vực này không có đường đi lại, vận chuyển, buộc phải dừng sản xuất. UBND TX Chí Linh và Sở TN&MT Hải Dương đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi luôn để xem xét tính toán lên phương án đền bù cho bà Thanh nhưng đến giờ, vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra dù gia đình bà Thanh đã bị thiệt hại quá nhiều sau 9 năm dừng sản xuất.
Mang vấn đề này đặt lên bàn làm việc với ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc Cty CP Phát triển đô thị và KCN Cao su Việt Nam, ông khẳng định, 22.000m2 này không nằm trong quy hoạch KCN, cũng không bị ảnh hưởng bởi KCN. Quyết định thu hồi đất hay không phụ thuộc vào UBND tỉnh, Cty chắc chắn không sử dụng khu đất này.
Tuy nhiên, có một điều lạ là trong khi tất cả các ban ngành liên quan trong tỉnh đều khẳng định phần đất này của bà Thanh bị ảnh hưởng bởi KCN Cộng Hòa thì ông Tổng Giám đốc, chủ đầu tư của KCN lại khẳng định, không ảnh hưởng.
Ông Thành còn nói thêm: “Đến thời điểm này vẫn chưa ảnh hưởng gì về việc đi lại đối với khu đất của bà Thanh. Trong tương lai, khi KCN hình thành thì không những không ảnh hưởng mà còn tốt hơn vì khu vực nằm trong đường nối tỉnh lộ, chắc chắn sẽ được hưởng lợi. Còn đánh giá ảnh hưởng hay không ảnh hưởng là do sự hiểu biết của từng người”.
Trong khi đó, bà Trần Thu Hương khẳng định, các ban ngành liên quan đã đi thực địa, mở cả bản đồ quy hoạch ra xem mới đưa đến khẳng định trên. Bà Hương nói: “Đường đi rõ ràng là không có vì nếu đi thì đi qua giữa KCN của Cty ấy. Giờ Cty chưa thực hiện dự án thì đi được nhưng khi dự án hoàn thành thì đi kiểu gì”? Vậy không hiểu vì lý do gì mà ông Tổng Giám đốc Cty CP Phát triển đô thị và KCN Cao su Việt Nam cứ khăng khăng một mình một ý kiến như vậy?
Nếu sự việc này không được UBND tỉnh giải quyết thấu đáo, e rằng sẽ có tiền lệ xấu tại tỉnh Hải Dương, rằng những người nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của cơ quan chính quyền đều phải chịu thiệt thòi. Bởi rõ ràng, việc nhà bà Thanh dừng sản ngay sau khi có quyết định thu hồi đất là có thật, đã được chính quyền thị xã ghi nhận mà cho đến nay, sau 9 năm đòi hỏi, những mất mát của gia đình bà Thanh vẫn chưa được đền bù thỏa đáng.
Lỗi do cơ quan chức năng nhưng người dân phải chịu?
Liên quan đến phần đất bị thu hồi, đại diện Sở TN&MT cho biết, hiện hộ bà Thanh còn 54.000m2 đất chưa tính toán được phần bồi thường. Bởi số diện tích đất này được xác định là đất mặt nước chuyên dùng vào thời điểm kiểm kê đo đếm nhưng đang được UBND TX Chí Linh đề nghị xem xét lại nguồn gốc đất. Vì chưa rõ nguồn gốc đất nên không thể tính toán phương án đền bù được.
Đại diện Sở TN&MT khẳng định, việc xác định nguồn gốc đất là chức năng của chính quyền địa phương. Cũng theo bà Trần Thu Hương, việc hộ bà Thanh mới chỉ nhận được một phần đền bù về tài sản trên đất là do trong số lượng kiểm kê tài sản do Phòng Quản lý đô thị Chí Linh báo cáo còn một phần tài sản nằm trên diện tích 22.000m2 vẫn chưa có quyết định thu hồi nên chưa thể tính toán đền bù cho hộ bà Thanh được.
Về các tài sản hư hao do thời gian kiểm đếm đền bù cách thời gian dừng hoạt động quá lâu, bà Hương khẳng định, những mất mát phải thể hiện bằng hồ sơ mới có thể xem xét bồi thường. Bà Hương nói: “Ví dụ như lán, mái che gạch bay đi thì chúng tôi đã có văn bản đề nghị, nếu có hồ sơ thì đưa vào sẽ được xem xét giải quyết. Chúng tôi chỉ là cơ quan thẩm định trên hồ sơ nên nếu không có giấy tờ hồ sơ rõ ràng thì chúng tôi không thể giải quyết”.
Dường như các cơ quan chức năng đang đánh đố người dân bởi có lẽ sẽ khó có việc người dân lưu giữ các giấy tờ liên quan đến xây dựng từ cách đây khoảng 14-15 năm. Cũng như chia sẻ của bà Thanh: “Khi chúng tôi đầu tư các lò gạch, ai nghĩ đến chuyện sau này sẽ nhận được đền bù mà giữ giấy tờ. Hơn nữa, việc mua bán với người dân thường thỏa thuận trực tiếp, làm gì có hóa đơn chứng từ mà trình lên cho các cấp có thẩm quyền. Nếu các cơ quan liên quan tiến hành kiểm kê ngay sau khi có quyết định thu hồi thì bây giờ tôi đâu có khốn khổ theo đuổi 9 năm trời để đòi lại những quyền lợi chính đáng của mình”.
Dễ nhận thấy, nếu các cơ quan chức năng tiến hành kiểm kê ngay sau khi bà Thanh chấp hành dừng hoạt động khi có quyết định thu hồi đất thì những tài sản bà Thanh được đền bù vẫn còn nguyên trạng, bà Thanh đương nhiên được đền bù mà không cần phải trình hồ sơ xây dựng. Như vậy, có thể thấy việc tiến hành kiểm kê muộn là lỗi của các cơ quan chức năng, sao lại bắt người dân phải chịu?