Những năm gần đây, nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm, tưởng rằng con đường điều trị của người nhiễm HIV/AIDS sẽ chông chênh. Tuy nhiên, một cánh cửa khác đang mở ra như tiếp thêm niềm hi vọng cho bệnh nhân HIV, đó chính là điều trị bệnh bằng thuốc ARV qua quỹ bảo hiểm y tế.
Niềm vui với người nhiễm H
Thuốc kháng vi rút ARV là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe của người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của dịch bệnh. Điều trị ARV sớm có thể làm giảm 41% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giảm nguy cơ tử vong; giảm 96% nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%; giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành Y tế trong hoạt động điều trị và dự phòng.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân nhiễm HIV có hoàn cảnh hết sức khó khăn, không thể chi trả được tiền mua thuốc trong khi nguồn viện trợ từ quốc tế bị cắt giảm. Trước tình hình đó, từ đầu tháng 3/2019, Bảo hiểm xã hội bắt đầu thanh toán điều trị thuốc ARV và các dịch vụ liên quan đến điều trị HIV/AIDS qua BHYT cho các bệnh nhân nhiễm HIV.
Đây được xem là bước tiến lớn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, giúp người nhiễm HIV được tiếp tục điều trị ARV khi không còn nguồn tài trợ quốc tế, nhất là khi điều trị ARV là liên tục và suốt đời.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế): Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á cam kết nhanh chóng đạt được mục tiêu 90-90-90 (90 % người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp) trong phòng, chống HIV/AIDS.
Mặc dù trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống đại dịch này, nhưng dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nguy hiểm. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nguy cơ cao có xu hướng tăng, nhất là trong nhóm nghiện chích ma túy và trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam. Bên cạnh đó, các nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ các nguồn tài trợ đã bị cắt giảm, nguồn ngân sách trong nước gặp nhiều khó khăn.
Hơn nữa, trước kia 80-90% nguồn thuốc ARV cung cấp để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV tại Việt Nam là do nguồn viện trợ từ nước ngoài, tuy nhiên nguồn viện trợ từ nước ngoài hiện đã bị cắt giảm và dự kiến từ 2020 sẽ không còn.
Vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188 quy định về việc mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám bệnh chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng HIV. Theo đó, từ 1/1/2019, toàn bộ người nhiễm HIV từ 16 tuổi trở lên sẽ được thanh quyết toán thuốc ARV từ nguồn BHYT thay vì nguồn tài trợ cấp miễn phí như hiện nay.
Bà Ritu Singh, Giám đốc Chương trình Y tế Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết: Trên thế giới rất ít các quốc gia sử dụng BHYT để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV mà phần lớn là dùng tiền thuế để trợ cấp miễn phí điều trị cho bệnh nhân HIV.
Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân.
Theo bà Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng chống HIV/AIDS, một trong những điểm mới mà ngành Y tế triển khai quản lý, hỗ trợ người có HIV là trong năm 2019 sẽ triển khai hệ thống quản lý bệnh nhân tham gia điều trị ARV gồm quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV, hồ sơ bệnh án điện tử; kết nối dữ liệu tối thiểu 432 cơ sở điều trị và lồng ghép hệ thống thanh toán BHYT.
Hệ thống này sẽ quản lý các bệnh nhân có thẻ BHYT và chưa có thẻ BHYT, xác định được danh tính bệnh nhân kể cả khi bệnh nhân chuyển viện sang các địa bàn, tuyến khác; bảo đảm bệnh nhân nhận các nguồn thuốc khác nhau cũng tổng hợp nắm được con số, không bị trùng lắp trong cấp phát thuốc. Hệ thống này cũng cấp mã định danh và quản lý người bệnh trên toàn hệ thống; theo dõi, giám sát quản lý, sử dụng và quyết toán thuốc kháng HIV nguồn BHYT.
“Người trong cuộc” - đừng e ngại
HIV/AIDS xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 90, dịch HIV/AIDS ước tính đã cướp đi sinh mạng của 2.000 người mỗi năm. Vào thời điểm đó, y học thế giới chưa nghiên cứu ra những loại thuốc dự phòng, điều trị HIV/AIDS không hiệu quả nên tỷ lệ tử vong do HIV/AIDS còn cao.
Trước đây, các thông tin về HIV/AIDS, con đường lây nhiễm... cũng không được phổ biến rộng rãi và đầy đủ nên HIV bị hiểu lầm là có thể lây nhiễm dễ dàng qua giao tiếp thông thường hay sử dụng chung bát đũa và là một “bản án tử hình”, vô phương cứu chữa.
Hiện cả nước có hơn 200.000 bệnh nhân HIV/AIDS nhưng chỉ có khoảng 130.000 bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV và 90% trong số này tham gia bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế đã hỗ trợ rất nhiều trong quá trình khám bệnh và điều trị những bệnh nhiễm trùng cơ hội khác.
Theo quy định hiện hành, trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số… được bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Mức chi trả cho người cận nghèo, người đã nghỉ hưu là 95% và cho các đối tượng khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả tối đa là 20% tiền chữa bệnh.
Thêm nữa, cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT được hưởng rất nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội…Thuốc ARV là giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe của người nhiễm HIV và bảo vệ cộng đồng khỏi sự lây lan của dịch.
Mặc dù chính sách dành cho người bệnh mắc HIV đã đồng bộ và không có rào cản cho người mắc HIV tiếp cận với nguồn thuốc ARV từ BHYT. Chỉ có một nhóm rất nhỏ không muốn dùng thẻ, hoặc họ không có giấy tờ tùy thân (khoảng 3%). Tuy nhiên, những điều này đã được Thông tư 27 giải quyết bằng việc hỗ trợ ban hành thẻ BHYT có ảnh.
Như vậy, những trở ngại về giải pháp cho người có thẻ không còn khó khăn. Khó khăn là liệu người có thẻ có dùng hay không vì người dùng thẻ bảo hiểm thường lo ngại sự phân biệt kỳ thị bởi những ám ảnh cũ. Bởi trước đây HIV đã bị tuyên truyền với những hình ảnh quá đáng sợ.
Ông Nguyễn Hoàng Long cho rằng, để tránh sự kỳ thị của cộng đồng, với các bệnh nhân bị HIV khi đến khám bảo hiểm y tế thì sẽ không tách ra luồng riêng. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin của người bệnh HIV có thẻ bảo hiểm y tế để tránh việc họ tự kỳ thị chính mình.
“Điều trị HIV là một hành trình mệt mỏi và cô độc đối với bệnh nhân nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ đầy đủ từ gia đình, nhân viên y tế và xã hội. Điều này dễ dẫn đến không tuân thủ điều trị hay bỏ điều trị, gây nguy hại đến không chỉ bản thân bệnh nhân mà còn có tác động không tích cực đến cộng đồng”, chị Đoàn Thị Khuyên, Trưởng ban điều hành Liên minh Hỗ trợ tuân thủ điều trị cho Người có HIV bày tỏ ở góc độ “ người trong cuộc”.
Chị Nguyễn Thị Ngà, Ban điều hành mạng lưới hỗ trợ nhóm tự lực của người bán dâm Việt Nam cũng băn khoăn vì việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới một số đối tượng mới bị bắt giam. Sau này chuyển sang BHYT chi trả, đối tượng trong trại giam có được dùng thuốc nữa không? Trong khi đó, bác sỹ Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho rằng, không có bệnh nào phải điều trị nghiêm ngặt, phải tuân thủ phác đồ chặt chẽ như HIV. Bởi chỉ có tuân thủ tuyệt đối, bệnh nhân mới có sức khỏe tốt.
BS Cường khẳng định: “Chỉ cần người bệnh chủ quan uống sai giờ, lúc đầu vài phút, vài tiếng, vài ngày, thậm chí cả tháng vì thấy mình… không sao. Nhưng uống kiểu này sẽ dẫn tới tình trạng kháng thuốc, khó điều trị. Do đó, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt mới đạt hiệu quả như mong muốn”.
Và sự kì thị đối với người nhiễm HIV là vấn đề mà các tổ chức quốc tế lo ngại nhất về công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta. Tại một sự kiện được tổ chức ở Hà Nội mới đây, Tiến sĩ John Blandford, Giám đốc tổ chức Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam đã công khai tình trạng nhiễm HIV của mình.
Trong khi đó, sau gần 30 năm phòng chống HIV, hiện vẫn có khoảng 50.000 người nhiễm HIV ở Việt Nam chưa được phát hiện bệnh. Đây là thách thức lớn của mục tiêu kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Trong gần 30 năm qua, kể từ khi phát hiện bệnh nhân nhiễm HIV đầu tiên tại TP.HCM vào năm 1991, Việt Nam đã đạt được những bước tiến và thành tựu đáng kể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Với cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 đến năm 2020, Việt Nam luôn cập nhật và áp dụng những tiến bộ mới vào ứng phó HIV quốc gia, ví dụ: Tăng cường sự tham gia của các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi HIV trong ứng phó, thúc đẩy xét nghiệm sớm, điều trị ngay khi có kết quả dương tính với HIV, khuyến khích điều trị dự phòng HIV trước phơi nhiễm (PrEP) cho các nhóm chịu ảnh hưởng lớn bởi HIV như người sử dụng ma tuý, người bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới…
Thông tin từ Cục Phòng chống HIV/AIDS, đến nay đã có 190 cơ sở điều trị tại 63 tỉnh, thành phố nhận thuốc ARV nguồn BHYT, tương ứng hơn 48 nghìn bệnh nhân trong năm 2019. 90% trong tổng số 433 cơ sở điều trị HIV/AIDS đã ký hợp đồng, 85% đã thanh toán ít nhất một dịch vụ nguồn BHYT đến hết 31/10/2018.
Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT chung tại 63 tỉnh, thành phố đạt 89%, trong đó có bốn tỉnh đạt 100% như Ninh Thuận, Lai Châu, Cà Mau, Cao Bằng; có 42 tỉnh đạt hơn 90% và hiện còn khoảng 6 tỉnh đạt từ 70-80%.