“Người nghiện cũng là người”
Trong Cơ sở tư vấn và cắt cơn cai nghiện ma túy Nhân Hòa (thôn 3, xã Hòa Xuân), ông Cường kể việc mở ra cơ sở này là một cơ duyên tình cờ. Năm 1976, ông một mình từ Thanh Hóa vào nhận công tác ở Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk rồi định cư lại. Về sau, anh trai ông là Trần Quang cùng một số đồng nghiệp đã nghiên cứu thành công bài thuốc Heantos (bài thuốc dân gian được lương y Trần Khuông Dẫn và ba người khác sưu tầm, bào chế).
Bài thuốc còn có các tên gọi khác như thuốc giải độc ma túy Đại Dương TKD, Thuốc giải độc thuốc phiện. Đến năm 2005, anh trai ông thành lập Cơ sở tư vấn và cắt cơn nghiện ma túy Nhân Hòa ở huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), thu hút hàng trăm người từ các tỉnh thành tới cai nghiện.
Người tới cai nghiện đông, anh trai ông Cường đã gọi em trai ra miền Bắc giúp mình. Tiếp xúc thực tế, ông Cường bất ngờ hóa ra nhiều người nghiện không hung dữ liều lĩnh như mình mường tượng. Gần ba năm tiếp xúc các học viên trong cơ sở, ông dần cảm nhận, thấu hiểu tâm tư, tình cảm và tâm lý của những người nghiện, coi họ như những người bạn.
|
Ông Cường bên loại thuốc được cho là giúp người nghiện cắt cơn hoàn toàn |
Đến năm 2009, người anh trai không đủ sức khỏe để tiếp tục công việc quản lý chăm sóc học viên, nên đóng cửa cơ sở. Trở về Đắk Lắk, ông luôn trăn trở, không muốn “thương hiệu” một thời của cơ sở do anh trai gây dựng bị lãng quên, lại cảm thấy bứt rứt, muốn làm việc gì đó có ích cho xã hội nên quyết định xin phép các cơ quan chức năng và Bộ LĐ-TB-XH mở Cơ sở tư vấn và cắt cơn nghiện ma túy Nhân Hòa tại xã Hòa Xuân.
Cơ sở mới thành lập, diện tích tương đối hạn chế nhưng trong vòng hai năm qua, bình quân mỗi năm đã tiếp nhận và cắt cơn nghiện thành công cho cả trăm người. Ông Cường nói: “Người nghiện cũng là người, chỉ cần hiểu họ, lắng nghe tâm tư, tình cảm và chia sẻ một cách chân thành, không coi thường phân biệt đối xử họ thì mọi chuyện sẽ ổn. Từ khi đi vào hoạt động, cơ sở của tôi đã tiếp nhận và cắt cơn cho hơn 500 người nghiện. Nhiều người trong số đó đã trở thành công dân tốt, có ích cho gia đình, xã hội”.
“Bí kíp” cắt cơn nghiện
Theo ông Cường, mỗi khi người nghiện lên cơn, ông lại cho họ uống thuốc Heantos. Loại thuốc này có tác dụng làm người nghiện nhũn cơ, ngủ nhiều và quên đi cảm giác thèm ma túy. Ngoài ra còn có bài thuốc “tinh thần”, nắm bắt tâm lý, hiểu được người nghiện để có những biện pháp tác động đến tư tưởng, suy nghĩ của họ cho phù hợp.
Tùy từng người nghiện sẽ có thời điểm lên cơn khác nhau, có người lên cơn lúc xế chiều, có người giữa đêm, có người lại vào lúc rạng sáng. Tính từ lúc sử dụng ma túy lần cuối cho đến khi lên cơn thường là 18 tiếng. Cơn thèm thuốc có thể kéo dài từ 12 - 25 tiếng.
Bởi vậy những lúc học viên nhiều, hầu như đêm nào ông Cường cũng phải thức trắng để canh chừng, cho học viên uống thuốc. Để cắt cơn nghiện, mỗi người thường phải uống từ 2 - 3 liều thuốc. Khi thuốc ngấm, họ ngủ rất nhiều. Nhưng khi dứt cơn nghiện, hầu như người nào cũng rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh, hay chửi bới, gây sự.
Nắm bắt được tâm lý bệnh nhân trong lúc này, ông Cường chủ động tiếp cận, tìm lời lẽ phải chăng, nhẹ nhàng thuyết phục học viên nhận ra việc làm sai trái để họ kịp thời dừng lại. Ông Cường cho biết thêm: “Tùy theo cơ địa, mức độ nghiện nặng nhẹ của mỗi người, khi uống thuốc xong, người nghiện thường có triệu chứng phụ như tiêu chảy, mỏi chân tay, khoảng 2-3 ngày sau sức khỏe và tinh thần mới dần hồi phục”.
|
Ông chủ trước cửa Cơ sở cai nghiện Nhân Hòa |
Chia sẻ về hiệu quả phương pháp cai nghiện của mình, ông Cường cho rằng “cắt cơn cho phần lớn học viên”, chỉ thi thoảng mới có người tái nghiện quay lại trung tâm. Ông cho hay: “Thuốc chỉ hỗ trợ 49%, 51% còn lại phải nhờ vào tinh thần, quyết tâm của người nghiện. Tại trung tâm, tôi đảm bảo cắt hẳn cơn thèm thuốc cho các người nghiện. Thế nhưng khi trở về hòa nhập xã hội, vẫn có người bị nhiều yếu tố tác động và tái nghiện. Cai nghiện ma túy cốt yếu là tinh thần, nếu người nghiện đi cai mà vẫn có tư tưởng buông xuôi thì ai có “tài thánh” cũng không giúp được”.
Mỗi học viên đến cai nghiện tại cơ sở đều phải làm “hợp đồng” cai nghiện tự nguyện, chi phí 3,5 triệu trong vòng 10 - 20 ngày. Ông Cường cho hay sẵn sàng tạo điều kiện, giảm chi phí cho những người nghèo. “Nhiều người cùng khổ, do lầm lỡ mà nghiện, tôi luôn cố gắng hết sức để giúp họ hoàn lương. Cảm thấy đây là việc làm giúp xã hội giảm bớt gánh nặng, tôi cũng cảm tìm được niềm vui, ý nghĩa trong đời”, người đàn ông nói.
Từ khi khai trương chưa một lần xảy ra xô xát
Đa số những người nghiện tự nguyện tìm đến cơ sở, chỉ vài người đến vì bị gia đình ép buộc. Bởi vậy trong hai năm qua, cơ sở vẫn có vài học viên trốn về. Ông Cường nhận xét: “Những người tự nguyện đi cai thường rất “ngoan” và luôn cố gắng để dứt cơn nghiện. Với người bị gia đình ép buộc đi cai, thường tư tưởng đã không muốn cai nghiện thì có giúp cắt cơn cũng không có tác dụng”.
Cơ sở tập trung người nghiện không tránh khỏi phức tạp, nên ông Cường khá chú trọng vấn đề an ninh. Tuy nhiên cách làm của ông không phải là siết chặt, mà tạo ra một không khí hòa đồng, thân thiện. Ông Cường “bật mí”: “Học viên trong trung tâm đến từ nhiều tỉnh thành, đôi lúc cũng có những bất đồng về quan điểm, lời nói, thói quen.
Nắm bắt được điều này, tôi tìm cách giải quyết ổn thỏa. Khi một học viên mới tới, tôi đưa ra giới thiệu, làm quen với học viên cũ; cho học viên cũ tác động thêm về tinh thần giúp người mới tới có quyết tâm cao”. Ngoài ra cơ sở cũng thường tổ chức cho các học viên sinh hoạt thể thao, giao lưu văn nghệ. Suốt thời gian khai trương đến nay, ông Cường cho rằng ở trung tâm chưa xảy ra vụ xô xát nào.
Một điều khác chứng tỏ sự thân thiện, đó là gia đình ông Cường ăn chung bữa với các học viên, tạo không khí cho mọi người cảm thấy như ở nhà. Những học viên khi được hỏi đều có chung ý kiến rằng đã được cắt cơn nghiện tại trung tâm. “Tôi ưng ý với cách cai nghiện ở đây. Nghiện ma túy mà cắt được cơn, coi như thành công 50%, nếu không làm chủ được tư tưởng thì khi khi trở về mới tái nghiện”, một học viên cho hay.
Nhận xét về cơ sở cai nghiện Nhân Hòa, ông Nguyễn Xuân Qúy, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Mỗi năm cơ sở cai nghiện Nhân Hòa tiếp nhận cắt cơn, giải độc và phục hồi sức khỏe cho khoảng 150 - 200 người nghiện trong và ngoài tỉnh. Hoạt động của cơ sở này phù hợp với chủ trương xã hội hóa công tác chữa trị, cai nghiện ma túy, góp phần giảm áp lực cho ngân sách địa phương”.
Cũng theo ông Qúy, năm 2011, số lượng người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 1,1 nghìn người; đến tháng 8/2015 đã tăng lên 1,3 nghìn người. Trước thực trạng đó, Chi cục đã tham mưu phối hợp với các cơ quan ban hành tiến hành nhiều biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện./.