Gián tiếp thực hiện ước mơ vào Nam của Bác
Mong muốn tha thiết của đồng bào miền Nam là được đón Bác vào thăm. Đồng thời, Bác cũng khao khát một lần được vào thăm miền Nam thành đồng, thăm Đồng Tháp, nơi có ngôi mộ của người cha kính yêu – Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/1990), tỉnh Đồng Tháp đã khởi công xây dựng mô hình Nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 1:1 với nguyên bản tại Phủ Chủ tịch. Đây là việc làm ý nghĩa, như gián tiếp thực hiện ước mơ vào miền Nam của Bác, để Bác sống mãi với người dân miền Nam và sống bên cạnh người cha kính yêu của mình.
Nhà sàn Bác Hồ được phục dựng đã 30 năm trong Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc |
Việc làm này còn thỏa niềm khát khao của bà con vùng kháng chiến cũ ở miền Nam vì không có điều kiện ra thăm Hà Nội, thăm nhà sàn chính thức của Bác. Do đó, khi đến tham quan mô hình Nhà sàn này cũng hình dung ra được cuộc sống của Bác - một vị Chủ tịch nước sống hết sức đơn sơ, mộc mạc.
Từ kích thước, kiểu dáng đến các hiện vật trưng bày trong nhà đều được phục chế giống như Nhà sàn Bác trong Phủ Chủ tịch. Nhìn từ xa, chúng ta khó phân biệt thật – giả khi phía trước cũng có hàng rào dâm bụt, hai cây dừa trấn ngự và phía trong là những khóm hoa lài thoang thoảng trông hệt như nhà của Bác ở Hà Nội.
Nhà sàn được phục dựng với tỷ lệ 1:1 so với nguyên bản tại Phủ Chủ tịch |
Nhà sàn gồm 2 tầng có chiều dài 10,5m, rộng 6,2 m. Tầng trệt được gọi là “Phòng làm việc mùa hè”, cũng là phòng họp của Bộ Chính trị, là nơi Bác tiếp thân mật các đoàn đại biểu Miền Nam ra thăm. Trên bàn làm việc là sách và một số đồ dùng của Bác vẫn được đặt ngay ngắn y hệt như nguyên bản. Có một sự khác biệt là, ở nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, chiếc đồng hồ Bác xem giờ vẫn chạy đều như thể Bác vẫn còn sống thì chiếc đồng hồ ở đây được để dừng lại lúc 9 giờ 47 phút – giờ phút Bác ra đi mãi mãi.
Nơi đây còn bố trí ghế mây dài để Bác nằm nghỉ lưng. Cạnh đó là một chiếc bàn nhỏ gần cầu thang đặt ba máy điện thoại để Bác thường xuyên nhận tin tức ở đơn vị chiến đấu và kịp thời động viên khen thưởng các đơn vị xuất sắc. Gần đó là chiếc mũ sắt Bác dùng để tránh đạn và bom bi. Không những thế, nhà sàn ở đây cũng xây dựng xi măng lát gỗ lên trên chạy theo các chân cột giống như nguyên mẫu. Vì theo ý Bác, xây dựng như thế để các cháu thiếu nhi đến thăm nhà Bác có đủ chổ ngồi và ngồi được vững hơn. Không những thế, Bác còn bảo đặt cho Bác bể cá vàng để các cháu đến chơi cho vui mắt.
Bàn họp được bố trí tại Phòng làm việc mùa hè ở tầng trệt của căn nhà |
Tầng trên có hai phòng: một phòng Bác làm việc, một phòng Bác nghỉ ngơi. Phòng làm việc trên lầu được gọi là “Phòng làm việc mùa đông”. Nơi đây, Bác tiếp khách rất thân mật, khi khách đến Bác mời cùng ngồi xuống sàn nhà làm việc. Trên bàn có một số sách Bác đọc trong những ngày cuối đời, sách “Người tốt, việc tốt”. Viên sỏi chặn giấy, hộp bút, kính đeo mắt là những vật dụng Bác thường dùng cũng được phục dựng lại như bản gốc. Vách giữa phòng ngủ và phòng làm việc cũng làm một giá sách vì theo ý Bác “vừa tiết kiệm diện tích, vừa gọn, đẹp”. Đặc biệt, ngăn trên cùng của kệ sách có hộp sơn mài màu đen với 2 bức ảnh quý mà Bác hết sức trân trọng: Ảnh mộ Cụ Phó bảng năm 1954 và ảnh các chiến sĩ bộ đội viếng mộ Cụ Phó bảng năm 1954 trước lúc tập kết ra Bắc.
Cuộc sống bình dị của một nhà lãnh tụ
Trong phòng ngủ phục dựng lại y hệt những thứ cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày của Bác. Chiếc giường mộc mạc đơn sơ. Góc trên giường vẫn thấy chiếc quạt tay được làm bằng lá cọ. Cạnh tủ nhỏ là một phích nước và chai nước lọc, mỗi khi khách đến Bác đã dùng một ít nước uống trong phích và pha thêm một ít nước nguội trong chai để uống liền mà không mất thời gian chờ đợi.
Những quyển sách Bác thường đọc được đặt trên bàn làm việc. Chiếc đồng hồ được để dừng lại lúc 9 giờ 47 phút – giờ phút Bác ra đi mãi mãi. |
Chiếc radio trên bàn là quà tặng của một kiều bào Thái Lan tặng Bác. Bác đã nhận để đáp lại tình cảm của đồng bào ta ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc. Chiếc mũ vải bạc màu Bác thường đội khi đi thăm các đơn vị, địa phương ở miền Bắc. Mọi thứ đều được phục dựng giống như đúc để thể hiện hết sự mộc mạc, đơn sơ trong ngôi nhà của một vị lãnh tụ, với cung cách sống và làm việc vô cùng bình dị.
Phía trước Nhà sàn của Bác ở Hà Nội là Ao cá. Riêng ở Đồng Tháp lại là Ao sen. Ao sen này được xây dựng theo bản đồ hành chính tỉnh Đồng Tháp. Cây vú sữa trồng đúng như vị trí Bác đã trồng ở Hà Nội. Cây vú sữa này là món quà của đồng bào miền Nam được các chú bộ đội tập kết ra Bắc năm 1954 tặng cho Bác và được Bác trồng cạnh ngôi nhà như lúc nào Bác cũng ở cạnh miền Nam.
Phòng ngủ của Bác cũng rất đơn sơ, các vật dụng cần thiết của Bác như chiếc quạt tay, bình thủy nước…đều được phục dựng lại như bản gốc |
Nhiều cựu chiến binh, các chiến sĩ ở vùng kháng chiến năm xưa khi đến tham quan và nhìn ngắm ngôi nhà này đã rưng rưng khi nghe thuyết minh viên nói về từng vật dụng nhỏ bên Bác. Nó ẩn chứa nhiều bài học quý báo về lối sống, lối làm việc. Mỗi đồ vật như gợi nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống thanh bạch, giản dị của Người – một vị cha già dân tộc, một tấm gương sáng cho tất cả con cháu đời sau.
Những vật dùng hàng ngày của Bác cũng được trang trí lại như nhà sàn ở Hà Nội |
Bà Phan Thị Vũ Quyên, Giám đốc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, cho biết, việc xây dựng mô hình nhà sàn Bác Hồ trong khu di tích thể hiện rất nhiều giá trị quý báu. Đầu tiên là sự tri ân đối với Cụ Phó bảng – Người đã có công sinh thành, dưỡng dục nên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, theo bà Quyên, “ý nghĩa sâu xa hơn là lúc còn sống Bác chưa một lần vào miền Nam. Đến khi cụ Phó bảng qua đời Bác cũng chỉ nhìn thấy mộ cụ qua 2 tấm hình tiểu đoàn 311 mang ra cho Bác. Do đó, ngoài việc tri ân cụ Phó bảng việc xây dựng mô hình nhà sàn còn mang ý nghĩa như mộ cụ ở đây cũng có hương hồn của Bác về bên người cha của mình”.
Hai tấm ảnh chụp mộ Cụ Phó bảng mà Bác vô cùng trân trọng được cất cẩn thận trong hộp để trên tủ sách |
Ngoài ra, nhiều người dân ở vùng kháng chiến ngày xưa khi nghe đến Bác Hồ thì rất tôn kính, khi nghe Bác mất đã lập bàn thờ tưởng nhớ Bác nhưng chưa một lần gặp Bác. Sau giải phóng cũng không có điều kiện ra Hà Nội để thăm ngôi nhà xưa của Bác. “Chính mô hình này, giúp bà con có thể hình dung ra được cuộc sống và cung cách sinh hoạt đời thường của Bác”, bà Quyên chia sẻ.
Các chi tiết nhỏ, từ cục đá chặn giấy cho đến cây viết chì cũng được phục dựng lại cẩn thận. |
Theo bà Quyên, nơi đây là một công trình văn hóa, là điểm đến tham quan, học tập của nhiều cơ quan đoàn, thể, trường học. Qua đó, thực hiện các buổi sinh hoạt truyền thống, góp phần nâng cao giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên thanh niên và học sinh sinh viên.