Chống biến tài sản công thành tài sản tư
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc nhiều ý kiến cho rằng dọn dẹp vỉa hè ảnh hưởng đến phát triển kinh tế là quá khiên cưỡng. Vì đây thực chất chỉ là dọn dẹp sạch sẽ trên vỉa hè, chặt bỏ những vỉa ba toa chiếm dụng vỉa hè, chứ không cấm kinh doanh đối với những gia đình có mặt tiền trên vỉa hè. Về hình thức, các hoạt động kinh doanh không mất đi, chỉ chuyển hóa sang hình thức kinh doanh khác.
Theo ông Phong, chiến dịch này phải đảm bảo 4 mục tiêu: cảnh quan đô thị; sinh kế cho những người có nhà trên vỉa hè và bán hàng rong; thu ngân sách. Và mục tiêu cuối cùng là chống những hoạt động bảo kê ngầm. Nếu làm tốt chiến dịch này, chắc chắn bộ mặt kinh tế sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, ông Phong cũng đề nghị, với chiến dịch này cần phải mềm hóa cho phù hợp với đặc điểm mỗi vùng, mỗi phố. Ví dụ như ở những điểm để dành chỗ để xe cho các hộ kinh doanh trên mặt tiền mặt phố, phải để đầu đuôi xuôi ngược cho thống nhất, cho đẹp. “Nếu không cho để xe thì thực sự là cực đoan và có ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của người dân” - ông nói.
Cụ thể hơn, ông cho rằng, đoạn phố Hàng Ngang - Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có những đặc thù riêng. Vỉa hè đoạn phố ấy rộng khoảng 2,5m, vẫn có thể cho người dân để xe gọn gàng trên hè phố để đảm bảo công việc kinh doanh, thu nhập của các hộ buôn bán. “Cần cân nhắc vẫn đi bộ được, vẫn bán được hàng, vẫn để xe được” - ông Phong nhấn mạnh. Nếu chính quyền địa phương cho rằng có chỗ để tốt hơn thì nên dồn vào một chỗ, để toàn bộ vỉa hè cho người đi bộ.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng nhận định “Một chiến dịch phải có tính ổn định và hiệu quả khi được làm nhất quán theo đúng mục tiêu hài hòa đã đề ra. Đây là cách làm tốt và khiến mọi người thấy thích thú, giữ được tài sản công. Bởi nếu cứ để tình trạng chiếm dụng vỉa hè kéo dài, có thể tài sản công này sẽ bị biến thành tài sản tư”.
|
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, dọn dẹp vỉa hè là tiến trình chống biến tài sản công thành tài sản tư |
Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, cần xem xét ở nhiều góc độ, nhiều quan điểm. Thực ra nếu không buôn bán ở vỉa hè sẽ buôn bán ở cửa hàng, ở chợ. Ông Hiển cho rằng, nếu đứng ở một góc độ nhất định có thể nói, cho phép buôn bán ở vỉa hè sẽ gây thiệt thòi cho những người bán hàng ở chợ. Vì ở đấy, họ đã nộp thuế buôn bán, phải được Nhà nước bảo vệ quyền lợi. Để hàng rong và buôn bán trên vỉa hè phát triển là chính quyền địa phương đã không thực hiện đúng nhiệm vụ, chức trách của mình.
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, do thói quen đi lại bằng xe máy là chủ yếu nên việc mua bán trên lề đường quá thuận lợi nên hình thức bán rong, bán lề đường có đất để phát triển. “Về góc độ kinh tế, đó là lỗi của chính quyền vì nhiệm vụ của chính quyền là bảo vệ những người bán hàng tại chợ, những người đã đóng thuế chợ” - ông Hiển khẳng định.
Ông Hiển cũng bác bỏ ý kiến cho rằng, do ảnh hưởng của chiến dịch vỉa hè mà các gia đình có mặt phố sẽ bị giảm tiền thuê nhà, gián tiếp tác động đến thị trường bất động sản. Bởi xét cho cùng, chiến dịch này chỉ hướng đến thay đổi hành vi kinh doanh. Ông ví dụ, ở những ngày đầu tiên chỉ có một hộ gia đình chấp hành, lùi vào đúng vị trí cho phép của họ sẽ thiệt hại hơn do bị khuất lấp bởi những người không chấp hành quy định.
Từ đấy, sẽ xuất hiện hành vi kinh doanh mới là phải nhô ra mới bán được hàng, lâu ngày sẽ trở thành quán tính đương nhiên, phải như vậy mới là kinh doanh. Chiến dịch này sẽ thay đổi hành vi kinh doanh, mang lại sự cạnh tranh bình đẳng cho tất cả mọi người. Phải có thời gian mới thực hiện được đồng bộ và hình thành hành vi kinh doanh mới.
Và để chứng minh cho ý kiến thay đổi hành vi kinh doanh, ông Hiển cho biết, ông đã quan sát một gia đình bán hàng ở trước khu chợ Tân Định (TP HCM). Đó là khu vực thực sự đông đúc vì có một trường học cấp 3, buôn bán lề đường rất sầm uất nhưng khi tổ dân phố dọn dẹp hè phố, một gia đình bán bánh cuốn đã mạnh dạn thuê một cửa hàng và đặt xe vào đúng cửa hàng để tiến hành bán hàng. “Tôi đã quan sát 2 tháng nay và thấy trước và sau khi thay đổi hành vi họ vẫn bán hàng tốt, vẫn đông khách. Cần phải điều chỉnh mọi hành vi kinh doanh về đúng vị trí vốn có của nó thì kinh tế sẽ phát triển cùng với một bộ mặt đô thị khang trang, sạch sẽ” - ông Hiển khẳng định.
Không nên thổi phồng đóng góp của kinh tế vỉa hè
Đó là ý kiến nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế khi chúng tôi phỏng vấn. Hầu hết họ đều cho rằng, khu vực vỉa hè rõ ràng đóng một vai trò hình thành thói quen tiện ích cho người dân Việt Nam. Kinh tế vỉa hè là khu vực kinh tế không đăng ký, không chính thức nhưng tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân thiếu trình độ, thiếu vốn.
Đã có nhiều số liệu cho thấy, kinh tế hàng rong, vỉa hè ở Hà Nội và TP HCM có thể tạo 28-32% số lượng việc làm trong xã hội; nếu tính cả các nhà hàng, cửa hiệu kinh doanh ăn uống, dịch vụ bán lẻ có cửa hàng, biển hiệu thì số lượng việc làm được tạo ra có thể từ 40%-50%. Tuy nhiên, số liệu này đã bị bà Bà Lê Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) bác bỏ.
Bà Thủy cho biết, năm 2012, Tổng cục Thống kê đã làm một cuộc tổng điều tra kinh tế toàn xã hội, trong đó có những số liệu liên quan đến hàng rong. “Trong tổng điều tra năm 2012 có nói rõ cụ thể về kinh tế vỉa hè, có tách riêng về đóng góp dịch vụ ăn uống và chỉ chiếm 12% GDP. Con số này bao gồm cả khu vực sản xuất, dịch vụ nhà hàng và ăn uống trên vỉa hè. Như thế chúng ta cũng có thể khẳng định được đóng góp của khu vực kinh tế vỉa hè không nhiều như những công bố đã xuất hiện trên báo chí” - bà Thủy khẳng định”.
Bà Thủy cũng chia sẻ, kinh tế vỉa hè chỉ là bề nổi, nhìn thì thu hút được nhiều lao động, cũng tiện nhưng về lâu dài không thể chấp nhận mãi hình thức kinh doanh không chính thức, không tạo được đồng thuế nào cho Nhà nước lại hình thành thói quen không tốt cho người dân như thế được. Bà bày tỏ, có thể ban đầu chắc chắn cũng có ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng và trong hoạt động kinh doanh nhưng lâu dài cần phải làm và người dân cần phải thay đổi hành vi kinh doanh cho phù hợp.
Theo số liệu thống kê mới công bố quý I/2017, hiện có 4,6 - 4,8 triệu hộ kinh doanh cá thể, bao gồm cả sản xuất kinh doanh thương mại, công nghiệp, dịch vụ. Toàn bộ số hộ này mới đóng góp cho GDP 13%. Như vậy có thể thấy, khu vực hàng rong, bán hàng trên vỉa hè chỉ đóng góp một phần rất nhỏ cho tổng GDP toàn quốc.
Và theo ý kiến của các chuyên gia, dọn dẹp vỉa hè, chỉnh trang bộ mặt đô thị sẽ mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia lo lắng chiến dịch này chỉ là hoạt động nhất thời, không duy trì được lâu dài thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động phát triển kinh tế.
Chống hoạt động bảo kê ngầm
Theo chuy ên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, chiến dịch này phải đảm bảo 4 mục tiêu: cảnh quan đô thị; sinh kế cho những người có nhà trên vỉa hè và bán hàng rong; thu ngân sách. Và mục tiêu cuối cùng là chống những hoạt động bảo kê ngầm. Nếu làm tốt chiến dịch này, chắc chắn bộ mặt kinh tế sẽ thay đổi.