Chiến lược dược liệu

(PLO) - “Phát triển dược liệu trong nước phải là một chiến lược của ngành y tế”, đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trên 80% dân số thế giới sử dụng y học cổ truyền, đặc biệt là sử dụng các sản phẩm từ dược liệu, kể cả các nước phát triển.

Đất nước Việt Nam là đất nước của dược liệu. Từ năm 1962 - 1965, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Đỗ Tất Lợi - một nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng, “cây đại thụ” của nền y học cổ truyền Việt Nam đã biên soạn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”. Quyển sách này được đánh giá rất cao trong giới chuyên môn trong và ngoài nước, được coi là một công trình khoa học lớn về cây thuốc ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Sách được bình chọn là một trong bảy đầu sách hay nhất trong một hội chợ sách ở Liên Xô (Moskva 1983), là cẩm nang tra cứu cho hầu hết các dược sĩ đại học và bác sĩ đông y ở Việt Nam. 

Trước ông, thành công của các danh y Tuệ Tĩnh, Hải thượng Lãn ông gắn liền với dược liệu.

Đáng tiếc, từ lâu nhiều nguồn gen quý hiếm, “quốc bảo” về dược liệu mà núi rừng và thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam đã và đang “chảy máu”, nhiều loại tuyệt chủng. Tại hội nghị nói trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện Việt Nam chỉ còn 206 loài cây dược liệu có thể khai thác tự nhiên (trong khi có trên 5.000 loài cây dược liệu và nấm có thể dùng làm thuốc đã được tìm thấy). Hàng chục năm qua các thương lái từ “nước lạ” vẫn luồn lách khắp hang cùng, ngõ hẻm mua bán đến cạn kiệt nhiều loại dược liệu đặc hữu.

Đối với những loại dược liệu còn tìm thấy, Việt Nam cũng chưa phát huy được ưu điểm của các loài cây dược liệu đã có, như sâm Ngọc Linh có hàm lượng hoạt chất cao hơn nhân sâm Triều Tiên nhưng hầu hết dùng để... ngâm rượu và hầu như chưa đầu tư nuôi trồng, nghiên cứu, phát triển thương mại được nhiều. Cây thông đỏ Lâm Đồng có hàm lượng hoạt chất chữa ung thư cao nhất thế giới nhưng chúng vẫn chưa sản xuất được loại thuốc sử dụng hoạt chất này, trong khi thế giới đã làm được từ năm 1994.

Vấn đề hiện nay là triển khai chiến lược này như thế nào?

Đây là trách nhiệm của Chính phủ, của ngành Dược liệu Việt Nam, của các nhà khoa học dược liệu. Tuy nhiên, chiến lược thành công chỉ khi dược liệu trở thành giá trị thương mại, giá trị nhân văn trong phòng, chữa bệnh.

Hãy biết nhân lên những doanh nghiệp tâm huyết với dược liệu Việt Nam và có những thành công âm thầm như Traphaco. Không phải không có những nhà sản xuất dược liệu trong nước, kể cả liên doanh khác chú ý điều này, bởi đó là nhu cầu tất yếu của thị trường. Tuy nhiên, không thể thành công nếu tiếp tục manh mún, tầm nhìn ngắn hạn!

Đọc thêm