Chiến lược M&A đột phá nhìn từ trường hợp FLC

(PLO) -Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, những công ty hàng đầu đều lựa chọn M&A là chiến lược để phát triển đột phá. Từ Microsoft, Berkshire Hathaway, IBM… đến ArcelorMittal, Google…, hàng năm, mỗi công ty đã thực hiện hàng chục thương vụ lớn nhỏ nhằm tạo ra đế chế kinh doanh của mình.

Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, những công ty hàng đầu đều lựa chọn M&A là chiến lược để phát triển đột phá. Từ Microsoft, Berkshire Hathaway, IBM… đến ArcelorMittal, Google…, hàng năm, mỗi công ty đã thực hiện hàng chục thương vụ lớn nhỏ nhằm tạo ra đế chế kinh doanh của mình. Theo triết lý đầu tư này, mục đích của M&A là tạo ra một DN có tiềm lực mạnh hơn về vốn, tài chính, tiết kiệm chi phí, nhân lực, thị trường, kênh phân phối… nhằm có thể phát triển thành DN dẫn đầu trong lĩnh vực hoạt động.

M&A xuất hiện ở Việt Nam cách đây không lâu và chỉ thực sự sôi động khoảng 5 năm trở lại đây, nhưng nó đã để lại dấu ấn đậm nét như là một kênh đầu tư quan trọng của giới đầu tư Việt Nam. Trước năm 2009, khi nói đến mua bán - sáp nhập, người ta chỉ nghĩ đến các thương vụ nước ngoài mua lại hoặc đầu tư vào DN Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 2009 - 2014, chúng ta đã chứng kiến sự trưởng thành mạnh mẽ trong việc chủ động tiếp cận và làm chủ M&A của giới DN Việt Nam. Hiện tượng các DN Việt Nam thực hiện M&A ngày càng phổ biến và chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương vụ M&A tại Việt Nam.

M&A là công cụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng đột phá cho DN, đặc biệt là những DN có tham vọng trở thành những đế chế kinh doanh mới với quy mô quốc tế và có tốc độ tăng trưởng cao. Có thể nhìn thấy qua những câu chuyện tăng trưởng từ các thương vụ M&A của Masan, Kinh Đô, Hùng Vương, Vingroup, Viettel…

Trong lĩnh vực bất động sản, FLC đã tạo dấu ấn mạnh mẽ thông qua việc công bố một loạt thương vụ M&A trong thời gian từ năm 2013 - 2014. Tuy giá trị của các thương vụ này chưa phải là lớn nhất, nhưng cách thức và chiến lược thực hiện của FLC là điều đáng chú ý đối với thị trường, các nhà đầu tư và giới quan sát. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta nhìn lại một số thương vụ đã thực hiện và đánh giá chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá của FLC.

Phân tích trường hợp FLC

Cơ hội từ tình hình bất động sản trong nước

Sau giai đoạn phát triển nóng, năm 2011 - 2013, giá bất động sản giảm mạnh do tình hình kinh tế vĩ mô, các DN bất động sản chịu lãi cao, dẫn đến việc nhiều DN ngành này thua lỗ và ngừng hoạt động hoặc giải thể. Thậm chí, có những công ty bất động sản lớn cũng gặp phải tình trạng này. Mặt khác, xu hướng các công ty sản xuất, các công ty có sở hữu đất ở quy mô vừa cũng tham gia đầu tư bất động sản, dẫn đến số lượng công ty và dự án bất động sản tăng quá nhanh.

Ông Đặng Xuân Minh, Giám đốc AVM Việt Nam Phó Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 

Căng thẳng về nguồn lực tài chính, bao gồm cả sức ép trả nợ, thiếu tiền triển khai hạ tầng cũng như phát triển tiếp dự án có lẽ là nguyên nhân chủ yếu khiến các chủ đầu tư phải bán rẻ toàn bộ hoặc một phần dự án mà các công ty này đã theo đuổi tới 3 - 5 năm, thậm chí 10 năm.

Sức ép tài chính của các DN có dự án bị đình trệ lâu ngày dẫn đến việc chấp nhận bán lỗ bằng mọi giá, miễn là có thể thu vốn về làm các dự  án khác đã diễn ra trên diện rộng. Đó là lý do vì sao những nhà đầu tư tiềm lực, có nguồn vốn có thể mua được dự án với mức giá chỉ bằng 40 - 50% mức giá được xác định trước đó.

Hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản của FLC

Trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm năm 2012 - 2013, FLC đã thực hiện những thương vụ M&A đáng chú ý trên thị trường Việt Nam.

- Năm 2013, FLC công bố mua lại Dự án Alaska Garden City tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội với diện tích hơn 53.000 m2, bao gồm cả chung cư, đất biệt thự, nhà liền kề, và sau khi thương vụ hoàn tất, dự án được đổi tên thành FLC Garden City. Thương vụ được thực hiện với 99% mức sở hữu. Tổng mức đầu tư lên tới 3.500 tỷ đồng.

- Năm 2014, FLC tiếp tục hoạt động M&A dự án bất động sản khi thực hiện mua thêm 2 dự án khác với mức sở hữu 99% là Ion Complex Tower - với tổng diện tích gần 4.000 m2, quy mô xây dựng 39 tầng (nay đổi tên là FLC Complex Tower) tại 36 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

- Năm 2014 tiếp tục thực hiện thương vụ mua lại dự  án The Lavender với tổng diện tích gần 3.000 m2 (tên mới là FLC Star Tower).

Song song đó, FLC cũng triển khai các dự án bất động sản tự phát triển có quy mô đầu tư tiềm năng lên tới hơn 12.000 tỷ đồng tại khắp các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình; triển khai dự án BT xây dựng trung tâm hành chính mới tỉnh Khánh Hòa quy mô 7.000 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn FLC hiện được coi là đơn vị  đi đầu trong M&A ngành bất động sản với con số  ấn tượng. Chỉ trong vòng hơn 1 năm, quỹ dự án bất động sản của CTCP Tập đoàn FLC đã tăng vọt, với tổng mức đầu tư dự kiến cho các dự án sở hữu nhờ M&A là gần 6.000 tỷ đồng. Tổng giá trị đầu tư dự kiến vào các dự án của Công ty lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Thay vì phải mất 5 - 10 năm để sở hữu danh mục dự án lớn như vậy, FLC đã lựa chọn M&A là công cụ để đưa Tập đoàn trở thành một ông lớn thực sự trong ngành bất động sản nhà ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.

Trong thời gian vừa qua, hàng loạt dự án bất động sản bị bỏ dở do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính. Việc M&A các dự án bất động sản của FLC giúp dự án được đẩy nhanh tiến độ triển khai, tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất. Ngoài ra, đây là con đường hiệu quả để Tập đoàn phát triển mảng bất động sản, do có cơ hội lựa chọn các dự án có tính khả thi cao, khi được chuyển sở hữu về chủ đầu tư có năng lực tài chính lớn như FLC (các dự án mà FLC mua đều đã bị đình trệ khá lâu trước đó).

FLC là DN có tính chủ động cao trong M&A. Tập đoàn chủ trương từ 3 năm nay là tìm kiếm cơ hội mua vào các dự án bất động sản giá rẻ, tính khả thi cao để triển khai, do nhiều chủ đầu tư cũ gặp khó khăn. Đây là cách phát triển quy mô rất phù hợp trong giai đoạn hiện nay, mà các NĐT nước ngoài cũng đang tìm kiếm cơ hội vào Việt Nam.

Qua các thương vụ M&A nổi bật trong ngành bất động sản bằng việc mua lại nhiều dự án với tỷ lệ sở hữu cao nhằm có quyền chi phối toàn bộ hoạt động dự án, CTCP Tập đoàn FLC được coi như một hiện tượng của ngành khi phát triển nhanh với chi phí thấp, trong khi nhiều DN bất động sản khác vẫn đang gặp khó khăn.

Khi danh sách các dự án bị tồn đọng lên tới con số hàng nghìn, với nhiều dự án đã triển khai xong các khâu vốn rất mất thời gian là giải phóng mặt bằng và quy hoạch chi tiết được chủ đầu tư cũ sẵn sàng cắt lỗ, thì FLC được hưởng lợi ngay lập tức lợi ích từ việc mua dự án giá rẻ và tiết kiệm thời gian chuẩn bị. Theo thống kê, với thời gian để chuẩn bị phát triển một dự án bất động sản có thể kéo dài trung bình từ 5 - 10 năm, thì việc mua một dự án đủ khả năng triển khai và bán sản phẩm ngay như của FLC đã giúp Tập đoàn tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng so với phát triển từ đầu một dự án tương tự. Thực tế, cả 3 dự án mà FLC mua đều đã hoàn thành về mặt thủ tục, sẵn sàng cho triển khai và bán. Thậm chí, Dự án The Lavender (tên mới là FLC Star Tower) đã đầy đủ điều kiện để mở bán do hoàn thành thi công hầm, móng.

Ngoài M&A trong lĩnh vực bất động sản theo chiều mua vào, FLC còn thực hiện các thương vụ M&A khác nhằm tăng hiệu quả tài chính cho Tập đoàn. Thu nhập từ M&A đã góp phần không nhỏ vào hiệu quả kinh doanh năm 2014. Đây là hướng đi chuyên nghiệp, đòi hỏi tầm nhìn và năng lực tài chính của đơn vị thực hiện.

Hàng loạt dự án bất động sản bị bỏ dở do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, FLC đã thực hiện những thương vụ M&A đáng chú ý trên thị trường Việt Nam. 

Những yếu tố nào đã và sẽ giúp FLC thành công trong chiến lược M&A?

Trong nghiên cứu năm 2013 của Vietnam M&A Forum và IMAA, khi phân tích những công ty hàng đầu có tăng trưởng đột phá nhờ M&A như Masan, Kinh Đô, Vingroup, Viettel…, những yếu tố để công ty tại Việt Nam có chiến lược M&A đột phá nằm ở các điểm: (1) Lãnh đạo có tầm nhìn và mục tiêu dẫn đầu, (2) Có đội ngũ nhân sự tốt để thực thi chiến lược, (3) Có quan hệ đầu tư quốc tế, (4) Hoạt động trong những ngành có nhiều cơ hội và thế mạnh tại Việt Nam; (5) Nắm bắt được cơ hội M&A.

Chúng ta có thể thấy một số điểm tương đồng trong chiến lược M&A của FLC so với một số công ty đã thành công tại Việt nam.

- Lãnh đạo có tầm nhìn và mục tiêu dẫn đầu:

Các công ty có chiến lược M&A và thực hiện được chiến lược M&A đều có dấu ấn của lãnh đạo công ty với tầm nhìn và mục tiêu dẫn đầu trong ngành, trong nước và vươn ra quốc tế. Trường hợp Masan là ông Nguyễn Đăng Quang, Kinh Đô là các ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên, Hùng Vương là ông Dương Ngọc Minh, Vingroup là ông Phạm Nhật Vượng…

Trường hợp của FLC, lãnh đạo Công ty mà người đứng đầu là Luật sư Trịnh Văn Quyết là những luật sư có kinh nghiệm tại thị trường Việt Nam và nhiều kinh nghiệm tư vấn các dự án, trong đó có dự án bất động sản, cũng như mối quan hệ với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ông Quyết cũng đã thể hiện tầm nhìn và năng lực của mình thông qua việc phát triển FLC tăng tưởng mạnh trong 5 năm qua.

- Có đội ngũ nhân sự tốt để thực thi chiến lược:

Các công ty này đều có đội ngũ nhân sự tốt để thực thi chiến lược. Đội ngũ của FLC được minh chứng thông qua việc triển khai hàng loạt dự án trong thời gian qua. Với nền tảng am hiểu về luật, thủ tục và cách thức triển khai dự án, đội ngũ nhân sự của FLC là một yếu tố có thể đem lại thành công cho Công ty.

- Quan hệ đầu tư trong nước và quốc tế

Trong điều kiện nguồn vốn trong nước còn hạn chế, nguồn lực bên ngoài có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược M&A. Masan, Kinh Đô, Vingroup đều có kinh nghiệm và quan hệ với các đối tác quốc tế. Để hút được vốn đầu tư từ các tổ chức này, kinh nghiệm và quan hệ đầu tư quốc tế của đội ngũ cũng đóng vai trò khá quan trọng.

Trường hợp của FLC, Công ty khẳng định hoạt động thu hút đầu tư tốt thông qua việc liên tục thành công trong các đợt tăng vốn điều lệ, nâng cao vị thế DN và có nguồn vốn để thực hiện các thương vụ M&A. Đây là điều đáng chú ý vì nhiều công ty muốn tăng vốn để thực hiện M&A nhưng không thực hiện được.

- Hoạt động trong những ngành có nhiều cơ hội và thế mạnh tại Việt Nam

Những DN thành công đều chủ yếu tập trung vào các ngành được coi là phát triển khá sôi động và nhiều tiềm năng tại Việt Nam như hàng tiêu dùng, thực phẩm, bất động sản và trung tâm thương mại cao cấp, chế biến thủy sản… Như vậy, với định vị ngành cốt lõi của mình là Phát triển bất động sản và việc tận dụng tốt cơ hội thu hút vốn để mua các tài sản giá rẻ, FLC có cơ hội để tăng trưởng đột phá.

Kết luận

Thời gian 3 - 5 năm chưa đủ dài để nhận định sự thành công của một chiến lược hoặc một thương vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta thường quen với việc DN Việt Nam bị nước ngoài thâu tóm, thì một số DN đã thực hiện chiến lược M&A để tạo tăng trưởng đột phá là điều rất đáng tự hào.

Đối với FLC, trong vòng 2 năm qua, Công ty đã có những thành công và khẳng định được chiến lược M&A của mình. Tuy nhiên, không phải là không có những thách thức, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, FLC cũng cần phát triển song song việc huy động nguồn và phát triển các dự án đã mua lại để tạo ra giá trị gia tăng thực sự. Công ty có thể phát triển thông qua các hoạt động thu hút vốn để khai thác dự án, chuyển nhượng lại dự án để tạo nguồn, đồng thời cần tạo thương hiệu cho các dự án của mình nhằm tạo niềm tin cho những khách hàng mua nhà trong tương lai. Mặt khác, việc quản lý đồng thời các dự án cũng đòi hỏi đội ngũ nhân sự có chất lượng và đáp ứng được những yêu cầu cao hơn.

Hy vọng rằng, thông qua chiến lược M&A đúng đắn của mình, FLC sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa và trở thành một trong những tập đoàn đầu tư và phát triển bất động sản lớn nhất tại Việt Nam.

Đọc thêm