Forbes “giải mã” hiện tượng FLC

(PLO) - Là câu chuyện hiếm trong giới đầu tư bất động sản, đang "gây chú ý" với hai dự án lớn, vốn điều lệ tăng 73 lần, tổng tài sản tăng 112 lần trong vòng 7 năm, FLC Group là tập đoàn nào và ông chủ của nó là ai? Câu hỏi được Forbes Việt Nam "giải mã" trong bài viết: Luật sư kinh doanh.

Forbes “giải mã” hiện tượng FLC
Bài viết của nhà báo kinh tế Mạnh Quân trên Forbes Việt nam tháng 7/2014 tiết lộ: thành công của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nhờ biết chọn đúng thời điểm đầu tư và "liều đúng lúc".
Vài tháng nay, khi cuộc tranh luận về sự hồi phục của thị trường bất động sản chưa ngã ngũ, FLC Group gây chú ý với hai dự án lớn. Đầu tháng 5, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM này khởi công khu phức hợp sân golf 18 lỗ và khu nghỉ dưỡng FLC Samson Golf Links tại Sầm Sơn (Thanh Hóa), với vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng. Một tháng sau, FLC Group công bố dự án FLC Complex 36 Phạm Hùng (Hà Nội) do họ làm chủ đầu tư trên khu đất gần 5.000 m2, ở vị trí đắc địa, khu vực Mỹ Đình - Hà Nội.
FLC Group là tập đoàn nào và ông chủ của nó là ai, mà chỉ trong vòng vài năm vốn điều lệ đã tăng 73 lần từ mức 18 tỷ đồng năm 2008, và tổng tài sản tăng lên đến 112 lần? Năm 2013 doanh thu của tập đoàn này đạt trên 1.744 tỷ đồng, lợi nhuận thuần đạt 144,8 tỷ đồng, tăng khoảng 400% so với cùng kỳ năm trước.
FLC là câu chuyện hiếm trong giới đầu tư bất động sản, nhất là trong bối cảnh thị trường suy sụp thời gian qua, nhiều công ty kinh doanh bất động sản thua lỗ, nợ xấu làm trì trệ hệ thống ngân hàng, nhiều dự án dở dang, nhiều người trốn chạy bị khách hàng khiếu kiện... thì tập đoàn này đang tung ra nhiều dự án mới với những kế hoạch gọi vốn lớn.
“Chúng tôi nghĩ mình không là gì ghê gớm cả, nhưng phải biết cách tồn tại và khi cơ hội đến, phải biết chớp lấy, ngay cả khi thị trường còn đang khó khăn, để vươn lên,” Trịnh Văn Quyết, ông chủ 40 tuổi của tập đoàn FLC Group, nói với phóng viên Forbes Việt Nam. Ông Quyết giải thích thành công của mình nhờ vào biết chọn đúng thời điểm đầu tư, tận dụng cơ hội mua các bất động sản thua lỗ phải bán giá thấp.
“Năm 2012, sau khi đầu tư, nhanh chóng thi công, hoàn thiện công trình FLC Landmark Tower, nhìn thấy thị trường khó khăn, tôi quyết định dừng, không đầu tư, khởi công thêm một dự án nào nữa, chuyển qua kinh doanh, đầu tư các mảng khác, làm thủ tục, âm thầm tích lũy các dự án khác vào quỹ đất của mình, với giá hợp lý để chờ thời cơ khởi công khi thị trường có dấu hiệu phục hồi,” ông Quyết cho biết.
Dự án FLC Landmark Tower được ông Quyết cho là “đánh dấu sự đi lên của tập đoàn FLC.” Khu đất rộng 4.500m2 này nằm ở đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình II, Hà Nội), ông Quyết kể: “Năm 2008, khi còn là vùng đất trũng, đầy cỏ dại, tôi quyết định mua bằng tất cả vốn liếng tích lũy được từ kinh doanh dịch vụ tư vấn pháp lý, vay mượn để có vài chục tỷ đồng. Hồi đó, kêu gọi góp vốn, mãi không ai góp, có người góp một triệu đồng rồi đòi lại nhưng tôi vẫn quyết mua vì có cảm nhận, suy đoán rằng, nó sẽ là dự án sinh lợi cao, ở khu vực phát triển.”
Dự án FLC Landmark Tower được xây dựng thành một tòa nhà phức hợp, 32 tầng, gồm cả khu căn hộ và văn phòng cho thuê. Riêng tiền bán căn hộ tại đây, FLC thu về 575 tỷ đồng vào năm 2012.
Một dự án khác cũng được họ mua lại, theo FLC Group với giá rẻ, là dự án khu đô thị FLC Garden City Hà Nội. Dự án này nằm trên khu vực có diện tích tám héc ta ở Đại Mỗ - Từ Liêm, trước đó do công ty cổ phần Địa ốc Alaska quản lý. Do hoạt động kém hiệu quả, tháng 8/2013, công ty Alaska đã nhượng lại dự án cho FLC Group chỉ với giá 300 tỷ đồng, mức giá mà nhiều chuyên gia bất động sản cho là quá thấp so với giá trị thật. Ngay sau khi tiếp nhận dự án, FLC Group tuyên bố sẽ đầu tư 3.500 tỷ đồng để khởi công, đầu tư trong quý III năm 2014.
FLC cho biết cùng với các hoạt động cho thuê, sang nhượng, hoạt động kinh doanh, dịch vụ, tư vấn pháp lý ở các công ty thành viên khác, đến đầu năm 2014, sau vài lần huy động vốn, FLC Group có vốn điều lệ 1.544 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản được định giá 2.581 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 1.823 tỷ đồng.
Theo các báo cáo của công ty, sự tăng trưởng nhanh chóng về doanh thu, vốn điều lệ của tập đoàn FLC trong các năm 2010 - 2013 còn nhờ vào doanh thu bán hàng từ kinh doanh thép xây dựng và inox cho nhiều công ty lớn. “Việc mở rộng hoạt động thương mại đã giúp FLC Group có tiềm lực thực hiện những đơn hàng có giá trị lớn, khiến doanh thu của tập đoàn này tăng nhanh,” báo cáo phân tích gần nhất của công ty chứng khoán ngân hàng Đông Á nhận định.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết 
Ông Quyết cho rằng những đợt điều chỉnh vốn điều lệ của tập đoàn này đều dựa trên nhu cầu sử dụng vốn hợp lý, và lựa được thời điểm phát hành tốt.
Ông dẫn chứng thời điểm năm 2012, một số doanh nghiệp bất động sản khó khăn, phải bán lại dự án thì FLC Group xem là “cơ hội để mua lại dự án với chi phí thấp hơn nhiều với việc phát triển từ đầu các dự án này.” Chủ tịch FLC Group nói: "Đầu năm 2013, dự đoán thị trường bất động sản sẽ hồi phục dần từ cuối năm, chúng tôi xác định đây là năm bản lề để triển khai các dự án đã tích lũy được quỹ đất và ngay năm nay, đã bắt tay vào thực hiện các dự án nên nhu cầu tăng vốn để đầu tư là rất lớn, nên cần thiết phải tiếp tục phát hành cổ phiếu, trái phiếu... tăng vốn điều lệ.”
Các dự án mà FLC Group chuẩn bị triển khai được ông Lê Minh Dũng, giám đốc công ty tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam đánh giá là “các dự án khá tốt.” Ông Dũng dẫn chứng cụ thể dự án FLC Complex Phạm Hùng thuộc phân khúc trung và cao cấp, gần công viên lớn và trụ sở nhiều bộ, ngành, gần đường giao thông lớn. Ông Dũng nói: “Nếu dự án này đảm bảo tiến độ như cam kết, thiết kế về diện tích, giá hợp lý thì rất thuận lợi trong khâu bán hàng."
Nhìn lại các dự án mà FLC Group thực hiện, ông Quyết nói: “Người ta nói tôi may mắn, nhưng chỉ đúng một phần... Cũng có người nói là liều, có thể, nhưng tôi đã liều đúng lúc và cái may là do mình sẵn sàng, chuẩn bị đón nhận. Chứ thực sự thì tôi rất cẩn trọng, đó là bản năng nghề nghiệp luật sư của tôi. Chính nhờ bản năng, kinh nghiệm của nghề luật đã giúp tôi tránh được nhiều thất bại và có được thành công trong kinh doanh.”
Ở Hà Nội, ông Quyết được một số doanh nhân khác nhận định, “khá trẻ mà làm được những điều như thế là ghê rồi.” Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội năm 1996, ngay sau khi ra trường ông thành lập công ty Tư vấn luật SMiC - chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ. Ông nổi lên qua các vụ Honda Vietnam tranh chấp với công ty GMN về khoản 2,2 triệu đô la Mỹ tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên; vụ giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005... Với 30 khách hàng thường xuyên là tổ chức, doanh nghiệp, công ty SMiC giúp ông Quyết có số vốn ban đầu để kinh doanh ở lĩnh vực khác.
Ông Quyết cho biết, quá trình hành nghề luật giúp ông tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế để áp dụng vào hoạt động kinh doanh và đầu tư. Hiểu biết luật pháp giúp ông có những dự cảm về sự thay đổi chính sách, thậm chí ở cấp sở, ngành, ông nói: “Nghề thầy cãi khiến tôi trở nên luôn thận trọng... Ai cũng thấy, tôi đầu tư khá nhiều dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng thực ra dự án nào tôi thấy rất chắc ăn mới làm chứ không dám mạo hiểm.” Xem xét một dự án “có vẻ tốt,” trong đầu vị luật sư luôn xuất hiện các câu hỏi như: Tại sao dự án này có vẻ ngon như vậy? Nó có vấn đề gì về pháp lý? Ông cho hay: “Khi trả lời được hết các câu hỏi, tôi mới quyết định làm.”
Xuất thân từ một gia đình nghèo ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, nơi mà ông nói “từ trẻ con đến người già đều biết kinh doanh,” ông vào TP.HCM học sửa chữa điện tử sau khi tốt nghiệp cấp 3. Hai năm ngày sửa đồ điện, tối ông tự học, hè 1996 ông nhận giấy báo trúng tuyển vào ba trường đại học luật và ông chọn đại học Luật Hà Nội.
Một người bạn lâu năm của ông cho biết, từ thời học đại học, chú tâm theo học ngành luật nhưng ông Quyết cũng đã có khuynh hướng kinh doanh. Từ năm học thứ hai, ông mở văn phòng gia sư thuộc loại đầu tiên ở Hà Nội. Sau đó, ông còn kinh doanh điện thoại, đủ “cho ông ăn học mà còn lo được cho các em gái học hành đầy đủ, đồng thời cho ông vốn liếng ban đầu mở văn phòng luật sư SMiC ngay sau khi ra trường.” Trong phòng khách ở nhà, ông vẫn giữ một chiếc điện thoại khá cổ như một cách gợi nhớ thời kinh doanh lúc trước.
Theo ông Quyết, hiện nay, FLC Group có quy mô lớn nên ông rất chú trọng đến vấn đề xây dựng, quản lý nguồn nhân lực. “Với tôi, trong sự thành bại của mỗi doanh nghiệp, yếu tố nhân sự, nhất là cán bộ chủ chốt là yếu tố đặc biệt quan trọng nên tôi luôn chú trọng tuyển dụng cán bộ có tài, trẻ... để có sự năng động. Đa số cán bộ của tôi đều trên dưới 40 tuổi một chút,” ông cho bỉết.
Sự phát triển của FLC mà doanh thu giai đoạn 2010 - 2013 tăng “thần kỳ” như nhận xét của chứng khoán Đông Á làm nảy sinh nhiều đồn đoán. Một số nhà quản lý quỹ nhận xét rằng, chủ tịch tập đoàn FLC là người lắm “mưu mẹo”. Có người gọi ông là “bậc thầy thổi giá cổ phiếu”, thậm chí, có người gọi ông là một "đại gia” làm giàu lên theo kiểu “tay không bắt giặc”. Một phần khá lớn của khu đất xây FLC Landmark Tower là đất nông nghiệp được ông nhanh chóng thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng.
Trước các câu hỏi và lời nhận xét kể trên, ông Quyết nói: "Cũng có những điều, về biểu hiện bên ngoài thì họ có vẻ nói đúng nhưng tôi nghĩ là chưa hiểu hết tôi. Tôi đi lên gần như từ hai bàn tay trắng nhưng đó là kết quả của cả một quá trình lăn lộn với thương trường, một quá trình tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, tính toán làm ăn trong kinh doanh mà có. Gia đình tôi vốn là gia đình công chức nghèo, tôi cũng không có quan hệ chính trị gì sâu rộng…, để xin - cho, vậy giàu lên nhờ gì thì mọi người cứ đánh giá.”
Ông Quyết cũng từng nếm mùi thất bại. Nắm giữ hơn 45% cổ phiếu ở công ty Chứng khoán Artex, làm chủ tịch công ty này, nhưng kinh doanh yếu kém, có lúc bị kiểm soát đặc biệt, nên đầu năm 2013, FLC Group phải thoái toàn bộ vốn. Chủ tịch FLC Group cho rằng: "Đó chỉ là một thất bại nhỏ, không đáng kể trong cả quá trình leo dốc của FLC.”
FLC Group đang nuôi tham vọng trở thành tập đoàn lớn. Tại đại hội cổ đông đầu tháng 6, tập đoàn FLC công bố, quỹ đầu tư The Global Emerging Markets Group (GEM) đã cam kết góp 40 triệu đô la Mỹ để đầu tư vào các dự án của FLC Group. Cổ đông FLC cũng đã thông qua kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu, chào bán riêng lẻ 600 tỷ đồng cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, phát hành trái phiếu quốc tế... để tăng vốn điều lệ lên 3.700 tỷ đồng vào cuối năm 2014 và tăng lên 4.500 tỷ đồng vào năm 2015. “Ba năm qua, chúng tôi hầu như không vay ngân hàng, nhưng đến thời điểm này chúng tôi cũng phải vay để đầu tư, nếu không, không phát triển đột phá được,” ông Quyết nói về kế hoạch sắp tới của mình./.

Đọc thêm