Chiến lược Make in Vietnam sẽ giúp ngành ICT tăng trưởng 2-4 lần GDP

(PLVN) - “Một sứ mệnh của Chương trình "Make in Việt Nam" là làm sao 5 năm nữa trên bản đồ các nhà sản xuất thiết bị viễn thông có Việt Nam” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành Thông tin và Truyền thông, diễn ra hôm này – 12/1.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.

Sứ mệnh, cơ hội mới để đưa đất nước vượt qua thu nhập trung bình thấp 

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng,  ngành này chưa bao giờ có sứ mệnh lớn lao như hiện tại và đây cũng là cơ may hiếm có để định vị lại mình.

"Chúng ta hiện sống trong một giai đoạn đặc biệt, thế giới đang thay đổi nhanh, khó đoán định vì nhân loại đang bước vào một không gian sống mới. Sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là sự di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn song hành," Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự Hội nghị.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp ICT sẽ nhận về mình một sứ mệnh hoàn toàn mới. Theo Bộ trưởng, nếu công nghiệp ICT vẫn là lắp ráp, gia công, làm thuê thì lĩnh vực này vẫn như cũ. Tuy nhiên, nếu công nghiệp ICT là "Make in Vietnam", là phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, làm chủ công nghệ, thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam sẽ giúp đất nước phát triển, từ đây đi ra chinh phục thế giới.

Điều này cũng sẽ biến Việt Nam thành quốc gia công nghệ và theo tính toán, giúp ngành ICT tăng trưởng 2-4 lần GDP. "Make in Vietnam" cũng sẽ đưa Việt Nam thành hùng cường thịnh vượng, thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Với viễn thông, Bộ trưởng nhìn nhận "không gian, sứ mệnh mới đã và đang dần hình thành." Bên cạnh vai trò là hạ tầng thông tin liên lạc, lĩnh vực này phải trở thành hạ tầng sản xuất kinh doanh của nền kinh tế số, cung cấp công nghệ, dịch vụ tới mọi người dân, doanh nghiệp để giúp sáng tạo sản phẩm.

Theo lãnh đạo ngành Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là sự phát triển tiếp theo và tương lai của ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng phải là sự phát triển mang tính đột phá.

Với lĩnh vực báo chí, Bộ trưởng cho rằng, sứ mệnh mới của báo chí phải là khơi dậy khát vọng hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển thu nhập cao. Để làm được điều này, báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, cũng như tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới từng người dân, lan toả năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, ngành Thông tin và Truyền thông đã làm được nhiều việc trong năm 2020, cũng như cả nhiệm kỳ 2015-2020 và tiếp nối những thành quả của các thế hệ đi trước, giữ gìn được những giá trị cốt lõi.

2021 là năm đầu của nhiều giai đoạn quan trọng với Việt Nam như 5 năm để vượt qua thu nhập trung bình thấp, 10 năm trở thành nước thu nhập trung bình cao, 25 năm để thành nước phát triển, thu nhập cao, định hướng xã hội chủ nghĩa. "Và con đường để đạt mục tiêu đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số," Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Thời cơ thực hiện ước mơ phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: 2020 là năm đặc biệt, bởi những khó khăn không lường trước được nhưng cũng có những biến tiến ngoạn mục.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận, cảm ơn đội ngũ những người làm công nghệ thông tin và truyền thông; những người đồng hành cùng ngành trong thời gian qua để cả nước từ Trung ương đến địa phương vượt qua khó khăn chưa từng có, đạt được những thành tích đáng tự hào.

Nhắc đến sự phát triển của các ngành thông tin, viễn thông, bưu điện, an toàn, an ninh mạng, thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng nếu khơi dậy được sự sáng tạo, sự quyết tâm, không đổi mới mạnh mẽ hơn thì sẽ không tận dụng được cơ hội, dẫn đến nhiều ngành sẽ chết. Nếu không có sự chuyển đổi mạnh hơn sẽ thụt lùi.... Đây là thời cơ để thực hiện ước mơ phát triển nền công nghiệp công nghệ thông tin.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chuyển đổi số là thời cơ cũng là thách thức lịch sử đối với ngành công nghệ thông tin.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chuyển đổi số là thời cơ cũng là thách thức lịch sử đối với ngành công nghệ thông tin. 

Theo Phó Thủ tướng, chương trình "Make in Việt Nam" là nói đến trí tuệ Việt Nam. Kết quả hiện nay mới là bước ban đầu. Việt Nam có thị trường gần 100 triệu dân, nếu có sự điều phối tốt thì sẽ đủ sức ươm mầm thị trường trong nước trước. Một sứ mệnh mới là làm sao 5 năm nữa trên bản đồ các nhà sản xuất thiết bị viễn thông có Việt Nam. Đó là thành công mang dấu ấn lớn của ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

Liên quan đến việc chuyển đổi số và Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng cho biết trước đây khi nói về ứng dụng công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử hay chuyển đổi số, thường nói đến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc các ngành tài chính, ngân hàng… như thời gian qua, tức là làm từ chỗ hiện đại nhất xuống. Nhưng hiện nay, có thể khẳng định muốn đẩy nhanh việc này, cần làm hai mũi từ trên xuống và từ chỗ khó khăn nhất, nghĩa là làm ngược lại, làm từ dưới lên. Nếu làm tốt thì mới có thể vượt được những nước đi trước.

Cho rằng đây là thời cơ cũng là thách thức lịch sử đối với ngành công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng mong muốn lãnh đạo các ngành, địa phương thực sự quan tâm đến vấn đề này. Trách nhiệm của bộ quan trọng nhưng trách nhiệm và năng lực của các địa phương còn quan trọng hơn. Làm Chính phủ điện tử, Chính phủ số không khó như tưởng tượng, chỉ cần sự đồng lòng, nhận thấy xây dựng Chính phủ điện tử giúp minh bạch hơn với nhân dân, gần dân hơn, giúp Chính phủ, chính quyền địa phương thực sự quản lý tốt để phục vụ nhân dân thì chắc chắn sẽ làm được.

Đọc thêm