Chính quyền Hải Dương ở đâu mà để nạn 'barie cướp đường' dai dẳng?

(PLO) - Bất chấp việc dư luận phẫn nộ bất bình và nhiều “BOT thôn” đã bị phát giác xóa bỏ, một số “trạm thu phí chui” tại huyện Bình Giang (Hải Dương) vẫn tiếp tục âm thầm chiếm đoạt tiền người đi đường. Sự việc không chỉ chứng tỏ sự ngang ngược “vô thiên vô pháp” của các đối tượng vi phạm mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan chức năng Hải Dương.
Xe tải mỗi lượt qua trạm barie tại thôn Nhữ Thị, xã Thái Hòa, huyện Bình Giang bị chiếm đoạt 10 nghìn đồng
Xe tải mỗi lượt qua trạm barie tại thôn Nhữ Thị, xã Thái Hòa, huyện Bình Giang bị chiếm đoạt 10 nghìn đồng

Trạm thu phí “chui” án ngữ đường huyện

Thời gian gần đây, PLVN đã có một số bài viết phản ánh sự việc chính quyền địa phương buông lỏng quản lý giám sát dẫn đến tình trạng nhiều thôn ở xã Cổ Bì, huyện Bình Giang, Hải Dương tự ý lập các trạm barie thu tiền xe qua lại. Giữa tháng 5/2018, sau khi PLVN phản ánh, các trạm thu phí trái phép này đã lập tức được xóa bỏ. 

Thế nhưng theo khảo sát của PLVN, tại Hải Dương còn nhiều điểm lập barie chiếm đoạt tiền khác và khi chưa bị “điểm danh” “day mặt chỉ tên” thì những điểm này vẫn còn tồn tại. Không chỉ các tuyến đường thôn mà ngay cả tuyến đường do huyện quản lý cũng tồn tại những trạm barie chiếm đoạt tiền như trên. Điển hình các xã như Thái Hòa, Thái Dương (cùng thuộc huyện Bình Giang). 

Nếu trạm barie ở xã Thái Dương mới được dừng cách đây hơn tháng thì tại xã Thái Hòa vẫn diễn ra tình trạng chiếm đoạt tiền. Trạm barie này được lập tại thôn Nhữ Thị, do một gia đình gần đó “trông coi”. Các xe tải khi đi qua đây phải nộp 10 nghìn đồng một lượt. Chia sẻ với phóng viên, người “trông coi” barie cho biết: “Xã cho gia đình đấu thầu thu phí tại trạm barie này 5 năm. Mỗi năm, ngoài số tiền cố định là 10 triệu đồng phải nộp về xã, số còn lại gia đình tôi được hưởng”.

Anh Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Công ty TNHH TM Đức Chính tại Hải Dương cho hay, là doanh nghiệp có nhiều xe tải tham gia giao thông, việc nộp phí tại các trạm thu phí hợp pháp trên đường là thường xuyên. Nhưng họ không chấp nhận khi xe đi vào các tuyến đường thôn, huyện, họ cũng phải nộp “phí” tại các trạm barie, không khác gì gặp “cướp đường”, rất vô lý. 

Anh Chính cho biết, số tiền phải nộp tại các trạm này thường dao động từ 5.000 – 20.000 đồng/lượt, đương nhiên đã là bất hợp pháp thì không hề có biên lai hoặc vé. Tình trạng này xảy ra ở một số huyện như Ninh Giang, Gia Lộc, Bình Giang… “Tình trạng xảy ra đã rất lâu, nhưng vì công việc nên bao lâu nay chúng tôi ấm ức chịu đựng chứ chưa có đơn từ phản ánh gì, sợ các địa phương đó gây khó dễ trong công việc”, một chủ doanh nghiệp nói. 

Cán bộ địa phương nói gì?

Vấn nạn đã nhức nhối thời gian rất lâu, vậy cán bộ chính quyền địa phương ở đâu, nói gì? Liên quan đến trạm barie tại thôn Nhữ Thị, ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Bí thư – Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết, sau khi nhận được phản ánh về tình trạng chiếm đoạt tiền tại trạm barie thôn Nhữ Thị, xã “sẽ cho kiểm tra và mời người trông coi lên làm việc”. Ông Hợp cho rằng “bản thân tôi mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch xã được hai năm, việc người dân và xã có hợp đồng đấu thầu trông coi barie trước đó hay không tôi không nắm được”. 

Việc tự ý lập barie thu tiền xe qua lại là vi phạm pháp luật, là chiếm đoạt tiền, có dấu hiệu vi phạm hình sự, thế nhưng vị Chủ tịch xã vẫn biện bạch “lập trạm barie là để bảo vệ đường, tránh xe quá tải đi vào làm hư hỏng đường”. Về vấn đề thu tiền, ông Hợp cho rằng: “Việc thu tiền là do người dân tự ý thu, xã không có chủ trương, không có chỉ đạo cũng như đấu thầu với người dân”. Về hướng xử lý, ông Hợp cho rằng “trước mắt, xã sẽ mời người trông coi barie lên làm việc và không cho trông nom barie nữa, đồng thời xin ý kiến của huyện để tháo dỡ barie trên”. 

Về phía huyện, ông Đào Đức Vỹ, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bình Giang cho biết, trạm barie tại thôn Nhữ Thị, xã Thái Hòa trên tuyến đường huyện quản lý. Trước đây, tuyến đường này thuộc dự án WB2. Trạm barie được lập nhằm ngăn chặn không cho các xe quá tải đi qua để bảo vệ đường. Sau khi dự án làm xong, barie bàn giao về cho xã để thuận tiện cho việc quản lý, trông coi. “Tuy nhiên không được phép thu tiền của các phương tiện xe lưu thông qua đây”, ông Vỹ nhấn mạnh.

Trước những phản ánh trong thời gian qua về tình trạng “tự thu phí” tại một số trạm barie ở địa phương, ông Vỹ cho hay huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là các xã có liên quan khẩn trương rà soát, kiểm tra lại để có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, không được để xảy ra tình trạng thu phí trái phép như vậy. Ông Vỹ nhấn mạnh, để xử lý nghiêm việc này, ngay trong Hội nghị sơ kết về công tác an toàn giao thông diễn ra vào cuối tháng 6/2018, quan điểm của huyện sẽ chỉ đạo tổ chức tháo dỡ các barie. Đồng thời, huyện sẽ cho bổ sung các biển báo cấm tải trọng xe, xây trụ bê tông để hạn chế tải trọng xe làm hư hỏng các tuyến đường. Nếu các đối tượng còn tái diễn, sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Trước thực trạng người dân tự ý lập trạm barie để thu tiền trái phép như PLVN đã nêu, ngày 13/6/2018, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương đã có Văn bản số 1202/SGTVT-P6 về việc quản lý, vận hành khai thác đường giao thông nông thôn, đồng thời đề nghị UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã rà soát tổng thể hệ thống đường giao thông được giao quản lý theo phân cấp. Tuyến đường lắp đặt barie thu tiền phương tiện trái quy định phải yêu cầu tháo dỡ và chấm dứt ngay việc thu tiền đối với tuyến đường xây ụ gạch, bê tông gây mất an toàn giao thông phải tháo dỡ ngay…

Dù Sở Giao thông Vận tải Hải Dương đã có văn bản rõ ràng, nhưng thực tế cho thấy một số địa phương đã áp dụng không nghiêm, khiến dư luận bức xúc. Sự việc phần nào bộc lộ những hạn chế về sự buông lỏng trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các công trình giao thông của chính chính quyền địa phương. 

Rõ ràng việc thu phí này là trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện, gây bất bình trong dư luận. Và nếu địa phương không có những động thái quyết liệt, tình trạng trên sẽ có thể kéo dài khiến người dân và doanh nghiệp mất niềm tin, luật pháp không được thực hiện nghiêm túc. 

Đọc thêm