Chính quyền huyện Cư Jút bất lực nhìn lò gạch thủ công không phép hoạt động

(PLVN) -  Mặc dù đã có lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công nhưng việc giám sát không chặt chẽ từ cơ quan chức năng đã khiến nhiều lò gạch tại huyện Cư Jú t (tỉnh Đắk Nông) vẫn “vô tư” khai thác đất làm nguyên liệu dẫn đến nhiều hệ lụy.
Các lò gạch đất sét nung thủ công ở huyện Cư Jút hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Hàng loạt lò gạch gây ô nhiễm, thất thoát tài nguyên

Theo ghi nhận của phóng viên, từ thị trấn Ea T’Ling theo quốc lộ 28 đi về huyện Krông Nô không xa có hàng loạt các lò gạch thủ công vẫn đang hoạt động. Đa phần những lò gạch thủ công, phần lớn các lò gạch này xuống cấp, không bảo đảm an toàn. Nhiều công nhân làm việc trong điều kiện thiếu trang thiết bị bảo hộ lao động trong môi trường độc hại...

Để hoạt động các lò gạch thủ công này, nhiều chủ lò gạch đã dùng máy múc khai thác đất sét làm nguyên liệu. Theo quan sát, nhiều quả đồi khu vực này đã bị moi móc thậm chí là san phẳng. Nhiều hố sâu được tạo ra do quá trình móc đất để lấy nguyên liệu làm gạch.

 Một quả đồi sắp bị san phẳng.

Mặc dù những khu vực khai thác đất không quá xa lò gạch nhưng đoạn đường này nhiều khúc cua gấp và dốc nên việc vận chuyển bằng xe tải không che chắn gây bụi bặm khiến khu vực này khá ô nhiễm và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Tuy vậy nhưng tình trạng đó vẫn diễn ra rất nhiều năm nay mà không có cơ quan chức năng nào có biện pháp siết chặt quản lý để hạn chế tình trạng kể trên. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi liệu chính quyền địa phương có “làm ngơ” để cho các lò gạch thủ công đang hoạt động bất chấp vi phạm này?

Chính quyền bất lực?

Theo một lãnh đạo địa phương, những lò gạch thủ công đang hoạt động này chỉ có duy nhất giấy đăng ký kinh doanh gạch còn lại không có bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến hoạt động sản xuất gạch.

Ấy vậy mà các lò gạch này vẫn nhả khói đều đều. Chưa kể nguồn nguyên liệu từ đâu để sản xuất gạch cơ quan chức năng cũng không kiểm soát được. Tình trạng khai thác đất phục vụ sản xuất không rõ là có phép hay không rồi có cả chở đi nơi khác cũng có diễn ra nhưng kỳ lạ là cơ quan chức năng cũng chưa bắt được tại trận lần nào(?).

 Những lò gạch không có dấu hiệu dừng hoạt động.

Có thể thấy trong vụ việc này, nhà nước thiệt đơn thiệt kép. Vừa không thu được thuế của các chủ lò gạch, vừa thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản... Chưa kể vấn đề khí thải mà những lò gạch này đang ngày đêm thải ra môi trường.

Phóng viên đã liên hệ với Công an huyện Cư Jút để hỏi về việc cơ quan chức năng có từng xử lý vi phạm nào từ khu lò gạch này không nhưng chưa nhận được sự phản hồi.

Phóng viên cũng liên hệ với phòng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cư Jút để tìm hiểu về nội dung trên, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện trên địa bàn có 9 lò gạch đất sét nung thủ công, trong đó đã vận động chấm dứt hoạt động của 4 lò. 5 lò gạch còn lại UBND huyện đã buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng vi phạm nhưng các chủ lò gạch này không chấp hành mà vẫn tiến hành hoạt động cầm chừng.

Theo các cuộc khảo sát của cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông từ trước đó, việc phát triển và duy trì lò gạch thủ công không tuân thủ quy hoạch, sử dụng lãng phí tài nguyên đất, rừng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường.

Việc dừng hoạt động của các lò gạch thủ công để chuyển đổi sang lò công nghệ tiên tiến diễn ra rất chậm. Các cơ sở sản xuất gạch thủ công bằng lò nung vẫn đang hoạt động, nhưng ngành chức năng và địa phương xử lý thiếu kiên quyết, còn các chủ lò gạch thì lý giải là do thiếu đầu tư để chuyển đổi.

Trước thực trạng trên, tháng 3/2020, UBND huyện Cư Jút đã họp và giao các phòng ban nghiêm túc thực hiện lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công theo Quyết định 350/QĐ-UBND ngày 6/3/2013 của UBND tỉnh Đăk Nông. Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng có kiên quyết thực hiện để xóa bỏ lò gạch thủ công, tránh lãng phí tài nguyên của nhà nước, hạn chế ô nhiễm môi trường hay không còn phải chờ thời gian trả lời.

Đọc thêm