“Chính sách phòng lạnh” làm luật kém tính khả thi

 Lâu nay, chúng ta vẫn thường chỉ quan tâm và băn khoăn về một vấn đề là tại sao luật không đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, đó chỉ là hệ quả. Còn gốc rễ lại chính là ở chỗ, chúng ta đã “không đưa được cuộc sống vào luật” và nguyên nhân chủ yếu thuộc về những yếu kém trong khâu nghiên cứu và hoạch định chính sách.

Lâu nay, chúng ta vẫn thường chỉ quan tâm và băn khoăn về một vấn đề là tại sao luật không đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, đó chỉ là hệ quả. Còn gốc rễ lại chính là ở chỗ, chúng ta đã “không đưa được cuộc sống vào luật” và nguyên nhân chủ yếu thuộc về những yếu kém trong khâu nghiên cứu và hoạch định chính sách.

Một chuyên gia phân tích rằng, trong xây dựng pháp luật vẫn tồn tại tình trạng duy ý chí ở ngay giai đoạn phân tích, định hướng chính sách. Hay nói cách khác, chính sách pháp luật được xây dựng theo kiểu “phòng lạnh”, thiếu đi các nghiên cứu đầy đủ, thiếu kinh nghiệm và hiểu biết thực tiễn. Điều này dẫn đến chính sách pháp luật không phù hợp với thực tiễn, với trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, quy trình làm luật của chúng ta hiện nay chưa bóc tách rõ ràng hoạt động hoạch định và xây dựng chính sách với hoạt động xây dựng pháp luật. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau khi dự án luật, pháp lệnh được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì Ban soạn thảo phải làm rất nhiều công việc khác nhau từ thực hiện các hoạt động tổng kết đánh giá thực trạng pháp luật, thực tiễn thi hành luật; khảo sát, tham khảo kinh nghiệm, thu thập và đánh giá thông tin; đồng thời phải định hướng phạm vi, nội dung điều chỉnh về mặt chính sách; đến xây dựng chính sách thành các điều luật…

“Ôm đồm” như vậy đã khiến cho không ít văn bản pháp luật phải điều chỉnh, rút hay hoãn vô thời hạn, nếu không thì chậm trễ trong soạn thảo. Thậm chí, có khi luật đã được ban hành nhưng không thể đi vào cuộc sống hoặc không phù hợp với cuộc sống. Tất cả bắt nguồn từ việc nghiên cứu xây dựng chính sách còn yếu.

Trong một cuộc hội thảo gần đây do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức, PGS-TS. Đinh Dũng Sỹ (Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) mạnh dạn đề xuất, chỉ xây dựng luật khi đã có những nghiên cứu chín muồi về mặt chính sách. Cụ thể là phải xây dựng Đề án chính sách hoàn chỉnh trước khi quyết định xây dựng một dự án luật, pháp lệnh.

Đề án chính sách này là kết quả cuối cùng của giai đoạn phân tích và định hướng chính sách. Và nó cũng chỉ là một trong nhiều phương án được lựa chọn sau quá trình xử lý chính sách. Điều đó cũng có nghĩa, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tập trung nhiều hơn vào hoạt động phân tích và hoạch định chính sách, điều hành chính sách ở tầm vĩ mô hơn là chỉ quan tâm đến các hoạt động sự vụ ở tầm vi mô, hoặc can thiệp vào đời sống dân sự một cách không cần thiết.

Có thế, chất lượng của các dự án luật, pháp lệnh mới được nâng cao thêm nữa. Cuộc sống sẽ đi vào luật nhiều hơn, cũng tức là luật sẽ đi vào cuộc sống được tốt hơn!

Thục Quyên

Đọc thêm