Chính sách tiền lương và hy vọng

(PLO) - Đề án Cải cách chính sách tiền lương (CSTL) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp được thảo luận tại Hội nghị T.Ư 7.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Có lẽ đây là đề án được tất cả những người làm công ăn lương quan tâm. Những bất cập về CSTL đã được Trung ương nhận ra, ngay trong phát biểu khai mạc Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát được những vô lý cơ bản.

Vô lý được thể hiện qua câu nói thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, được báo chí trích dẫn: “Bản thân tôi là Bộ trưởng lương chỉ 11,690 triệu, với mức lương này, tôi hỏi thật, chúng ta có đang sống bằng lương không?”. Xin chưa nói đến “chưa đủ sống”, chỉ riêng lương Bộ trưởng chỉ bằng lương một trung tá lực lượng vũ trang đã thấy cực kỳ vô lý.

Chúng ta đều biết, qua các đợt khảo sát về CSTL chuẩn bị cho Đề án cải cách tiền lương trình Hội nghị T.Ư 7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo cải cách CSTL cũng nhìn nhận: “Phụ cấp đang làm CSTL bị méo mó, chính thành phụ, phụ lại thành chính. Thu nhập ngoài không kiểm soát được”. Khi đó, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Phải làm rõ và phân biệt tiền lương với các khoản phụ cấp có tính chất lương; các khoản phụ cấp có tính chất trợ cấp ưu đãi để minh bạch tiền lương và thu nhập của cán bộ, công, viên chức”.

Cũng xin thưa rằng, khảo sát chưa đầy đủ (dẫu là đại diện). Bởi trên thực tế, có những vô lý từ các ngành nghề được hưởng cái gọi là “đặc thù”; cùng một đơn vị hành chính nhà nước, đều là công chức nhưng Giám đốc nhận từ 50 – 70 triệu/tháng trong khi công chức không chức vụ chỉ khoảng 10 triệu/tháng. Chúng ta đang lạc giữa một “rừng phụ cấp”.

Bao giờ tiền lương phải là thu nhập chính. Làm được điều này đã là một cuộc “cách mạng” về CSTL; vế thứ hai “bao giờ “sống được bằng lương” thì có lẽ tài thánh cũng chưa trả lời được, bởi còn tùy thuộc vào “sức khỏe” của nền kinh tế đất nước và nhiều vấn đề khác.

Hy vọng, khi đề án được thông qua và triển khai vào thực tế, tiền lương của cán bộ, công chức sẽ được cải thiện rõ rệt, sẽ tạo ra một mặt bằng mới là tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều được tăng lương.

Hy vọng, với CSTL mới bộ máy Nhà nước sẽ hoạt động hiệu quả hơn, tạo ra quyền chủ động cho thủ trưởng các cơ quan, đặc biệt tạo ra được công bằng, khuyến khích được lao động và cống hiến, thu hút được người tài, tinh gọn được bộ máy.

Hy vọng, khi đề án được thông qua sẽ góp phần tích cực vào phòng, chống tham nhũng, nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ công chức, viên chức. Tất nhiên với những người có “gen tham nhũng” thì lương 100 triệu/tháng vẫn quá ít, còn phải thực hiện nhiều cơ chế “nhốt quyền lực”.

Hy vọng, với CSTL mới, chúng ta thoát ra được vòng luẩn quẩn đeo bám: bộ máy cồng kềnh, biên chế lớn, tham nhũng không giảm mà lại gia tăng, muốn thực hiện CSTL nhưng không biết lấy tiền ở đâu?

Đọc thêm