Chịu đựng hậu quả dự án “treo” của Tập đoàn Nam Cường đến bao giờ?

(PLO) - Như PLVN đã thông tin, sau khi có Quyết định số 3451/QĐ-UBND ngày 4/8/2006 của UBND TP Hà Nội về việc thu hồi 122.768m2 đất tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm giao cho Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Cường (nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường) thực hiện dự án khu đô thị mới Cổ Nhuế, nay đã hơn 10 năm nhân dân khu vực xóm 3B, tổ dân phố Hoàng 8, phường Cổ Nhuế 1 phải “chịu đựng” hậu quả khi dự án này hóa thành dự án “treo”.
Xóm “5 không” giữa lòng Hà Nội

Người dân cho rằng Nam Cường đã tắc trách không thực hiện đúng quyết định trong mục tiêu “giải quyết kịp thời nhu cầu về hạ tầng xã hội khu vực, tạo điều kiện và môi trường sống ổn định cho khu vực dân cư hiện có”. Xóm 3B vẫn chịu cảnh 5 không.

Không nước sạch: Ông Doãn Văn Ngọc, một người dân sống trong khu vực  bức xúc: “Sống giữa Thủ đô, là tổ dân phố thuộc phường, quận mà đăng ký thủ tục làm hệ thống nước sạch để sinh hoạt cũng không được. Cũng tại dự án “treo” mà thôi”.

Dù Nghị quyết 05/NQ-HĐND (kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm Hà Nội 2016 – 2020) ở tiêu chí 14 ghi rõ “Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch: Phấn đấu đạt 100%”, nhưng chúng tôi nhiều lần làm đơn gửi Chủ tịch phường xin tự được đầu tư đấu nối vào hệ thống nước sạch thành phố, chỉ nhận được trả lời “khu vực đang nằm trong vùng quy hoạch của Tập đoàn Nam Cường nên không được cấp thủ tục”. Để sống, để tồn tại, giảm dịch bệnh, nhiều hộ dân phải mắc nước “chui”.

Không hệ thống thoát nước thải: Trước đây hệ thống thoát nước thải toàn khu vực dân xóm 3B được thoát ra kênh Cổ Nhuế, nhưng khi có dự án lại bị chặn lại. Chủ đầu tư bị cho là chỉ lo hệ thống thoát nước trong và ngoài khu nhà ở họ xây dựng. Còn lại xóm 3B là “dân treo” nên không được để ý. 

Bất cứ dự án khu đô thị mới nào đều có khảo sát nghiên cứu, lập phương án thoát nước bẩn, biện pháp cải tạo, đấu nối với hệ thống hiện có. Nam Cường bị cho là không tôn trọng dân, đã lấp và gây nên cảnh ngập bẩn. Chưa nói đến khu đất bỏ hoang lâu nay giao cho đơn vị này để cỏ mọc, bùn bẩn, bãi chứa phế thải, thành bãi rác ở ngay giữa khu dân cư. Toàn bộ nước thải bẩn không có chỗ thoát, chảy tràn ra đường ngõ ngách khi mưa, lụt.

Không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Các gia đình phản ánh đã sống ở đây nhiều đời, khi chưa lên quận thì gọi là xóm 3B thuộc xã Cổ Nhuế. Từ năm 2013 được lên quận Bắc Từ Liêm, các phường khác ngay lập tức được đánh số nhà, tên đường, tên ngõ, tên ngách rất thuận tiện trong giao dịch.

Nhưng trớ trêu là xóm 3B Tổ dân phố Hoàng 8 thì đường, ngõ, ngách không được đặt tên, nhà không được đánh số. Khi kiến nghị với cấp chính quyền thì được trả lời “đang nằm trong khu đô thị Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường”. Người dân cho rằng bị tước bỏ các quyền lợi như làm sổ đỏ, thừa kế tài sản, phân chia đất ở, nhà ở theo di chúc. Không làm được “sổ đỏ” nên các hộ không được vay vốn ngân hàng, các giao dịch dân sự.  

Không đường – điện: Ông Trần Duy Mạnh phản ánh người dân lội trong nước bẩn có khi ngập cao 0,5 - 1m mỗi khi mưa, mặt đường có chỗ nhão như mặt ruộng.

Một số người dân đi lại quá vất vả nên đã gom góp tự đóng góp, cải tạo được đoạn đường dài gần 400m, đổ bê tông rộng 2,5 - 4m chiều dày 5 – 7cm để đi lại tạm thời. Còn đoạn đường từ đường Phạm Văn Đồng đến nhà ông Chu Ngọc Thanh thì dân đuối sức nên phải đi đường đất, thua cả vùng sâu miền núi xa xôi. 

Vậy nguồn điện để sinh hoạt thì lấy ở đâu? Bà Chu Thị Sâm cho biết: “Tự phát, dân tự bỏ tiền mua cột, dây điện, các vật tư đi kèm để thuê mắc dịch vụ. Khổ lắm, có quyền lợi gì đâu. Đã không được Nhà nước hỗ trợ đầu tư, mà nếu có cháy nổ thì dân còn bị quy là phạm luật”.

Không được cơi nới, sửa chữa, xây mới nhà: Ông Chu Văn Nhị phản ánh nhà ở xóm 3B đa phần là xuống cấp, nhưng việc sửa chữa cơi nới cho đỡ dột khi mưa cũng không được phép. 

Nhà ông Doãn Văn Ngọc là một ví dụ. Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ được xây từ năm 1984 nay đã xuống cấp, rạn nứt không đảm bảo tính mạng. Căn nhà này từng xảy ra chuyện gãy luồng sập mái ngói xuống cạnh giường mẹ ông. Cụ già 90 tuổi suýt chết trong đêm mưa, buộc gia đình phải chuyển cụ vào góc tường trú ẩn. Ngôi nhà dột nát trông như lều chợ.

“Tổ trưởng dân phố đã đến khảo sát, ái ngại khuyên gia đình nên làm đơn lên phường Cổ Nhuế 1 xin làm lại nhà. Gia đình đã làm đơn nhưng vẫn bị từ chối vì vướng “quy hoạch treo”, người đàn ông có mẹ già, vợ bị mổ tới 7 lần, các con đã lập gia đình đều ở chung một nhà… cho hay. Các gia đình ông Chu Văn Nhị, Nguyễn Văn Mạnh và nhiều nhà khác cũng chung tình cảnh.

Được biết, các hộ dân tại đây chấp hành tốt các chủ trương của địa phương và được công nhận nhiều danh hiệu, tuy nhiên vẫn phải khốn khổ sống trong cảnh “5 không” như trên. Nguyện vọng của người địa phương là đề nghị chính quyền các cấp làm rõ các dấu hiệu sai phạm về quy hoạch của Tập đoàn Nam Cường, và ai là người có trách nhiệm đã “treo” dân 10 năm trong tình cảnh “5 không” như nêu trên? 

Đọc thêm