Dự án “treo” hàng chục năm vì chuyện bồi thường không thỏa đáng

(PLO) -“Hơn mười năm rồi, kể từ khi dự án ra đời, đất bị “khoanh” bởi quy hoạch treo, không được xây dựng trên đất của mình, người dân chúng tôi lúc nào cũng thấp thỏm không yên.
Những người dân trong khu vực dự án trình bày sự việc với XLPL
Những người dân trong khu vực dự án trình bày sự việc với XLPL

"Con cái lớn lên, lấy vợ lấy chồng, nhưng chẳng thể cắt đất xây nhà ra riêng, phải chen chúc sống chật chội trong một nhà, khổ cực không tả hết. Rồi mấy năm gần đây, “đối mặt” với giá đền bù thấp và “mù mờ” thông tin về đất tái định cư (TĐC), chúng tôi cứ như ngồi trên đống lửa, ăn không ngon, ngủ không yên, lúc nào cũng lo lắng”. Đó là tâm sự của ông Nguyễn Văn Đảng cũng như nhiều người khác trong vùng “dính” quy hoạch.

Giá đền bù “nay đây mai đó”

Hơn 30 hộ dân xã Thủy Vân (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế) gửi đơn đến tòa soạn XLPL phản ánh họ là những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường nối từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Thủy Dương, bị thu hồi đất. 

Mặc dù chấp hành chủ trương của nhà nước, tuy nhiên họ không đồng ý với giá đền bù, giao đất TĐC. Từ tháng 6/2014, hơn 30 hộ dân này liên tục có đơn gửi đến UBND các cấp, HĐND thị xã Hương Thủy và Trung tâm phát triển quỹ đất của thị xã, đề nghị giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, nhưng cho đến nay, vẫn chưa được cơ quan nào trả lời.

Theo những cao niên trong vùng như ông Lê Bá Nương, ông Huỳnh Văn Quả, ông Phan Ngựa và nhiều hộ dân bị ảnh hưởng khác phản ánh, giá đất bồi thường bất cập như sau:

Đầu tiên giá đền bù ở vị trí 1 được “áp” giá 780.000đ/m2. Sau đó, cũng vị trí như trên, giá lại giảm xuống còn 680.000đ/m2. Nhưng hiện nay, cũng là đất thuộc vị trí 1, nhưng một số hộ dân lại được áp giá 1.900.000đ/m2. 

Nhiều hộ dân tỏ ra bức xúc, khi đất trên có giá thị trường từ 4.000.000 – 5.000.000đ/m2, nhưng nhà nước lại bồi thường với giá quá thấp, gây thiệt hại cho người dân. Chưa kể cùng một loại đất, nhưng áp giá đền bù “nay đây mai đó”, dẫn đến việc mất công bằng.

“Lúc nhà nước ra chính sách, đều nói rõ ràng, giá đền bù phải theo giá trị thực của thị trường. Nhưng đất của chúng tôi giá trên trời, mà chính quyền áp giá đền bù còn chưa đến một nửa, khiến người dân chúng tôi bị thiệt thòi quá”, ông Lê Bá Nương bày tỏ.

Ngoài giá đền bù đất, việc cấp đất tái định cư cũng khiến người dân bất an lo lắng, vì họ không được thông tin cụ thể. Ngày trước, nhà nước chưa có hạn mức về đất ở, do đó nhiều hộ dân có diện tích đất ở rất lớn.

Có người 700 - 800 m2 đất ở, người nhiều lên đến cả 1.000 m2, được thể hiện rõ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy nhưng, nhiều người dân lo lắng, bởi thông tin họ “nắm” được, đất TĐC mỗi lô chỉ từ 100 - 120m2.

Các hộ dân càng thêm mất ăn mất ngủ, vì cho đến thời điểm hiện tại, họ vẫn hoàn toàn mù mịt, không có thông tin gì về chính sách cấp đất TĐC trong dự án này. 

Các hộ dân dính quy hoạch, điều có chung nỗi niềm, không biết sau khi bị thu hồi hết đất ở, mình sẽ được cấp bao nhiêu lô TĐC. Trong khi đất ở của các hộ bị thu hồi rất lớn, có người lên đến 700-800 m2, mà mỗi lô TĐC thì diện tích lại quá nhỏ.

Người dân sợ mình bị thiệt, nếu được cấp diện tích đất TĐC không tương đương với diện tích họ đã bị thu hồi.“Tui nghĩ, nếu đền bù đất cho dân với giá thấp, thì bù lại chính quyền cũng cấp đất TĐC với giá thấp cho dân.

Tuy nhiên, nếu dân tụi tui bị thu hồi diện tích đất lớn mà chỉ được cấp lại 1 lô đất TĐC, hoặc diện tích thu hồi - cấp TĐC “vênh” quá nhiều, thì người thiệt thòi vẫn chỉ là người dân”, ông Huỳnh Văn Quả trình bày.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Đảng, bị thu hồi 1.118 m2 đất. Ba người con của ông lập gia đình, đều tách hộ riêng. Ba hộ phụ này mỗi hộ đều có 4 người. Do nhà nhỏ, chật chội, không thể chen chúc ở chung, nên ông Đảng cắt đất cho con dựng tạm nhà để ở.

Giờ ông chỉ được cấp 2 lô tái định cư, 4 hộ gia đình với mười mấy nhân khẩu không thể ở chen chúc được. Ông Đảng mong muốn, gia đình của ba người con của ông, cũng là 3 hộ phụ trong nhà, được cấp đất TĐC để ổn định cuộc sống.

“Mỗi lần đi họp là mỗi lần bạc thêm tóc”

Ông Lê Bá Nương bày tỏ nỗi niềm, đất của ông cùng nhiều người khác nằm trong quy hoạch “treo” hơn 10 năm.

Do đó, dù có “sổ đỏ” với diện tích đất ở rất lớn, nhưng khi con cái lấy vợ lấy chồng, cha mẹ muốn cho con đất làm nhà ở riêng cũng không được cấp phép xây dựng. Có nhà phải tách cái bếp ra để con cái sử dụng làm nơi ăn ở, hoặc phải chen chúc ở chật chội trong một ngôi nhà. 

Bây giờ đất bị thu hồi, ông Nương lo lắng gia đình mình đông nhân khẩu, còn những gia đình khác con cái đã tách hộ nhưng vẫn ở chung trong nhà, nếu chỉ được xem xét cấp 1 lô TĐC, thì không biết phải ở ra sao. “Tui thân già rồi, đã 80 tuổi. Tóc trên đầu đã bạc trắng, vì chuyện đất đai mà ăn không ngon, ngủ không yên”, ông Nương thở dài.

Còn ông Phan Ngựa chia sẻ: “Dự án “đóng cọc” mười mấy năm, nhà có sổ đỏ hẳn hoi mà không sửa sang chi được. Đất mất nhiều quá, mà tiền đền bù thì ít, mỗi lần tui đi họp về là mỗi lần bạc thêm tóc”.

Người dân cho biết, cũng có số ít hộ đã đồng ý nhận bồi thường và nhận đất TĐC. Những hộ này có diện tích đất ở chưa đến 100m2, do đó rất thuận tiện khi họ nhận 1 lô TĐC diện tích lớn hơn (100-120m2).

Còn hầu hết những người bị ảnh hưởng bởi dự án ai cũng lo lắng về thiệt hại mà họ phải chịu khi cơ quan chức năng áp giá đền bù về đất, tài sản trên đất (như nêu trên) và không được cấp đất TĐC thỏa đáng. 

“Có an cư mới lạc nghiệp. Nhưng bao nhiêu năm qua, cuộc sống của chúng tôi cứ căng như dây đàn, lúc nào tâm trạng cũng thắc thỏm như đi trên dây. Chỉ mong cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng, để chúng tôi ổn định cuộc sống”, một người dân tâm tư.

Cơ quan chức năng nói gì?

Theo thông tin của Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Hương Thủy và Phó Giám đốc trung tâm cho biết, về giá bồi thường: Khi thực hiện năm 2013, giá đất áp dụng quyết định 40 ngày 21/12/2013 của UBND tỉnh về giá các loại đất năm 2013 trên địa bàn tỉnh với giá bồi thường đất ở là 780.000đ/m2 (khu vực kéo sau từ TP Huế đến 500m). 

Đến nay, thực hiện theo Luật Đất đai năm 2013, giá đất được áp dụng quyết định số 75 ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh ban hành giá đất bảng giá đất trên địa bàn tỉnh áp dụng trong thời gian 5 năm (2015-2019), thì đối với các hộ thuộc tuyến đường liên xã có giá 1.900.000đ/m2 nhân với hệ số 1.3 là 2.496.000đ/m2.

Các hộ thuộc vị trí 1, khu vực 1 thôn Xuân Hòa là 680.000đ/m2 nhân với hệ số 1.3 là 884.000đ/m2 (trước đây giá 780.000đ/m2 không nhân hệ số). Ngoài ra có thêm hệ số điều chỉnh giá đất 1.3. 

Về diện tích cấp đất TĐC: Ban đầu khu đất dự kiến bố trí TĐC tại Khu TĐC Thủy Vân 2, thôn Dạ Lê, xã Thủy Vân (diện tích bố trí từ 200m2 đến 300m2). Sau khi họp thông báo chủ trương thu hồi đất, các hộ dân cho rằng họ sinh sống tại thôn Xuân Hòa từ lâu đời nên không đồng ý bố trí TĐC tại thôn Dạ Lê.

Chủ đầu tư đã xin ý kiến UBND tỉnh xây dựng khu TĐC TDD1, thôn Xuân Hòa (diện tích lô từ 120 đến 200m2). Trung tâm Phát triển quỹ đất đã tổ chức xét và bốc thăm bố trí TĐC đợt 1 cho 19 hộ và có 8 hộ đã nhận đất TĐC. Số hộ còn lại liên quan đến các hộ phụ được xem xét bố trí TĐC đợt 2. 

Trung tâm đang lập phương án TĐC đợt 2 để trình phê duyệt. Theo quy định, hộ có 2 lần hạn mức đất ở (bị thu hồi) được xem xét cấp thêm lô. Tùy theo tình hình thực tế, hộ bị thu hồi 400m2 trở lên được ghép lô (gần 300m2).

Các hộ phụ làm nhà trên đất cha mẹ, theo quy định cứ hai hộ phụ được cấp 1 lô TĐC. Do xã Thủy Vân có quy hoạch, không được phép tách thửa, con cái sinh sống trên đất cha mẹ. Hộ nào có con đã lấy vợ (chồng) có nhà ở riêng sẽ được xem xét TĐC.

Theo thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất cho biết, Trung tâm này đã tổ chức chi trả tiền nhưng chỉ có 13 hộ nhận với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Số hộ còn lại chưa nhận tiền với lý do chưa có đất TĐC, diện tích bố trí TĐC nhỏ, giá bồi thường thấp).

Trở lại với những người trong khu vực quy hoạch, người dân bày tỏ ý kiến đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền xem xét thực hiện chính sách bồi thường, bố trí TĐC cho các hộ dân thỏa đáng, đảm bảo cho bà con yên tâm ổn định cuộc sống.

Ông Lê Bá Nương bày tỏ nỗi niềm, đất của ông cùng nhiều người khác nằm trong quy hoạch “treo” hơn 10 năm. Do đó, dù có “sổ đỏ” với diện tích đất ở rất lớn, nhưng khi con cái lấy vợ lấy chồng, cha mẹ muốn cho con đất làm nhà ở riêng cũng không được cấp phép xây dựng.

Có nhà phải tách cái bếp ra để con cái sử dụng làm nơi ăn ở, hoặc phải chen chúc ở chật chội trong một ngôi nhà. 

Bây giờ đất bị thu hồi, ông Nương lo lắng gia đình mình đông nhân khẩu, còn những gia đình khác con cái đã tách hộ nhưng vẫn ở chung trong nhà, nếu chỉ được xem xét cấp 1 lô TĐC, thì không biết phải ở ra sao.

“Tui thân già rồi, đã 80 tuổi. Tóc trên đầu đã bạc trắng, vì chuyện đất đai mà ăn không ngon, ngủ không yên”, ông Nương thở dài.

Đọc thêm