Cho cháu đứng tên để chứng minh tài sản, ai ngờ mất đất

(PLVN) - Bà Nguyễn Ngọc Điệp (66 tuổi, ngụ phường 5, TP Cà Mau, Cà Mau) bức xúc gửi đơn đến Báo Pháp luật Việt Nam, phản ánh việc ông Nguyễn Văn Vui (cháu ruột bà Điệp, đã mất) và vợ là Trịnh Thị Chanh (61 tuổi, ngụ huyện Cái Nước) đã tự ý chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu.
Cho cháu đứng tên để chứng minh tài sản, ai ngờ mất đất
 

Cho cháu mượn đất để chứng minh tài sản

Theo trình bày của bà Điệp, trước đây, cha mẹ bà có khai phá một phần đất với diện tích hơn 1,7ha (tọa lạc tại ấp Tân Hòa, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, Cà Mau) để làm ăn, sinh sống. Đến năm 1961, cha bà Điệp mất, không để lại di chúc, nên mẹ bà quyết định cho chị gái bà là Nguyễn Thị Lợi – người trực tiếp gánh vác các công việc gia đình đứng tên giấy chứng nhận QSDĐ.

Thửa đất hương hỏa trước đây đứng tên bà Lợi
Thửa đất hương hỏa trước đây đứng tên bà Lợi

Bà Điệp cho biết:“Năm 1990 tôi sang Úc định cư, đến năm 1991 chị tôi là Nguyễn Thị Tốt cũng sang định cư. Năm 1994, mẹ tôi và các chị em trong gia đình bàn bạc, thống nhất giao toàn bộ phần đất ở quê cho chị Lợi đứng tên. Đến năm 2003 má tôi mất, chị em chúng tôi thống nhất để chị Lợi tiếp tục là người đứng tên QSDĐ và dành toàn bộ diện tích đất đó dùng vào việc hương quả, cúng viếng cho cha, mẹ và ông bà, do chị Lợi trực tiếp thờ tự và sản xuất trên phần đất đó”. 

Theo bà Điệp, sự việc phát sinh khi bà đứng ra bảo lãnh cho người cháu ruột là ông Nguyễn Văn Vui đi nước ngoài. Lúc làm hồ sơ, thủ tục, do hoàn cảnh của ông Nguyễn Văn Vui và Trịnh Thị Chanh ít đất, tài sản không đủ điều kiện để bảo lãnh; trong khi đó, bà Chanh lại có nguyện vọng cho chồng đi trước nên đầu năm 2004, bà Lợi có bàn với chị em trong gia đình thống nhất cho bà Chanh và ông Vui mượn giấy chứng nhận QSDĐ để bà Chanh chứng minh có tài sản đủ điều kiện để lập thủ tục cho bà Điệp bảo lãnh cho ông Vui đi nước ngoài.

Theo hồ sơ của bà Điệp cung cấp, khi mượn giấy chứng nhận QSDĐ của bà Lợi, lợi dụng sự tín nhiệm, tin tưởng của chị em bà Điệp, nên ông Vui và bà Chanh đã tự làm giấy cho đất và giả chữ ký của bà Lợi, nhằm qua mặt cơ quan chức năng để chuyển QSDĐ từ Nguyễn Thị Lợi sang Nguyễn Văn Vui và Trịnh Thị Chanh. 

Sau đó, họ giấu bà Lợi mang giấy tờ đất đã chuyển tên đem thế chấp ở ngân hàng. “Vì quá tin tưởng tên gia đình tôi đã bị 2 cháu Vui, Chanh lừa. Đến năm 2012 thì Vui qua đời, tôi mới hay là sổ đỏ đã được 2 cháu cầm ở ngân hàng, nên đã đưa tiền cho Chanh chuộc lại sổ đỏ đã thế chấp trước đó. Lúc này, gia đình tôi mới vỡ lẽ, giấy chứng nhận QSDĐ vốn của chị Lợi, thì nay đã được chuyển sang cho Vui và Chanh. Trong khi đó, việc chuyển quyền không có sự đồng ý của chị Lợi và các chị em của tôi. Việc tự ý chuyển QSDĐ như vậy là trái với quy định của pháp luật, làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình tôi”, bà Điệp bức xúc.

Các nguyên đơn cho rằng phía bị đơn đã gian dối để làm thủ tục sang tên sổ đỏ trái pháp luật
Các nguyên đơn cho rằng phía bị đơn đã gian dối để làm thủ tục sang tên sổ đỏ trái pháp luật

Vì quá uất ức trước sự việc như vậy, nên bà Lợi đã lâm bệnh và qua đời. Khi còn sống, bà Lợi có làm đơn gửi cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết. Đồng thời lập di chúc và ủy quyền lại cho bà Điệp là người trực tiếp gửi đơn yêu cầu đến cơ quan chức năng, để đòi lại phần đất hương quả của gia đình, nhưng đến nay các cuộc hòa giải đều không thành, nên bà Điệp đã khởi kiện ra tòa.

Có dấu hiệu gian dối khi sang tên sổ đỏ

Luật sư Trần Hoàng Phương, Đoàn Luật sự tỉnh Cà Mau – người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà Điệp, cho biết: “Qua các lần hòa giải thì bà Chanh cho rằng đây là phần đất của bà mua lại từ bà Lợi. Khi chúng tôi trình ra giấy tờ liên quan thì bà Chanh nói là được tặng, cho. Nhưng khi bà Lợi còn sống, thì bà Lợi cũng khẳng định các chữ ký trong giấy cho đất không phải do bà ký”.

Luật sư Phương cho rằng, nguồn gốc đất là của cha mẹ bà Lợi để lại, là đất hương hoả, nên theo quy định của Bộ luật Dân sự, một khi bà Lợi muốn cho ông Vui, bà Chanh thì phải có sự đồng ý của các đồng thừa kế (là chị em của bà Lợi, bà Điệp). “Qua xem xét, các giấy tờ có liên quan trong việc cấp QSDĐ, từ bà Lợi sang bà Chanh và ông Vui, thì không có bất cứ sự thống nhất nào của chị em bà Lợi. Tôi cho rằng, trường hợp này là không đúng quy định của pháp luật”, Luật sư Phương khẳng định.

Đọc thêm