Bỏ tiền tỷ để xây chợ hoang
Năm 2002, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định xây dựng một khu chợ du lịch – văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu mua bán, khách tham quan khu di tích lịch sử Cổ Loa. Chợ du lịch – văn hóa Cổ Loa được xây dựng với số vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng, trên nền đất của chợ Sa truyền thống cũ với kết cấu hai tầng khang trang, sạch đẹp.
Năm 2005 chợ chính thức được đưa vào sử dụng, chính quyền xã Cổ Loa đã từng nhiều lần kêu gọi người dân tham gia đấu thầu nhưng bà con nơi đây vẫn không hề mặn mà. Theo phản ánh từ các tiểu thương trong khu vực, sở dĩ chợ “ế” như hiện tại chủ yếu xuất phát từ việc giá cả và địa điểm thuê chợ không hợp lý, công năng của chợ không phù hợp với thực tế kinh doanh.
Sau 10 năm xây dựng hoàn thành, hiện tại khu chợ vẫn đang bị bỏ hoang, các công trình bên trong xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống cửa gỗ đã bị phá khóa cùng hơn 2/3 số kính ở đây đã bị vỡ, hư hỏng hoàn toàn. Hàng chục hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy được bố trí dọc các lối hành lang cũng bị kẻ xấu lấy cắp. Đặc biệt, khu vệ sinh của chợ được xây dựng thoáng mát, sạch sẽ cũng bị xuống cấp thảm hại. Hệ thống ống nước bị hư hỏng nặng, cửa gỗ bị mối mọt tấn công, mạng nhện giăng kín. Khi được tận mắt chứng kiến khu nhà vệ sinh này, ít ai có thể nghĩ đây là những hình ảnh tại một khu chợ du lịch – văn hóa.
Chưa hết, do bị bỏ hoang hóa, thiếu duy tu, bảo dưỡng nên từng mảng trần nhựa của chợ rụng dần, lộ ra cốt bê tông, sắt thép, dây điện. Hệ thống cửa sắt hoen gỉ, sân chợ cỏ mọc um tùm, rác sinh hoạt ngập khắp lối đi. Chứng kiến cảnh chợ “đắp chiếu”, nhiều cá nhân đã tự ý “tận dụng” góc sân thành nơi đỗ ô tô, phơi quần áo.
Chứng kiến “đống của” nằm hoang lạnh, phơi sương dãi nắng, ông Lê Đăng Vệ (Trưởng thôn Phố Chợ, xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) bức xúc: “Suốt 10 năm qua khu chợ chưa một lần được sử dụng trong khi người dân xã Cổ Loa lại đang rất cần một địa điểm rộng rãi, sạch sẽ để họp chợ, sinh hoạt cộng đồng. Hiện tại, người dân phải họp chợ tại khu chợ tạm, thậm chí nhiều hộ kinh doanh họp cả ngay trên vỉa hè trong khi chợ đẹp thì bỏ hoang, chưa được khai thác đúng mục đích, nhìn mà xót ruột”.
Dư luận bỏ chợ vì bức xúc trước nhiều sai phạm
Ngược quá khứ, được biết khi ngôi chợ Sa cũ được dùng để xây dựng khu chợ du lịch – văn hóa, những hộ kinh doanh tại chợ không có nơi để buôn bán vì hàng hóa không phù hợp với ngôi chợ văn hóa. Chính quyền huyện Đông Anh quyết định đầu tư xây dựng một ngôi chợ Sa mới, cách địa điểm cũ gần 300m làm nơi hội họp cho người dân.
Sau khi việc xây dựng hoàn thành, chính quyền tổ chức đấu thầu, chọn Ban quản lý chợ. Năm 2012, Công ty TNHH Đầu tư, phát triển dịch vụ, thương mại An Phát được quyết định quản lý, kinh doanh khu chợ với thời hạn 20 năm. Tuy nhiên, từ khi tiếp nhận quản lý chợ đến nay, Công ty An Phát đã tự ý thay đổi thiết kế, cơ sở hạ tầng của chợ gây nhiều bức xúc cho người dân.
Ngoài ra, dư luận địa phương cũng tỏ ra vô cùng bức xúc trước các khoản phí thu của đơn vị quản lý này. Theo nhiều người dân, mức thu phí chợ của Công ty An Phát quá cao, gấp 3, 4 lần so với mức phí Ủy ban nhân dân xã Cổ Loa ban hành và không hề được niêm yết công khai.
Bên cạnh đó, tất cả các khoản thu đều mập mờ, không có hóa đơn, biên lai theo đúng quy định. Có những khoản thu mà theo người dân là hết sức vô lý, đã không ít lần xảy ra trường hợp xô xát giữa phía công ty với bà con kinh doanh tại chợ.
Một chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại chợ ngán ngẩm: “Trước đây, không ít lần các cụ già đem vài thứ nông sản thu hoạch theo mùa vụ ra chợ bán, không nộp phí và bị rơi vào tình trạng bị đánh, xô đẩy, nhìn cảnh đó tội lắm. Giờ thì việc đó cũng đỡ hơn được chút ít. Chúng tôi đều biết đang tồn tại việc làm trái quy định nhưng có kêu chính quyền thì cũng chỉ đến vậy”.
Trước một công trình tiền tỷ, suốt hơn 10 năm vẫn chưa được sử dụng, ngày càng xuống cấp, nhếch nhác gây lãng phí và bức xúc trong dư luận đòi hỏi chính quyền địa phương cần có những biện pháp kiểm tra thiết thực. Hay nói cách khác, dư luận đang chờ chính quyền làm rõ việc có hay không những sai phạm kinh doanh tại chợ cùng những giải pháp, kế hoạch cụ thể để chợ du lịch – văn hóa được sử dụng hợp lý, hiệu quả, tránh việc “đắp chiếu” như hiện tại./.