"Chỗ nào cũng như chỗ nào"
Chợ Gò Tà Mâu chẳng xa lạ gì với người dân ĐBSCL và các thương buôn TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là những tay chuyên săn hàng hiệu, đồ cổ. Nơi đây tập trung các mặt hàng “sencond hand” đồ “xịn” của các nước: Mỹ, Nhật, Đài Loan, Đức…và thu hút nhiều người ở các nơi tìm đến. Nhiều người đã lặn lội đến đây đề mua đồ về sử dụng hoặc “mua đi bán lại”.
Từ cầu Vĩnh Ngươn chạy lên một đoạn đến ngã ba, rẽ trái đi thêm 1km nữa thì mọi người không khỏi ngạc nhiên khi hai bên đường dựng đầy các bảng hiệu “Giữ xe, qua đò” hay “Giữ xe, qua gò”. Các bảng hiệu đặt san sát nhau, hầu như nhà nào cũng có, nhà nào cũng nhận giữ xe cho khách qua gò. Điểm lạ là ở đây giữ xe không có bất gì giấy tờ gì mà chỉ cần để xe ở đó thì chủ nhà sẽ gọi “xe ôm” đến chở qua gò.
Con đường đất đầy sỏi đá đi qua chợ Gò |
Ngồi trên chiếc “xế Tàu” cà tàng, chị chạy xe ôm tên T. chở tôi qua một con đường nhỏ băng ngang ruộng với đất đá lỏm chỏm. “Mùa này còn đi xe được, chứ mấy mùa nước muốn qua đây phải đi đò”, chị T. nói, đồng thời cũng không quên dặn tôi: “Qua bên đó đừng quay phim, chụp hình, người ta ghét lắm”. Chỉ tay về 2 tòa nhà cao đang xây dựng trước mặt, chị T. nói: “Bên đó là Campuchia rồi đó. Hai cái nhà lớn đó là khu chợ mới và Casino”
Từ bên mình nhìn qua nước bạn rõ mồn một. “Đúng là ở biên giới sướng thiệt. Muốn đi nước ngoài lúc nào là đi à”, tôi nghĩ thầm. Qua lời chị T, tôi mới hiểu, người ta không phải qua đây chủ yếu mua đồ hiệu mà phần nhiều là vào Casino.
Chạy đến chốt gác của biên phòng, chị T. kêu tôi xuống xe và đi bộ qua bên kia nước bạn. Một chuyên khiến tôi khó hiểu là tại chốt gác có dòng chữ “Yêu cầu xuất trình giấy tờ” để được đi qua nhưng tôi lại không phải xuất trình bất kỳ giấy tờ nào cả. Đứng nhìn một chốc, bổng thấy một chiếc xe ôm chở 2 anh thanh niên qua trạm nhưng lại bị chặn lại và yêu cầu xuất trình CMND. Thế là 2 anh đó bị giữ giấy tờ lại khi nào “về nước” mới trả lại. Thấy tôi thắc mắc chị T giải thích: “Ở đây là vậy đó em ơi, thích thì yêu cầu xuất trình, không thì thôi mà thông thường chở 1 người qua ít bị lắm, chở 2 người qua mới bị”.
Chở tôi vào một cái nhà lồng chợ, chị T. chỉ tay về bên trái nói: “Bên đây là chợ cũ, còn đi chợ mới thì qua bên đây”, chị chỉ tay về bên phải. Thì ra, hiện nay chợ Gò đã được phân ra khu chợ cũ và khu chợ mới. Chợ mới nằm trong nhà lồng có lô, sạp hẳn hoi. Còn chợ cũ chủ yếu là bán theo hình thức “tự phát” trước đây. Người ta bày bán ngay ở nhà. Dưới sàn và trên nhà đều chật ních hàng hóa.
Các mặt hàng được bày bán tại các nhà sàn ở khu chợ cũ |
Tôi rẽ trái đi qua khu chợ cũ. Đó là một dãy mấy chục căn nhà sàn nằm san sát nhau, nhà nào cũng bày bán. Ở đây hầu như mặt hàng gia dụng, điện tử, điện lạnh nào cũng có. Từ xe máy, tủ lạnh, ti vi, laptop cho đến bàn chải, kem đánh răng và các đồ lặt vặt, linh tinh đều có. Do nơi đây tập trung đồ cũ, hàng hiệu, các món cổ vật từ nhiều nước đổ về nên nhiều người chơi đồ cổ thường mang tâm lý “vạch lá tìm sâu” với hy vọng săn được những món đồ hiệu giá rẻ
Lúc đầu vào chợ coi một vài sạp đầu tiên còn thấy là lạ, hay hay nhưng đi được 3 – 4 chỗ thì thấy “chỗ nào cũng như chỗ nào”, hàng hóa cũng như nhau. Điều khiến chúng tôi khá thất vọng là đồ đạc ở đây không phải là hàng hiệu nhập lậu, trốn thuế hay hàng qua tay được sơn sửa “tân trang” như mới mà các hàng hóa được bày bán tạp nhạp như ve chai, sắt vụn.
Mua hàng theo kiểu may rủi
Chúng tôi đến một cửa hàng xe máy. Dưới ngôi nhà sàn cao khoảng 3m bày la liệt các loại xe máy cũ mới. Có những chiếc mất hút mấy chục năm nay không ai chạy cũng được tìm thấy ở đâu. Có những chiếc đã có sẵn biển số Việt Nam mà nếu khách mua thì “chắc chắn là không có giấy tờ rồi anh”, người bán hàng nói.
Người mua hàng lựa mua “hàng hiệu” như lựa ve chai, sắt vụn |
Trước khi chúng tôi qua, nghe nhiều người nói bên đây là chợ đồ cũ hàng hiệu, hàng "xịn" với giá rẻ “bèo” nhưng lượn mấy vòng chẳng thấy như họ nói. Hàng hóa thì bày bán như đồ bỏ, có những món “hết đát” vẫn được rao bán. Về giá cả thì khỏi phải bàn.
Người bán toàn “hét giá” trên trời. Nhìn thấy một máy phát điện ưng ý tôi hỏi giá thì được chị chủ hét giá tận 9 triệu đồng. Hỏi qua cái loa bluetooth lại được cho giá hơn 3 triệu đồng. Điều đặc biệt là người bán nói là hàng Nhật nhưng dòng chữ “Made in China” nổi rành rạnh. Đến một cửa hàng khác hỏi mua một đèn pin đội đầu, người bán hàng nói giá 250.000 đồng, trả giá qua lại chúng tôi đồng ý mua với giá 230.000 đồng. Tuy nhiên, khi gặp ông chủ để thanh toán thì chỉ tính giá 150.000 đồng.
Theo tìm hiểu của PV, ở đây hàng điện tử cũ được phân làm 2 loại. Loại "câm, điếc" tức là mua theo kiểu hên xui. Tuy giá rẻ những người mua không được thử máy. Loại thứ hai được găm điện thử máy ngay tại chỗ nhưng giá bán cao hơn gấp 2-3 lần. Vì vậy để mua được món hàng ưng ý không phải là chuyện dễ mà đòi hỏi là cả một nghệ thuật.
“Tại đây, đa số khách mua là những người biết xem hàng hoặc theo chân đầu nậu để kiếm hàng ngon. Không ai tay ngang mà dám bỏ số tiền lớn mua hàng vì rất dễ mua phải hàng rởm, hàng hỏng”, anh Quân - một tay săn hàng cừ khôi chia sẻ. Qua lời anh Quân, chúng tôi biết được, “chỉ ai quen biết hoặc dân đầu nậu thì mới mua được hàng giá rẻ bèo, chứ lạng quạng thì bị “chém” ngay”.
Nhiều mặt hàng được bày bán tại đây |
Một thương buôn ở TP Hồ Chí Minh cho hay, đồ ở Chợ Gò hiện nay không còn nhiều nữa, hàng hiệu hiếm lắm, hàng nào ngon đã về TP Hồ Chí Minh hết rồi.
“Tui với mấy ông bạn thường xuyên xuống đây săn hàng lắm. Anh em mỗi lần đi là gom về cả xe tải. Chủ yếu mua đi bán lại thôi. Mỗi món lời tầm 1 vài triệu là có ăn rồi”. Mua được món đồ ưng ý đã khó còn chuyển được về tới nước mình lại càng khó hơn. “Ai mà không biết mua đồ cồng kềnh mang qua là bị bắt và tịch thu ngay. Những người biết chuyện là bỏ thêm ít tiền cho xe ôm thì chớp mắt đồ đã về tới Châu Đốc”, một thương buôn chia sẻ. Đội ngũ Honda đầu, các bác tài sẵn sàng “đai” hàng bằng xe máy vượt đồng.
Mặc dù mua bán theo kiểu “quái dị” như vậy nhưng chợ Gò vẫn nườm nượp khách. Có những người đến vì tò mò, cũng có khách đến vì săn hàng để sử dụng hoặc bán.