Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, bà Nguyên hỏi, hộ kinh doanh của gia đình bà có thuộc đối tượng bắt buộc phải làm hồ sơ và lắp đặt các thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) không? Nếu có thì phải làm những thủ tục gì?
Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:
Căn cứ Phụ lục I Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, căn nhà trên không thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC nên không bắt buộc phải lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, bà Trần Thị Nguyên và người thuê nhà phải thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC theo Điều 9 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về PCCC đối với hộ gia đình.
Căn cứ Phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP quy định danh mục dự án, công trình do cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC thì căn nhà trên không thuộc danh mục công trình do cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Tuy nhiên, căn cứ Khoản 6 Điều 15 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, khi căn nhà trên được cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng phải thiết kế bảo đảm yêu cầu về PCCC theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC nhưng không bắt buộc phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Việc trang bị phương tiện PCCC căn cứ theo quy định của Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 3890:2009 Phương tiện PCCC cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng và các tiêu chuẩn khác có liên quan, căn nhà trên phải trang bị phương tiện PCCC, cụ thể như: Trang bị bình chữa cháy theo quy định tại mục 5.1, phương tiện chiếu sáng sự cố theo mục 10.1.4 TCVN 3890:2009…