Ngày ra tòa, Hùng đơn độc bởi không có một ai đến dự. Người vợ cũng từ chối tham dự phiên tòa sau nhiều lần được cơ quan chức năng mời đến. Vị luật sư bào chữa cho bị cáo xin vắng mặt, chỉ gửi đến tòa bản bào chữa ngắn.
Cả “thầy cúng” và “con bệnh” cùng “cắn thuốc lắc”
Bị cáo Lương Văn Hùng (24 tuổi, ngụ xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) được dẫn giải đến tòa với gương mặt lầm lì. Mái tóc húi cua lộ rõ những vết sẹo chi chít trên đầu. Đó là dấu vết để lại sau vụ bị cáo tự sát nhưng bất thành sau khi chém vợ con thương vong.
Trước khi xảy ra vụ án chấn động huyện miền núi Nghệ An, Hùng được anh rể cho 3 viên ma túy tổng hợp. Trong 1 tuần sử dụng, Hùng thấy trong người có cảm giác lạ.
Ban đêm không dám ngủ trong nhà vì Hùng nhìn thấy có nhiều con ma đuổi ra khỏi nhà nên đã bỏ ra rừng ngủ. Chứng kiến những dấu hiệu khác lạ ấy, chị Moong Thị Minh nghĩ chồng “bị con ma rừng bắt” nên quyết định mời “thầy cúng” đến “làm vía”.
Tối 7/3/2018, chị Minh mời ông Moong Phò Quang (ngụ cùng bản, là bố chồng cũ của mình) đến “làm vía” cho Lương Văn Hùng. Khi ông Quang đến nhà, người anh rể của Hùng có đưa cho Hùng và ông Quang mỗi người 1 viên thuốc lắc.
Hùng cắn nửa viên để sử dụng, nửa còn lại trả cho anh rể. Quá trình “làm vía”, ông Quang treo một sợi dây vào cổ Hùng và nói: “Sợi dây này rơi ở đâu thì mày chết ở đó”. Sau đó, “thầy cúng” dặn vợ chồng Hùng sáng hôm sau chuẩn bị xôi và lợn để làm vía rồi ra về.
Khi trong nhà chỉ còn người trong gia đình, giữa Hùng và vợ xảy ra cãi vã. Hùng mắng mỏ vợ về việc không chịu về nhà Hùng (ở xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn) chơi. Hùng cũng nghi ngờ việc chị Minh mời bố chồng cũ đến “làm vía” là “để cho ma nhập vào người” nhằm hãm hại mình. Bởi trước đó, anh ta không đồng ý việc chị Minh mời ông Quang đến cúng vía nhưng người vợ không nghe.
Vừa lớn tiếng nạt nộ vợ, Hùng tuyên bố “hôm nay cả hai sẽ cùng chết” rồi vác dao chém nhiều nhát vào đầu, cổ và tay của chị Minh. Bị chém trọng thương, người phụ nữ này cố tháo chạy ra giữa sân thì ngã quỵ xuống.
Thấy ồn ào, đám con của Hùng đang ngủ bật dậy la hét chạy ra ngoài. Riêng cháu gái hai tuổi (SN 2016, là con chung của Hùng và Minh) do còn nhỏ tuổi nên ngồi bật dậy khóc thì bị Hùng sát hại.
Về phần Hùng, sau khi chém vợ con đã tỉnh cơn ảo giác, nên tự chém vào đầu mình tự sát. Nghe tiếng la hét, gào khóc thất thanh, hàng xóm liền kéo đến thì chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng. Mọi người đã thuyết phục Hùng buông dao, đồng thời đưa chị Minh đi cấp cứu.
Bà con dân bản cũng chung tay tổ chức tang lễ cho đứa trẻ tội nghiệp. Người vợ sau thời gian điều trị tại bệnh viện đã giữ được mạng sống. Kết quả giám định cho thấy chị Moong Thị Minh bị tổn hại 21% sức khỏe.
Sau khi gây án, Lương Văn Hùng đến công an huyện Kỳ Sơn đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lương Văn Hùng bị cơ quan chức năng truy tố về tội Giết người.
Quá trình điều tra, thấy Hùng có nhiều biểu hiện không bình thường, cơ quan cảnh sát điều tra đã trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bị can này. Kết quả giám định của Viện pháp y tâm thần Trung ương cho thấy trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội cũng như tại thời điểm giám định, Lương Văn Hùng bị bệnh rối loạn phân liệt (phân loại mã bệnh F21); bị can hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Bản án lương tâm
Suốt quá trình đợi tòa ra làm việc, Hùng ngồi lặng lẽ, thi thoảng nén tiếng thở dài. Không một ai đến tham dự phiên tòa ngoài ông Lương Văn Vinh, Trưởng công an xã Keeng Đu, người được cơ quan chức năng mời đến.
“Bố mẹ của Hùng đi đâu không rõ, chúng tôi nhiều lần đến nhà đưa thông báo của tòa về việc đưa vụ án ra xét xử nhưng đều không gặp, cũng không liên hệ được. Còn chị Moong Thị Minh thì từ chối tham dự phiên tòa. Một phần vì đường sá cách trở, không có tiền đi lại, phần vì không muốn gặp lại chồng”, ông Vinh thông tin.
Theo lời vị trưởng công an xã, trước khi về chung một nhà với Hùng, chị Minh từng có một đời chồng với hai đứa con. Không lâu sau ngày chồng qua đời vì tai nạn giao thông, góa phụ ấy quyết đi bước nữa với người đàn ông xã bên.
Dù ít hơn vợ 5 tuổi, nhưng trước khi gây án Hùng cũng thể hiện là người chồng tốt khi cùng vợ chăm sóc 4 đứa con (trong đó có 2 con riêng của người chồng đã mất). Cuộc sống của họ không có mâu thuẫn gì đáng kể trước khi diễn ra vụ án mạng thương tâm.
Trong phiên xử lần trước, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa để tìm người giám hộ cho bị cáo bởi Lương Văn Hùng bị bệnh rối loạn phân liệt (phân loại mã bệnh F21), hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Tham dự phiên tòa lần này, ngoài vị Trưởng Công an xã Keng Đu, cũng là người phiên dịch cho phiên tòa này thì không có ai là người thân của bị cáo đến. Không thấy bóng dáng người thân đến tòa, gương mặt Hùng để lộ sự buồn bã.
Luật sư chỉ định bào chữa cho bị cáo cho rằng “có việc gấp, không thể đến tham dự phiên xét xử”. Thông qua thư ký phiên tòa, vị luật sư đã để lại bản bào chữa. Nội dung bài bào chữa cũng không có gì đặc biệt ngoài những tình tiết giảm nhẹ chung chung như “bị cáo phạm tội lần đầu, ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, đầu thú, nhận thức pháp luật hạn chế…”.
Tại tòa, Lương Văn Hùng thừa nhận hành vi như VKS truy tố. Bị cáo khai do bản thân sử dụng ma túy nên quá trình cãi nhau với vợ đã không làm chủ được bản thân. “Lúc đó, tôi ảo giác có một người áo trắng đuổi giết tôi nên vung dao chém, không ngờ đó là vợ con mình. Vậy nên lúc tỉnh lại, khi thấy nạn nhân là vợ con, tôi quyết định tự sát”, Hùng khai.
Tòa hỏi “bị cáo có thấy hành vi của mình là sai không?”. Hùng gật đầu trả lời “mọi chuyện đã rồi, giờ không làm được gì nữa”. Từ khi bị bắt đến nay, Hùng chưa lần nào được người thân xuống thăm nuôi.
Ngay cả ngày ra tòa, bị cáo bị truy tố về tội giết người cũng đơn độc một mình trong khán phòng rộng thênh thang. Có lẽ vì chưa thể tha thứ cho tội ác mà Hùng đã gây ra nên người vợ từ chối đến tham dự phiên tòa. Chị này cũng không đề nghị bị cáo phải đền bù về tiền bạc.
Bị cáo Lương Văn Hũng cũng từ chối nói lời nói sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án. Ngồi chờ HĐXX nghị án, Hùng từ chối nhiều câu hỏi của phóng viên, nhưng khi nghe nhắc đến vợ con, anh ta chùng lại, cúi đầu nhìn xuống đất. Một cán bộ Trại tạm giam công an tỉnh Nghệ An thông tin, trong quá trình bị tam giam để phục vụ công tác điều tra, xét xử, bị cáo Hùng nhiều lần khóc, bảo nhớ vợ con.
HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm. Bị cáo phạm tội có tính côn đồ là tình tiết tăng nặng, nhưng sau khi bị bắt giữ và suốt quá trình diễn ra phiên tòa Hùng đã ăn năn hối lỗi, thành khẩn khai báo đó là những tình tiết giảm nhẹ. Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lương Văn Hùng 20 năm tù.
Thuốc lắc là thế hệ thứ ba của á phiện, sau heroin. Dù là "hậu duệ" nhưng sự tàn phá tinh thần và sức khỏe của nó đối với người sử dụng ghê gớm hơn hai đàn anh rất nhiều.
Thuốc lắc là tên gọi của dân nghiện dành cho chất ma túy tổng hợp Ecstasy-xtc-mdma dẫn xuất từ Amphetamine. Trong y học, có giai đoạn Amphetamine được sử dụng điều trị bệnh hen, viêm xoang, trầm cảm.
Nhưng khi được dẫn xuất thành Ecstasy, nó bị pháp luật Việt Nam và các nước trên thế giới xếp vào loại ma túy độc hại nhất và nghiêm cấm sử dụng. Nhưng loại ma túy này vẫn lưu thông trên thị trường một cách bất hợp pháp dưới dạng viên, với các tên gọi Yinyang, Adam, Eva, Love, VW, Ice, Mọi da đỏ, Mè đen, Tên lửa, Thiên thần…
Sau khi uống, hít Ecstasy trong vòng 10 đến 20 phút thì thuốc tác động trực tiếp vào não bộ, gây kích thích thần kinh trung ương, tạo ảo giác ở người sử dụng trong nhiều giờ liền.
Ảo giác đó làm cho người uống thuốc lắc có trạng thái sung mãn, tự tin, nhiệt độ cơ thể tăng tạo cảm giác nóng bỏng, thích thực hiện những hành vi có cảm xúc mạnh, đặc biệt khi đi kèm với âm thanh có cường độ lớn.
Khi thuốc đã ngấm, con người bị kích động cuồng nhiệt và có những hành vi kỳ lạ như lắc lư quay cuồng, la hét, đập phá đồ đạc, cởi bỏ quần áo… Đặc biệt, khi say thuốc lắc, người ta thích hoạt động liên tục cùng tập thể nên dân chơi lắc thường kết thành hội để chơi chung với nhau.
Tác hại của Ecstasy đối với tinh thần, sức khỏe và tâm lý xuất hiện rất nhanh. Đối với người đã dùng ba ngày liên tục, đến ngày thứ tư nếu không có thuốc là đã bắt đầu có những triệu chứng: Suy sụp, chán chường, lo lắng, trầm cảm hoang tưởng, mất trí nhớ, mất phương hướng; lâu dần sẽ dẫn đến tâm thần.
Về thể chất, do cơ thể bị kích động mạnh, tiêu phí năng lượng và mất nhiều nước, thân nhiệt tăng, mất ngủ triền miên, biếng ăn... nên dẫn đến suy kiệt; trạng thái hưng phấn tạo ra từng cơn ảo giác, gây rối loạn nhịp tim dễ dẫn đến trụy tim mạch và đột tử. Về tâm lý, thuốc lắc kích thích hệ thần kinh trung ương nên thường xuyên tạo trạng thái kích động căng thẳng.
Lưu ý: Đặc tính tâm lý người nghiện thuốc lắc là khủng hoảng đi liền với sự suy sụp và hoang tưởng nên người nghiện dễ có những hành động liều lĩnh, bế tắc, và việc sử dụng thuốc lắc chính là sự chạy trốn nỗi khủng hoảng, suy sụp. Ảo giác do thuốc lắc tạo nên giúp người nghiện có được sự tự tin mà họ mong muốn.
Trong cơn vật vã thuốc lắc, người nghiện rất thụ động nhưng lại rất cần được sự cảm thông, trao đổi, chia sẻ của người thân, bạn bè và cộng đồng. Tuy nhiên người nghiện cũng thường hay tranh thủ tình cảm những người giúp đỡ mình để trấn an, thực hiện hành vi tái nghiện, hoặc đôi lúc đặt yêu sách. Do vậy, người thân cần có thái độ kiên quyết nhất định đồng thời với sự kiên nhẫn để giúp họ vượt qua khó khăn này.