Một trong các nội dung chỉ đạo rất đáng chú ý từ Tổng Bí thư đối với công tác nội chính là “phải phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng”.
Không ít lần, tại diễn đàn Quốc hội hoặc trên các diễn đàn công luận, nghiên cứu xã hội, hội thảo khoa học,... đã chỉ ra một thực trạng là có hiện tượng tham nhũng ngay trong các cơ quan được giao nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng và ở chính các cán bộ làm nhiệm vụ đó và đây là nguyên nhân trực tiếp, đáng kể làm cho tình hình tham nhũng trở nên “ổn định” và ngày càng có những thủ đoạn tinh vi hơn, quy mô lớn hơn, tạo ra những quan hệ chằng chịt, “rút dây động đến rừng” và không thể “rút dây”.
Về mặt đạo lý, tham nhũng từ những người chống tham nhũng là biểu tượng của thói đạo đức giả, nói không ai nghe và thủ tiêu các chuẩn mực đạo đức về nêu gương mẫu mực của đội ngũ cán bộ. Hệt như chuyện các cán bộ chính sách lại ăn chặn chế độ của người có công vậy, phản đạo lý lắm!
Người ta đã biết rõ kết quả thanh tra từ khi mới lập đoàn thanh tra ở trường hợp người đi thanh tra có biệt phủ lại đi thanh tra biệt phủ của người khác, “làm rõ” thế nào được trong trường hợp này? Có những ông làm chức Phó ban Nội chính Tỉnh ủy mà xây dinh thự trái phép trên đất nông nghiệp, không ai làm gì được ông cả, nhưng trường hợp này đã phá bỏ hoàn toàn các nỗ lực chống tham nhũng và yêu cầu người dân “sống theo pháp luật”. Nếu trong lòng các cơ quan tư pháp thực sự trong sạch, không tham nhũng thì làm gì có chuyện “chạy án”. Tương tự, việc “chạy ghế, chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế” được sinh ra từ trong “cơ chế”, “quy định”, “quy trình” của các cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ chứ còn ở đâu?
Một thực trạng khác, đã nêu ra từ lâu nhưng không có câu trả lời xác đáng: Anh giám sát người khác thì ai giám sát anh? Vì thế, việc “thả rông” quyền lực đã dẫn tới sự tha hóa mà đặc trưng của nó là lộng quyền hoặc được diễn tả trong thuật ngữ pháp lý là “lạm dụng” hoặc “lợi dụng” nhiệm vụ, quyền hạn để mà cố ý làm trái, nâng đỡ không trong sáng, thăng tiến thần tốc hoặc điển hình rất là “biến của công thành của ông”, coi dân như cỏ rác.
Tổng Bí thư đã chỉ đạo như vậy rất chính xác, điểm trúng huyệt và “thanh bảo kiếm” trừng trị nội bộ này được trao cho ngành Nội chính của Đảng. Hy vọng, các cơ quan phòng, chống tham nhũng không còn tham nhũng và trở nên trong sạch, chấm dứt tình trạng chống tham nhũng nhưng lại sợ tham nhũng vì “chống lại họ có khi chúng tôi lại chết trước” - như lời bộc bạch của một Cục trưởng Cục Chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ.