Chống thừa cân béo phì - Các nước khác làm gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên đồ uống có đường nhằm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì và cải thiện sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách này vẫn còn gây tranh cãi.
Việc áp dụng thuế TTĐB lên đồ uống có đường không phải là biện pháp hiệu quả trong giảm thiểu tỷ lệ thừa cân và béo phì.
Việc áp dụng thuế TTĐB lên đồ uống có đường không phải là biện pháp hiệu quả trong giảm thiểu tỷ lệ thừa cân và béo phì.

Nhiều nước áp thuế TTĐB lên nước ngọt

Các nghiên cứu thực nghiệm và mô hình từ một số quốc gia châu Âu cho thấy rằng việc giảm tiêu thụ hàng hóa bị đánh thuế thường đi đôi với việc tăng tiêu thụ hàng hóa thay thế. Nhiều quốc gia trên thế giới như Chi-lê, Mexico, Ấn Độ, Bỉ, Phần Lan, Latvia và Brunei đã từng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên đồ uống có đường. Tuy nhiên, kết quả thu được lại không như mong đợi.

Chile đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường từ năm 2014, nhưng tỷ lệ thừa cân và béo phì tại quốc gia này vẫn tiếp tục tăng. Từ năm 2016 đến 2017, tỷ lệ thừa cân béo phì ở nam giới tăng từ 19,2% lên 30,3% và ở nữ giới từ 30,7% lên 38,4%. Theo báo cáo đánh giá hệ thống năm 2016 liên quan đến độ hiệu quả của việc đánh thuế nước giải khát có đường tại các quốc gia có thu nhập trung bình, chưa thấy bằng chứng nào cho thấy chính sách này làm giảm tình trạng thừa cân một cách bền vững.

Tại Mỹ, thành phố Berkeley, bang California, việc đánh thuế lên đồ uống có đường không những không giảm lượng calo tiêu thụ mà còn khiến người dân nạp thêm calo từ các sản phẩm không bị đánh thuế. Cụ thể, lượng calories nạp vào từ các mặt hàng nước giải khát bị đánh thuế giảm nhẹ trung bình 6 calories mỗi ngày, từ 45 kcal/ngày xuống 39 kcal/ngày. Trái lại, lượng calories nạp vào từ các sản phẩm đồ uống không bị đánh thuế lại tăng trung bình 32 calories mỗi ngày, từ 116 kcal/ngày lên đến 145 kcal/ngày.

Một số quốc gia đã từng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường nhưng sau đó đã bãi bỏ chính sách này vì không mang lại hiệu quả như mong đợi. Cụ thể, tại Đan Mạch, chính phủ đã nhận ra rằng việc áp thuế lên đồ uống có đường không có tác động đáng kể đến sức khỏe của người dùng trong khi gây ra các tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội. Na Uy cũng đi đến kết luận tương tự khi nhận thấy chính sách thuế này không mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội.

Những số liệu này cho thấy rằng, việc áp dụng thuế lên đồ uống có đường cần có những chính sách toàn diện và khoa học hơn để đạt được mục tiêu.

Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng

Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng

Giáo dục là biện pháp hữu hiệu cải thiện sức khoẻ toàn dân

Thay vì sử dụng công cụ thuế, một số quốc gia đã chọn cách nâng cao kiến thức và giáo dục cộng đồng về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Nhật Bản là một ví dụ điển hình với đạo luật chống béo phì ra đời năm 2008.

Đạo luật này không nhằm phạt các cá nhân mà yêu cầu những người thừa cân và eo lớn hơn so với quy định phải áp dụng chế độ dinh dưỡng do nhà chức trách đưa ra. Chỉ số tiêu chuẩn cho vòng eo phụ nữ là 90, và đàn ông là 85 (áp dụng với những người từ 40-70 tuổi) nhằm đẩy lùi những căn bệnh nguy hiểm và các bệnh liên quan đến cân nặng. Sau 6 tháng, nếu không giảm cân, họ sẽ tiếp tục được đào tạo lại cho đến khi đạt chuẩn.

Kết quả là Nhật Bản có tỷ lệ béo phì trong dân số chỉ 3,5%, thấp hơn hẳn so với các quốc gia khác như Đức, Pháp, Italia, Anh và Mỹ. Đây là minh chứng cho thấy, việc nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh là biện pháp hiệu quả.

Bác sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam, cho biết, giáo dục sức khỏe là một cách tiếp cận phổ biến và hiệu quả về mặt chi phí để nâng cao nhận thức cộng đồng. Quá trình này cần sự phối hợp có hệ thống bao gồm các giải pháp truyền thông và vận động xã hội; các chính sách pháp luật từ nhà nước; tăng cường hệ thống dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật y tế; giải pháp nghiên cứu, theo dõi và giám sát và tăng cường hợp tác quốc tế.

Ngoài việc nâng cao kiến thức và giáo dục cộng đồng, Việt Nam cũng có thể học tập các quốc gia khác trong việc áp dụng các biện pháp kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì như khuyến khích người dân tham gia các hoạt động thể dục thể thao, cải thiện chất lượng thực phẩm và đồ uống, và tăng cường kiểm soát quảng cáo thực phẩm không lành mạnh.

Hồng Hà

* Bài viết thể hiện ý kiến của tác giả, không phải quan điểm của Báo Pháp luật Việt Nam.

Đọc thêm