Chuyên gia: Chưa đủ bằng chứng kết luận áp thuế TTĐB với đồ uống có đường sẽ giảm thừa cân béo phì

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để giảm tỷ lệ thừa cân béo phì, một số quốc gia đã lựa chọn đánh thuế cao lên các sản phẩm đồ uống có đường. Song qua nhiều năm cho thấy, tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” vẫn diễn ra ở nhiều nước khi tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục tăng. Câu hỏi về tính hiệu quả của sắc thuế này hiện còn bỏ ngỏ.

Cần nhìn nhận đầy đủ về các nguyên nhân của thừa cân béo phì

Mới đây, trong dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Bộ Tài chính soạn thảo, một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất mở rộng cơ sở thuế thông qua việc bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng như: đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn.

Theo Bộ Tài chính, đây là những thức uống gây hại đến sức khỏe của người dân, đặc biệt đồ uống có đường làm gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì và việc đánh thuế nhằm giúp điều chỉnh lại hành vi tiêu dùng của người dân.

Tuy nhiên, luận điểm nêu trên đã gây ra nhiều tranh cãi. Các chuyên gia dinh dưỡng và y tế cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì, cơ bản từ góc độ khoa học là do mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào cơ thể và năng lượng tiêu hao. Chế độ ăn không cân bằng dinh dưỡng và thiếu hoạt động thể lực sẽ ảnh hưởng đến tiêu hoá thức ăn và chuyển hoá cơ bản của bản thân, từ đó gây nên tình trạng thừa cân béo phì.

Điển hình như Nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Glasgow chỉ ra rằng chất béo là tác nhân làm tăng cân nhiều hơn so với đường. Trên cơ sở nghiên cứu gần 132.500 người thuộc diện béo phì tại Vương quốc Anh, họ đi tới kết luận rằng “tỷ lệ năng lượng từ chất béo lớn hơn từ đường trong chế độ ăn của những người béo phì thừa cân. Việc tập trung các thông điệp về sức khoẻ cộng đồng vào yếu tố đường có thể gây cho công chúng hiểu nhầm về sự cần thiết phải giảm lượng chất béo và lượng calo nạp vào cơ thể”.

Đáng chú ý, Bộ Y tế Việt Nam cũng cho biết thừa cân béo phì là do “1/3 người dân ít hoạt động thể lực, 1/2 số người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và người dân ăn muối nhiều gấp hai lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới”.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết học sinh tại TP HCM vận động quá ít, chỉ có 26,1% học sinh THPT tham gia vận động ít nhất 60 phút/ngày và chỉ có 29,9% học sinh THPT tham gia các tiết học thể dục hằng ngày. Đối với học sinh THCS tại TP.HCM, lớp 6 có 30%, lớp 7 có 24,4% và lớp 8 có 30%, lớp 9 có 34,9% học sinh không vận động và cũng không có có thời gian vận động hằng ngày.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm cũng cho biết thêm: có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng thừa cân béo phì mà đồ uống có đường không phải nguyên nhân chính mà do ăn thừa năng lượng vượt quá nhu cầu, vận động ít . Để giải quyết hiệu quả tình trạng này cần đánh giá khách quan và đầy đủ các yếu tố liên quan thừa cân béo phì và đặc biệt là đẩy mạnh giáo dục và truyền thông về dinh dưỡng hợp lý.

Các chuyên gia dinh dưỡng và y tế cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì.

Các chuyên gia dinh dưỡng và y tế cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì.

Cùng với đó, một nghiên cứu khác về tiêu thụ đường của trẻ em Việt Nam, Campuchia và Nhật Bản thực hiện trước đó đã kết luận tôi không tìm thấy mối liên quan nào giữa tiêu thụ thực phẩm, đồ uống có đường với thừa cân béo phì.

Trong nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cũng có nêu: Nhóm học sinh thành thị có tỷ lệ thừa cân béo phì cao hơn nhóm học sinh nông thôn (41,9% với 17,8%) nhưng lại có tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt (hơn 3 lần/tuần) thấp hơn (lần lượt là 16,1,% và 21,6%). So với nước ngọt (21,6% ở khu vực nông thôn và 16,1% ở khu vực thành thị), tỷ lệ trẻ em tiêu thụ các sản phẩm có đường khác (bánh kẹo, kem chè…) còn cao hơn rất nhiều, chiếm 51,1% ở khu vực thành thị và 56,4% ở khu vực nông thôn

Áp thuế đối với đồ uống có đường có phải là giải pháp hiệu quả làm giảm thừa cân béo phì hiệu quả?

Nhằm giảm tỷ lệ béo phì đang tăng cao hiện nay, một số quốc gia/vùng lãnh thổ đã áp dụng đánh thuế đối với đồ uống có đường như một đòn bẩy, tuy vậy, nhiều thống kê cho thấy tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn gia tăng bất chấp lượng tiêu thụ đồ uống có đường giảm và tỷ lệ thừa cân béo phì phân bổ không đồng đều giữa các nước và khu vực.

Tại Hungary, tỷ lệ thừa cân béo phì tiếp tục tăng 3,3% từ 2014-2019 bất chấp chính phủ nước này đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên các sản phẩm đồ uống có đường từ năm 2011. Tình hình cũng tương tự tại Pháp, tỷ lệ béo phì tăng 2% trong giai đoạn 2012-2020 mặc dù đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thức uống có đường từ năm 2012. Ngược lại, Nhật Bản không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt có đường nhưng tỷ lệ béo phì quốc gia này luôn duy trì ở mức thấp.

Có thể thấy, đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chứng minh rằng việc đánh thuế lên các sản phẩm thức uống có đường sẽ giúp làm giảm tỷ lệ thừa cân béo phì ở người dân.

“Như vậy, thay vì tăng thuế hay áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, việc cần làm cấp bách hiện nay là tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức của toàn dân, đặc biệt là ở trẻ em về dinh dưỡng cân đối, hợp lý phòng chống thừa cân béo phì, bao gồm giảm tiêu thụ các thực phẩm có hàm lượng calorie cao; sử dụng hợp lý nguồn thực phẩm giàu chất đạm, kiểm soát chế độ ăn không dư thừa; kiểm soát cân nặng, tăng cường hoạt động thể lực; giảm thời gian hoạt động tĩnh tại cho trẻ em cả ở trường và ở nhà…”, BS. Lâm nói thêm.

Đọc thêm