Bắt giữ người trên phố giữa ban ngày
Hồ sơ vụ án thể hiện, bà Nguyễn Thị Phương Nam (SN 1971, ngụ quận 4, TP HCM) và Lê Thị Thảo (SN 1979, ngụ quận 1, TP HCM) quen biết nhau từ năm 2008, hai bên nhiều lần vay mượn tiền qua lại. Tính đến năm 2010, bà Nam còn nợ Thảo 4,5 tỷ đồng, lãi suất từ 9% - 15%/tháng. Thảo nhiều lần đòi nhưng bà Nam chưa trả được.
Thông quan bạn bè, Thảo nhờ Trần Văn Hinh và Trần Văn Miên (SN 1968, ngụ Phú Thọ; là em trai của Hinh) đòi nợ giúp. Miên đã bay từ Hà Nội vào TP HCM gặp Thảo, sau đó rủ Nguyễn Anh Đức cùng Thảo và Lưu Quang Ngọc Đức (lái xe của Thảo) đi tìm bà Nam đòi nợ cho Thảo.
Đầu giờ chiều ngày 10/12/2010, Miên đi xe ôm đến chung cư của bà Nam (quận Phú Nhuận) thì gặp Thảo tại đây. Miên cho nhân viên bãi xe tiền để khi bà Nam rời khỏi chung cư thì gọi điện báo ngay cho Miên.
Khoảng 2 giờ sau, nhận được tin từ nhân viên bãi xe, Miên liền thông báo cho Thảo biết bà Nam ra khỏi chung cư đồng thời đi xe ôm bám theo. Lúc bà Nam được anh Lê Hoàng Thanh (lái xe của bà Nam) chở bằng xe máy đi tới ngả tư Lê Duẩn – Phạm Ngọc Thạch (quận 1) thì Miên áp sát, khống chế bắt bà Nam lên ô tô Camry của Thảo đã đợi sẵn phía sau. Trên xe lúc này có Thảo, Đức “tài xế” và Nguyễn Anh Đức.
Lúc trong xe, Thảo yêu cầu bà Nam trả nợ, bà Nam đề nghị vào quán cà phê nói chuyện và xin trả mỗi tháng 50 triệu đồng nhưng Thảo không đồng ý. Theo chỉ đạo của Thảo, Đức “tài xế” lái xe đưa cả nhóm (Thảo, Miên, Nguyễn Anh Đức) cùng bà Nam đến một nhà nghỉ ở quận 12, nghỉ lại 1 tiếng để tiếp tục đòi nợ. Bà Nam không đồng ý trả tiền và bị chuyển đến giam lỏng tại căn nhà gỗ của Hinh ở gần hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai).
Lúc này Hinh đến gặp và nói bà Nam hãy trả nợ cho Thảo. Việc bắt giữ bà Nam, di chuyển của nhóm khi đó còn có sự tham gia của Nguyễn Minh Tân (bạn cùng quê Nam Định với Miên). Trong thời gian ở đây, khi Thảo yêu cầu bà Nam trả nợ gốc là 4,5 tỷ đồng còn lãi tính 2%/tháng, trong hoàn cảnh bị khống chế, đe doạ bà Nam phải đồng ý. Trong hai ngày 14 và 15/12/2010, bà Nam gọi điện cho nhiều người để hỏi vay mượn, yêu cầu trả nợ để chuyển tiền cho Thảo 2 lần, tổng cộng 3,5 tỷ đồng.
Đến chiều ngày 16/12/2010, bà Nam được đưa đến một địa điểm ở Bình Dương. Lúc này, Miên nói bà Nam phải trả Thảo số nợ 1 tỷ đồng còn lại, nếu không được thì phải lo từ 500 triệu đến 700 triệu đồng thì mới được cho về. Bà Nam đã nhờ người chuyển vào tài khoản của Miên 800 triệu đồng. Chiều ngày 17/12/2010, bà Nam được Hinh đưa về TP HCM, sau đó làm đơn tố cáo nhóm người trên.
|
Lê Thị Thảo dù đã bị khởi tố, truy tố nhưng bất ngờ thoát tội |
Nhiều lần trả hồ sơ vẫn không xử lý được chủ mưu
Vụ việc bắt giữ bà Nam rõ ràng có “dấu hiệu phạm tội có tổ chức” và diễn ra “ở nơi đông người giữa ban ngày”, được bàn bạc, lên kế hoạch kỹ lưỡng từ trước. Tuy nhiên, năm 2012 và 2013, Cơ quan CSĐT (C45) – Bộ Công an chỉ khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Trần Văn Miên về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Trong khi đó, kẻ cầm đầu và các đối tượng khác tham gia thì không đá động tới.
Bản kết luận điều tra số 07/C45-B3 ngày 26/7/2013 đã làm rõ việc bắt giữ bà Nam có sự tham gia và chỉ đạo của Thảo, sự tham gia của nhiều đối tượng. Lời khai của Miên và bà Nam cũng thống nhất: Thảo chính là chủ mưu trong việc bắt giữ bà Nam để đòi nợ. Nhân chứng khác là anh Thanh – lái xe của bà Nam cũng nhận diện được Thảo là người tham gia buộc bà Nam lên ô tô để bắt giữ tại ngả tư đường giữa quận 1, sau đó đưa đi nhiều nơi.
Tuy nhiên, C45 sau đó lấy lý do rằng: “không xác định được Thảo đi cùng Miên đưa chị Nam đi những địa điểm nào”. Các đối tượng khác như Nguyễn Minh Tân, Nguyễn Anh Đức, Đức “tài xế” thì chưa, không có căn cứ chứng minh việc thực hiện bắt giữ bà Nam. Từ đó, C45 xác định Miên là “đối tượng chính” bắt giữ, cưỡng đoạt bà Nam số tiền 800 triệu đồng; và đề nghị truy tố Miên hai tội danh “Bắt, giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”.
Ngay sau đó, VKSND Tối cao đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, tuy nhiên chỉ đề nghị làm rõ hành vi của Miên. Ngày 30/10/2013, VKSND Tối cao ra cáo trạng truy tố Miên 2 tội danh nêu trên. Cáo trạng cũng thể hiện: “Trong vụ án này còn có một số đối tượng tham gia bắt giữ cũng như liên quan đến hành vi cưỡng đoạt tài sản số tiền 3,5 tỷ đồng như Lê Thị Thảo, Nguyễn Minh Tân, Nguyễn Anh Đức, Đức “tài xế””.
Đến tháng 5/2014, VKSND Tối cao một lần nữa trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ số tiền cưỡng đoạt và vai trò của Thảo và Tân trong vụ án. C45 khi đó xác định Thảo có dấu hiệu chủ mưu, chỉ đạo việc gây án nhưng lại cho rằng không đủ căn cứ xử lý Thảo, cũng không đủ căn cứ chứng minh Tân là đồng phạm. TAND TP HCM sau đó nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung để xử lý Thảo, tuy nhiên C45 kết luận Thảo không có dấu hiệu thực hiện hành vi phạm tội.
Tháng 4/2015, TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Miên 13 năm tù về 2 tội danh bị truy tố, buộc bồi thường cho bà Nam số tiền 800 triệu đồng. Tháng 10/2015, TAND Cấp cao tại TP HCM khi xét xử phúc thẩm đã cho rằng việc không khởi tố, truy tố đối với Thảo là “có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”, và tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại.
Sau khi VKSND Tối cao chuyển hồ sơ yêu cầu điều tra lại, làm rõ các mâu thuẫn trong vụ án, đến tháng 9/2016, C45 ra quyết định khởi tố Thảo và Nguyễn Anh Đức. Tháng 5/2017, VKSND Tối cao ra cáo trạng với quyết định truy tố Trần Văn Miên với 2 tội danh như cũ. Riêng Thảo và Nguyễn Anh Đức bị truy tố về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”.
Tháng 8/2017, TAND TP HCM trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, làm rõ vai trò của Hinh, Tân, Đức “tài xế” trong vụ án để tránh bỏ lọt tội phạm. Bất ngờ ngày 28/12/2017, C45 ra quyết định đình chỉ bị can đối với Thảo và Nguyễn Anh Đức. Trong khi tại kết luận điều tra ký cùng ngày, C45 khẳng định: “xét thấy trong vụ án này các bị can phạm tội có dấu hiệu “phạm tội có tổ chức” có nhiều đối tượng ở nhiều địa phương khác nhau cùng tham gia, tổ chức bắt giữ chị Nam ở nơi đông người giữa ban ngày”.
Tháng 1/2018, VKSND Tối cao ra cáo trạng số 20/VKSTC-V2, cho rằng việc C45 đình chỉ bị can đối với Thảo và Nguyễn Anh Đức với lý do “không còn nguy hiểm cho xã hội” là có căn cứ. Vì vậy, chỉ truy tố mỗi mình Miên. Tháng 6/2018, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm lần 2. Tại đây, luật sư của bị cáo và bị hại đều cho rằng, Thảo chính là kẻ chủ mưu trong vụ án, do vậy việc không khởi tố, truy tố, xét xử Thảo là bỏ lọt tội phạm. Bản thân bị cáo cũng đề nghị điều tra, xử lý Thảo.
|
TAND TP HCM cho rằng Miên không phải là chủ mưu và tiếp tục kiến nghị điều tra, xử lý các đối tượng liên quan |
Vấn đề này, HĐXX cũng cho rằng Toà đã nhiều lần trả hồ sơ nhưng viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm. HĐXX nhận định bị cáo Miên không phải là kẻ chủ mưu và kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi, trách nhiệm của những người có liên quan. Đồng thời tuyên phạt Miên tổng cộng 10 năm 9 tháng tù, buộc bồi thường tiền cưỡng đoạt cho nạn nhân.
Như vậy, Miên dù chỉ là “công cụ” thực hiện việc bắt cóc người để cưỡng đoạt đòi nợ cho chủ nợ là Thảo nhưng phải gánh tội từ đầu đến cuối. Trong khi đó, Thảo được coi là chủ mưu, cùng nhiều đối tượng khác như Hinh, Tân, Nguyễn Anh Đức, Đức “tài xế” lại được lọt tội một cách khó hiểu. Đặc biệt nhất là trường hợp Thảo và Nguyễn Anh Đức dù đã bị khởi tố, truy tố nhưng sau đó bất ngờ thoát tội một cách ngoạn mục.
Báo PLVN tiếp tục thông tin.