Chủ nhà chống trả nhóm đòi nợ “nảy lửa” tranh luận chuyện tội danh

(PLO) -Mới đây, TAND TP.Buôn Ma Thuột đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, đưa bị cáo Đoàn Viết Thanh (SN 1993, ngụ phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) ra xét xử về tội Cố ý gây thương tích.
Bị cáo Thanh tại phiên tòa sơ thẩm.
Bị cáo Thanh tại phiên tòa sơ thẩm.

Bị cáo khai bị dồn đến đường cùng

Theo cáo trạng của VKSND TP.Buôn Ma Thuột, vào khoảng 15h ngày 16/1/2016, Nguyễn Kế Thao, Nguyễn Thanh Hoàng (cùng SN 1993, ngụ TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đến nhà Đoàn Thanh Quang (SN 1995, ngụ 193/58 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Tân Lập) để đòi nợ nhưng Quang không có nhà. 

Tại đây, Hoàng và Thao xảy ra xích mích với Đoàn Viết Thanh (SN 1993, anh trai Quang). Hai bên có đánh nhau nhưng được hàng xóm can ngăn, không ai bị thương tích. 

Đến chập tối 17/1/2016, khi Thanh đang đứng nói chuyện với chị gái của Thao trước cửa nhà mình thì Thao, Hoàng và một người nữa chạy trên một chiếc xe máy tới. Nhìn thấy Thanh, Thao và Hoàng lập tức nhảy xuống xe vừa chửi vừa đuổi, người còn lại đứng ngoài quan sát. 

Nghe lời chị gái Thao, Thanh liền chạy ngược vào nhà nhưng không kịp chốt cửa. Thấy nhóm đối phương vẫn xông vào, Thanh liền cầm một con dao đi lên phòng khách. 

Sợ xảy ra đánh nhau, chị Thao khuyên em về nhưng không được. Sau đó, Thao và Hoàng cầm gạch và tấm ván chạy vào nhà Thanh đuổi đánh thanh niên này. Trong quá trình xô xát, Thanh vung dao làm Hoàng đứt tay.

Sau đó, tấm ván trên tay Hoàng rớt xuống, Thanh cũng làm rớt dao. Trong lúc lộn xộn, Hoàng nhặt được con dao lên sấn tới thì Thanh liền xô hai thanh niên trên và chạy thoát ra ngoài. 

Cơ quan điều tra xác định trên người Hoàng có hai vết thương, một vết do Thanh gây ra có tỉ lệ thương tích 17%, vết thương khác có tỷ lệ 3% nhưng không rõ ai gây ra. 

Ngày 1/6/2016, CQĐT đã khởi tố vụ án Cố ý gây thương tích và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Thanh. 

Tại phiên tòa vừa qua, bị cáo Thanh cho biết: khi bị Thao và Hoàng vào nhà đuổi, bị cáo đã lùi gần sát nhà bếp. Do nhà không có cửa sau nên lúc đó bị cáo rất hoảng loạn, lo sợ đến tính mạng của mình. Khi hai bên đứng đối diện nhau, Hoàng đã dùng tấm gỗ đánh một phát nhưng bị cáo né được. Chỉ đến khi Hoàng định đánh tiếp phát thứ hai, bị cáo mới chống trả rồi vứt dao, xô hai thanh niên ra để chạy thoát thân. 

Thanh trình bày: “Bị cáo biết mình chém người là sai nhưng ở tình cảnh đó không còn lựa chọn nào khác. Lúc đầu, bị cáo chỉ cầm dao để phòng thân vì bên bị hại quá hung dữ. Chỉ đến khi bị dồn vào đường cùng, không còn lối thoát và bị đánh tới lần thứ hai, bị cáo mới chống trả. Nếu lúc đó không đánh lại, chắc bị cáo sẽ phải chịu một trận đòn nặng”.

Về phần mình, bị hại Hoàng cho biết không có mâu thuẫn gì với Thanh. Hôm 16/1, bị hại đi làm về thì Thao rủ đi chơi nên ngồi lên xe và có nghe loáng thoáng chuyện em trai bị cáo nợ Thao tiền cờ bạc gì đó. 

Hoàng khai thêm, mình và Thao nhặt gỗ và gạch trước cửa nhà Thanh, chứ hoàn toàn không có chuyện Thao mang theo dao như lời khai của bị cáo. 

Tại tòa, Thao cũng khẳng định việc mình không mang theo dao và chỉ cầm gạch xông vào nhà Thanh. “Tôi cầm gạch chạy theo sau Hoàng rồi nhá nhá chứ không đánh bị cáo”, Thao khai với HĐXX. 

Bị hại và Thao nhất quyết không thừa nhận việc có mang theo dao. Tuy nhiên, những nhân chứng tại tòa khẳng định Thao có mang theo dao chứ không phải gạch. Phía bị cáo cũng một mực khẳng định hôm xảy ra vụ việc, Thao đã cầm doa đuổi theo mình. 

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, hay Cố ý gây thương tích?

Tại phần tranh luận, đại diện VKSND TP.Buôn Ma Thuột cho rằng, hành vi của Thanh đã xâm hại đến sức khỏe của người khác, đủ yếu tố để cấu thành tội cố ý gây thương tích. Bởi vậy, cần phạt bị cáo mức án từ 2 đến 2 năm 6 tháng tù để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội. 

Luật sư Trần Trọng Hùng, Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk bào chữa cho bị cáo đã tranh luận gay gắt với đại diện VKS. Ông cho rằng, việc truy tố bị cáo về tội Cố ý gây thương tích là oan. Bởi lẽ, phía bị hại đã hai lần kéo tới nhà bị cáo, đây là hành vi xâm nhập gia cư bất hợp pháp. 

Ở lần thứ nhất, phía bị hại đã đánh bị cáo một đấm, nhưng được hàng xóm can lại. Đến lần thứ hai thì mang theo hung khí là dao và tấm ván gỗ xông tới gần nhà bếp để đánh bị cáo. 

Trong tình cảnh này, bị cáo đã bị dồn đến đường cùng vì không còn ngõ nào để chạy, buộc phải chống trả, nếu không sẽ bị Thao và Hoàng xâm hại đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Như vậy, lỗi là do phía bị hại, còn hành vi của bị cáo là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, không phải cố ý gây thương tích. 

Đối đáp tại phần tranh luận, đại diện VKSND vẫn cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo Thanh về tội cố ý gây thương tích là đúng. Bởi lẽ, chỗ xảy ra xô xát gần nhà bếp, chưa phải là đường cùng. 

“Tại sao bị cáo không chạy ra ngoài mà lại chạy vào nhà? Đáng lẽ lúc đó bị cáo phải trốn, đằng này lại cầm dao lên thách thức rồi dẫn đến đánh nhau, chém người gây thương tích. Bởi vậy, việc truy tố bị cáo về tội cố ý gây thương tích là hoàn toàn có căn cứ”, kiểm sát viên phân tích. 

Luật sư tiếp tục lập luận của mình và khẳng định: “Lỗi ở đây hoàn toàn là do phía bị hại. Chính bị hại thừa nhận không quen biết, không có mâu thuẫn gì với bị cáo nhưng lại tìm đến nhà bị cáo, xâm nhập gia cư bất hợp pháp, hai lần đánh bị cáo. Khi bị dồn từ phòng khách, qua phòng ngủ và cuối cùng là đường luồn gần nhà bếp, bị cáo đã hết đường lùi vì nhà không có cửa sau”.  

Khi được nói lời sau cùng, bị cáo chia sẻ: “Em bị cáo nợ tiền, bị cáo không hề biết. Đáng lẽ thanh niên với nhau thì tìm cách giải quyết cho êm đẹp. Đằng này bị hại lại tỏ thái độ hung hãn, dồn ép bị cáo đến đường cùng nên bị cáo mới phạm tội, chứ không cố ý, không chủ động.

Bởi vậy, bị cáo mong HĐXX cân nhắc, cho bị cáo được hưởng mức án nhẹ nhất để sớm được trở về với xã hội, làm việc phụ giúp gia đình”. 

Sau giờ nghị án, HĐXX nhận định, dù bị hại có phần lỗi nhưng do ý thức coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác nên bị cáo Thanh đã gây ra thương tích 17% đối với nạn nhân Hoàng và tuyên phạt bị cáo 2 năm tù giam; buộc bồi thường cho bị hại gần 33 triệu đồng, bao gồm chi phí thuốc men, tổn thất tinh thần, tổn thất thu nhập và tiền công người chăm sóc…

Phiên tòa kết thúc, người nhà bị cáo rơm rơm nước mắt cho rằng Thanh bị truy tố oan về tội danh. “Tại tòa có nhiều nhân chứng khẳng định việc Thao cầm theo dao, đến đuổi và xông vào nhà tìm Thanh.

Thế nhưng HĐXX không làm rõ vấn đề này. Thanh đã bị dồn vô đường cùng, bị đánh trước và ở trong tình thế buộc phải chống trả để thoát thân. Vậy mà đại diện VKSND hỏi sao Thanh không chạy đi chỗ khác mà chạy vào nhà?”, người nhà bị cáo Thanh chia sẻ.

Luật sư Dương Lê Sơn (Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, trong vụ án trên, xét về phần lỗi ban đầu hoàn toàn do phía bị hại gây ra. Dù bị hại chưa gây thương tích, chưa đánh trúng bị cáo Thanh nhưng trên thực tế bị hại đã đánh và tấn công bị cáo.

Bên cạnh đó, cần phải xem xét việc phía bị hại đã có hành vi xâm nhập gia cư bất hợp pháp, cầm theo hung khí truy đuổi, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của bị cáo để có một bản án hợp tình hợp lý hơn.

Luật sư Sơn cũng giải thích , theo quy định tại điều 15 BLHS, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách “cần thiết” người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. 

Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả “quá mức cần thiết”, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Đọc thêm