Nâng cao trách nhiệm phục vụ của chính quyền địa phương
Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) để thông báo kết quả Kỳ họp thứ 2 HĐND thành phố khóa IX, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, vừa ký Quyết định 5819/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án triển khai thí điểm thực hiện trao giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), hộ khẩu tại gia đình trẻ em trên địa bàn TP.
Theo đó, sẽ trao giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ BHYT tại gia đình trẻ em, nhằm tiếp tục quan tâm triển khai có hiệu quả các Luật Hộ tịch, Cư trú, BHYT, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại địa phương, giúp công dân tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, nâng cao tính phục vụ trong giao dịch hành chính với người dân.
Việc trao giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ BHYT tại gia đình trẻ em được áp dụng thống nhất trên địa bàn TP Đà Nẵng. Đối tượng thực hiện áp dụng cho tất cả trẻ em được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết việc đăng ký khai sinh lần đầu, đúng hạn theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Đặc biệt, việc trao giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ BHYT được thực hiện tại gia đình của trẻ em. Trong tháng 9/2016, thực hiện thí điểm trao cho 5 trường hợp, do lãnh đạo UBND TP trao. Còn từ ngày 1/10 trở đi, thực hiện trao giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ BHYT gia đình trẻ em trên toàn TP.
Trường hợp cấp giấy khai sinh thuộc thẩm quyền đăng ký của UBND quận, huyện, cơ quan trao là đại diện UBND quận, huyện; đại diện tổ chức chính trị - xã hội; tổ trưởng dân phố/trưởng thôn và đại diện tổ chức, cá nhân tài trợ (nếu có). Trường hợp cấp giấy khai sinh thuộc thẩm quyền đăng ký của UBND cấp xã, cơ quan trao là đại diện UBND cấp xã, đại diện tổ chức chính trị - xã hội, tổ trưởng dân phố/trưởng thôn và đại diện tổ chức, cá nhân tài trợ (nếu có).
Giúp trẻ trở thành công dân tốt
Nói rõ hơn về Đề án, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết, việc làm này nhằm giúp cho một cháu bé mới ra đời thấy xã hội này rất tốt đẹp, chào đón cháu một cách nhiệt tình. Và khi lớn lên, cháu bé cũng hiểu xã hội tôn trọng nó, quý nó, ngược lại, cùng vì thế, đứa trẻ cũng sẽ cố gắng làm việc tốt cho xã hội, trở thành công dân tốt. “Mới ra đời mà đã thấy nhiễu nhương, thấy đi xin cái này, đi xỏ cái kia, chắc ngán luôn và một khi đã thấm vô máu thịt, đứa trẻ đâu còn là người tốt nữa!” - ông Thơ nói.
Xuất phát điểm ý tưởng này được vị Chủ tịch thành phố chia sẻ là do ông ghi nhận trong một lần đi công tác ở Hà Nội. Ông Thơ nghe có người nêu ý tưởng và thấy hay nên cho triển khai lập đề án ngay và đến nay đã ký quyết định ban hành. Ngoài ra, chủ khách sạn Alacarte sau khi nghe cũng đã quyết định tài trợ 3 tỉ đồng để thực hiện chủ trương trên. “Chúng tôi định lập một quỹ nhưng như thế sẽ không đúng quy định nên đưa số tiền tài trợ cho Sở Tài chính quản lý để hỗ trợ mua hoa, bồi dưỡng thêm cho cán bộ, công chức đến tận nhà trao giấy khai sinh, thẻ BHYT và hộ khẩu cho trẻ em” - ông Thơ thông tin và tới đây không còn tài trợ thì vẫn làm.
Tuy nhiên, ông Thơ cũng nói thêm, kể từ khi tiếp nhận ý tưởng đến lúc đề án được ban hành phải mất tới 3 - 4 tháng. Đặc biệt, trong quá trình lấy ý kiến của các xã, phường, mọi người đều không thích vì lý do “ở phường bây giờ vốn vất vả, trẻ em sinh ra rất nhiều, đi như vậy chắc không đủ người”. Nhưng ông Thơ quyết “không đủ người cũng phải ráng mà đi rồi họp tới họp lui, thậm chí thúc ép phải làm, phải cố gắng vì trẻ em”.
Ngoài ra, có ý kiến trao đổi rằng, đã có một phường ở Đà Nẵng thực hiện việc tặng thư chúc mừng trẻ em mới chào đời, nhưng chỉ chúc mừng những gia đình sinh 1-2 con, còn với con thứ 3 trở lên lại không chúc mừng. Trước hoài nghi sẽ diễn ra tình trạng tương tự, ông Thơ khẳng định: “Đề án này không phân biệt sinh 3 hay 4 con mà đang làm một việc tôn trọng đứa trẻ. Bất cứ cháu bé nào ra đời, không ai ngăn cản được quyền của các cháu thụ hưởng và công bằng như nhau”.