Trường Trung cấp Nghề Văn Hiến được thành lập từ ngày 14/12/2007 theo quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa, do ông Nguyễn Đức Tâm làm Chủ tịch HĐQT. Trường Văn Hiến có chức năng, nhiệm vụ tiến hành các hoạt động đào tạo và liên kết đào tạo cho nhu cầu của địa phương và theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ngày 20/5/2010, ông Nguyễn Văn Lơn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn Hiến (nay là Trường Trung cấp Y Dược Văn Hiến) có Công văn số 82 gửi Trường ĐH Y Hải Phòng đề nghị đào tạo cho Trường Trung cấp Văn Hiến 30 bác sĩ đa khoa.
Một tuần sau, Trường ĐH Y Hải Phòng có công văn gửi Bộ GD&ĐT xin chỉ tiêu đào tạo cho Trường Trung cấp Văn Hiến theo nội dung Công văn số 82. Sau đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn phúc đáp, đồng ý cho Trường Đại học Y Hải Phòng đào tạo 30 bác sĩ cho Trường Trung cấp Văn Hiến nhưng phải đúng quy định, quy chế tuyển sinh.
Đến ngày 24/11/2010, UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 6476 đồng ý cho Trường Trung cấp Văn Hiến tuyển sinh, hình thức đào tạo theo địa chỉ. Sau đó ông Nguyễn Đức Tâm (nguyên Chủ tịch HĐQT Trường Văn Hiến) đã giao cho Lê Xuân Thảo, giáo viên hợp đồng của trường, cùng với ông Tâm đứng ra chiêu sinh. Ông Tâm giao cho văn thư lập danh sách do ông Tâm ký, gửi Trường ĐH Y Hải Phòng xét duyệt. Sau khi xem xét, Trường ĐH Y Hải Phòng chỉ chấp nhận 4 thí sinh đủ yêu cầu, số còn lại trả lại hồ sơ vì không đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Khi biết Trường ĐH Y Hải Phòng chỉ chấp nhận 4 thí sinh, còn hơn 21 thí sinh khác bị loại, muốn trường ĐH Y Hải Phòng đào tạo số thí sinh này thì phải xin UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ GD&ĐT cho phép nên ông Tâm tự ý trao đổi với Trần Thành Nhật (giáo viên Trường THCS Nam Hà, quận Kiến An, TP.Hải Phòng, có Công ty riêng đào tạo nguồn nhân lực Nhật Thúy tại Hải Phòng) để cùng tuyển sinh. Trần Thành Nhật đã hứa và thống nhất nếu UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép đào tạo số thí sinh này thì giao cho Nhật, Nhật sẽ có trách nhiệm lo xác nhận trên Bộ GD&ĐT (trong đó Nhật gửi ông Tâm kèm 9 thí sinh của mình).
Đến ngày 12/11/2010, Nguyễn Đức Tâm đã lập danh sách của 30 thí sinh, bên cạnh đó ông ta còn tự mình soạn Công văn số 203 nhưng không ký tên mình mà lại giả mạo chữ ký của Hiệu trưởng nhà trường là của ông Nguyễn Văn Lơn để gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị xin xác nhận vào bản danh sách 30 thí sinh.
Công văn này được Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa ký, sau đó Tâm giao cho ông Lê Xuân Thảo gửi cho Nhật. Nhưng Nhật không chấp nhận danh sách này mà yêu cầu ông Tâm phải xin được chữ ký của Chủ tịch tỉnh. Biết vậy, Tâm đã gửi bản danh sách đến UBND tỉnh Thanh Hóa xin chữ ký của ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Sau khi xin được chữ ký của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Tâm đã đưa đi công chứng tại thị trấn Quảng Xương, sau đó trực tiếp đưa cho Trần Thành Nhật để xin xác nhận của Bộ GD&ĐT.
Khi có trong tay danh sách đã được ký và đóng dấu đỏ xác nhận của Bộ GD&ĐT và UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Tâm đã gặp Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hải Phòng. Nhìn thấy có dấu đỏ và chữ ký của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hải Phòng phê vào văn bản chấp nhận đào tạo.
Tuy nhiên, sau đó Trường ĐH Y Hải Phòng phát hiện có nhiều dấu hiệu sai phạm nên đã gửi công văn yêu cầu Trường Văn Hiến cung cấp các giấy tờ gốc để đối chiếu, nhưng không thấy Trường Văn Hiến trả lời nên đã báo cáo và đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc.
Quá trình điều tra làm rõ, Bộ GD&ĐT có Công văn số 915/TTr-ĐH ngày 3/10/2012 trả lời cơ quan điều tra là UBND tỉnh Thanh Hóa và Bộ GD&ĐT không ký xác nhận vào danh sách 28 thí sinh trên, do vậy các chữ ký và con dấu trên đều là in sao, giả mạo.