Hà Nội: Dấu hiệu giả mạo chữ ký trong một vụ thu hồi đất

(PLO) - Khi thu hồi đất, người quản lý và sử dụng đất không được cơ quan chức năng huyện Thanh Trì mời lên kê khai. Đã vậy, đơn giá đền bù 152m2 lại chỉ hơn 36 triệu đồng.

Diện tích đất bà Hưng nhận chuyển nhượng của ông Nam nằm sát với khu dân cư.
Diện tích đất bà Hưng nhận chuyển nhượng của ông Nam nằm sát với khu dân cư.
Chỉ vì mua bán viết tay?
Bà Nguyễn Thanh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc cho biết, năm 2003 bà và em trai mua một mảnh đất nông nghiệp của ông Trần Hoài Nam được giao theo Nghị định 64 tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì với diện tích 152m2, tại thửa 114, tờ bản đồ số 10, khu dân cư thôn Cương Ngô, xã Tứ Hiệp (dạng đất xen kẹt). Vừa qua, UBND huyện Thanh Trì thu hồi toàn bộ 152m2 đất trên để làm đường nối Pháp Vân tới khu đất đấu giá Tứ Hiệp -Ngũ Hiệp và đưa ra phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tổng cộng là 36.360.900đ. Điều này là không đảm bảo quyền lợi cho chị em bà.
Không đồng ý, bà Hưng khiếu nại thì được Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Thanh Trì trả lời rằng, theo Khoản 1 Điều 7 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của UBND TP.Hà Nội quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có sổ đỏ theo quy định pháp luật về đất đai thì sẽ kê khai phương án bồi thường đất và tài sản trên đất theo quy định của pháp luật. 
Theo hồ sơ địa chính do UBND xã Tứ Hiệp quản lý và Bản xác nhận về loại đất, nguồn gốc đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong chỉ giới GPMB thì thửa đất số 114, tờ bản đồ số 10, diện tích 152m2 bị thu hồi do gia đình ông Nam quản lý, sử dụng là đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64. Mặt khác, trong quá trình thực hiện GPMB, ông Nam trực tiếp đứng tên kê khai, trực tiếp ký xác nhận chủ sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản. 
Do vậy, UBND huyện Thanh Trì đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho ông Nam là đúng quy định. Khoản 2 Điều 689 Bộ luật Dân sự (BLDS) quy định về hình thức chuyển quyền sử dụng đất như sau: Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất đai phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Việc mua đất nông nghiệp của ông Nam nhưng chưa thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật (về đối tượng được phép chuyển nhượng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng; hợp đồng cho, tặng quyền sử dụng đất được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật) nên không đủ cơ sở để đứng tên và phê duyệt phương án.
Bên cạnh đó, UBND huyện Thanh Trì cũng cho rằng ông Nam đứng tên khoảng 1.800m2 đất nông nghiệp ở một vài vị trí khác nhau (trong đó có diện tích 152m2 nói trên), gia đình ông Nam đã bị Nhà nước thu hồi ở nhiều dự án khác và đã được tái định cư. Do vậy, Nhà nước thu hồi thêm 152m2 của ông Nam và đền bù theo đơn giá do TP.Hà Nội quy định.
Không có chuyện ông Nam được kê khai
Theo bà Hưng và tìm hiểu của phóng viên thì không có chuyện ông Trần Hoài Nam được mời lên kê khai nhận tiền đền bù như phản ánh của UBND huyện Thanh Trì. Như vậy, có sự giả mạo chữ ký của ông Nam trong hồ sơ kê khai, xác nhận chủ sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản.
Bà Hưng cho biết, việc nhận chuyển nhượng 152m2 đất từ năm 2003 là diện tích được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đất đai giao theo Nghị định 64, trên giấy tờ ghi tên gia đình ông Nam. Mặc dù hai bên chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền theo quy định của pháp luật nhưng căn cứ Khoản 4 Điều 7 Quyết định 108/2009/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội, đất có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đất đai “mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác đến thời điểm có quyết định thu hồi đất chưa thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật” vẫn đủ điều kiện để được kê khai nhận bồi thường. Do đó, việc Ban bồi thường GPMB huyện Thanh Trì không mời chị em bà lên kê khai là trái quy định của UBND TP.Hà Nội, không đảm bảo quyền lợi của chị em bà.
Bên cạnh đó, Ban bồi thường GPMB huyện Thanh Trì dẫn quy định tại Khoản 2 Điều 689 BLDS trả lời là không phù hợp và nhầm lẫn, vì BLDS có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006, trong khi hành vi “chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công chứng, chứng thực” xảy ra từ năm 2003, tức là trước  đó những 3 năm. Cũng như việc cho rằng ông Nam “trực tiếp đứng tên và kê khai…” là lừa dối chị em bà…Bên cạnh đó, Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng hướng dẫn: “Trường hợp giá đất do UBND cấp tỉnh công bố chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì UBND cấp tỉnh giao cho cơ quan chức năng xác định lại giá đất cụ thể để quyết định giá đất tính bồi thường cho phù hợp và không bị giới hạn bởi quy định về khung giá các loại đất”. 
Thiết nghĩ, UBND huyện Thanh Trì cần xem xét lại việc thu hồi đất cũng như đơn giá đền bù đối với diện tích đất của bà Hưng và em trai nói trên nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com