Chủ tịch tập đoàn “ma” chuyên đi… lừa đảo

(PLO) - Sau 2 lần vắng mặt quá nhiều bị hại và những người liên quan nên không thể tổ chức xét xử thì đến lần thứ 3, TAND tỉnh Quảng Bình đã mở được phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Am (SN 1956, quê quán xã Đồng Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Suốt 2 ngày diễn ra phiên tòa, bị cáo Am luôn cúi mặt trước vành móng ngựa.
Chân dung Chủ tịch HĐQT tập đoàn “ma” chuyên đi lừa đảo.
Chân dung Chủ tịch HĐQT tập đoàn “ma” chuyên đi lừa đảo.

Nguyễn Văn Am chẳng có nét gì nổi bật ngoài chất giọng “ngọt như mía lùi” dễ dàng làm xiêu lòng người đối diện. Năm 2012, Am nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM). Cũng lúc này, nhiều địa phương, doanh nghiệp đang khát vốn, gặp khó khăn trong hoạt động, Am nảy sinh ý đồ lợi dụng danh nghĩa đầu tư xây dựng NTM để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thời gian này, Am gặp Nguyễn Thị Minh Nga (SN 1963, trú tại TP Hà Nội) và Nguyễn Danh Dụ (SN 1966), Nguyễn Thị San (SN 1974), cùng trú tại tỉnh Hải Dương... Am giới thiệu mình là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn xây dựng số 5 (viết tắt là VIC) trực thuộc Bộ Xây dựng, có trụ sở tại số 4 Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Am nói với Dụ, Nga, San và những ai làm việc cho Am sẽ nhận lương tháng hoặc 7% giá trị vốn đầu tư cho các dự án mà họ khai thác được khi vốn đầu tư giải ngân. Nhẹ dạ cả tin, các cá nhân trên tích cực tham gia hoạt động khai thác qua mối quan hệ bản thân, tạo điều kiện cho Am dễ dàng lừa đảo.

Am rêu rao rằng, tập đoàn mình đang quản lý một nguồn vốn phi chính phủ lên đến hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM gồm 5/19 tiêu chí: giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường mầm non, trạm y tế và xử lý rác thải. Tại các cuộc gặp, Am “phán” rằng, nếu doanh nghiệp nào muốn thi công các công trình do VIC đầu tư thì phải đóng phí truyền hình 5 triệu đồng. VIC đang trong quá trình hình thành nên chỉ chính thức ra mắt khi nguồn vốn phi chính phủ trên giải ngân. Am tự đánh bóng thân thế bằng cách ngụy tạo ra các mối quan hệ thân thiết với nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và cắt ghép, làm giả các tấm hình của mình chụp chung với lãnh đạo; bố trí người mang danh Đài VTV đến nhiều địa phương quay phim, làm phóng sự... để tạo lòng tin cho các cá nhân, đơn vị, địa phương.

Năm 2013, Am đổi tên Tập đoàn VIC thành Tập đoàn Xây dựng Việt Nam - Cuba. Cuối năm 2014, do không được Am trả công như hứa hẹn nên Dụ, San, Nga lần lượt không làm việc cho Am nữa. Năm 2015, bằng những lời đường mật và miếng mồi nhử béo bở là tiền lương, thưởng, chức danh hão, Am lại lôi kéo thêm nhiều người nhẹ dạ cả tin về dưới trướng mình. Am phong Nguyễn Văn Vinh (SN 1948, trú Hà Nội) làm Trưởng ban quản lý dự án; Kim Thị Minh Nhuận (SN 1980, Hà Nội) làm kế toán; Lê Trung Cường (SN 1958, quê Thanh Hóa) làm Tổng thầu xây dựng miền Trung; Phạm Uông (SN 1952, quê Hải Dương) làm Tổng thầu xây dựng miền Bắc. Bên cạnh đó, Am tiếp tục đánh bóng Tập đoàn xây dựng Việt Nam - Cuba lên một tầm cao mới từ trực thuộc Bộ Xây dựng sang trực thuộc Chính phủ, đổi tên viết tắt từ VIC sang VIS.

Hành trình lừa đảo của Am núp bóng Chủ tịch HĐQT Tập đoàn “ma” Việt Nam - Cuba diễn ra trên phạm vi rộng lớn, qua hàng chục tỉnh, thành phố, chiếm đoạt tài sản hàng trăm tổ chức, đơn vị, địa phương, cá nhân. Chỉ khi đến Quảng Bình, Tập đoàn “ma” của Am chính thức bị “khai tử”. Tháng 5/2015, thông qua mối quan hệ với Tô Xuân Phong (SN 1955, quê Cà Mau) - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và dịch vụ Ninh Thái đang thi công công trình tại Quảng Bình và Hoàng Bình Luận (SN 1948, trú tại TP. Đồng Hới) - chủ công trình Bệnh viện đa khoa Bình An..., Am tiến hành lừa đảo một số đơn vị, địa phương ở Quảng Bình. Tổng cộng, có 6 doanh nghiệp tại Quảng Bình bị lừa nộp 160 triệu đồng cho Am thông qua Phong và Luận.

Mở rộng điều tra, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Quảng Bình xác định trong khoảng thời gian từ cuối năm 2012 đến tháng 7/2015, trước khi bị bắt, Am đã thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng trăm đơn vị, cá nhân, địa phương tại 132 huyện thuộc 32 tỉnh, thành phố trong cả nước, với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến 5,830 tỷ đồng.

Từng có nhân thân tốt, tham gia bộ đội từ năm 1984 - 1989... là những tình tiết bị cáo Am mong muốn HĐXX xem xét để giảm nhẹ hình phạt, giúp bị cáo có cơ hội khắc phục, sửa chữa hậu quả do mình gây ra khi được tòa cho nói lời sau cùng. Nhưng với hành vi phạm tội của Am là đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng NTM; phạm vi gây án rộng; lôi kéo nhiều người tiếp tay cùng Am lừa đảo chiếm đoạt tài sản…, TAND tỉnh Quảng Bình đã tuyên phạt Am mức án 16 năm tù.Về trách nhiệm dân sự, Am chịu trách nhiệm bồi thường cho các bị hại số tiền gần 3,5 tỷ đồng và truy nộp trên 1,3 tỷ đồng, sung công quỹ Nhà nước.

Phiên tòa khép lại, Am dáng thấp đậm, cúi gầm mặt lặng lẽ bước đi trong sự áp giải của lực lượng Công an... Phía trước Am là đường đến nhà tù.

Đọc thêm