Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa: Không đánh đổi môi trường vì kinh tế

(PLO) -Trước nhiều thông tin trái chiều về sự việc cá chết tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), ông Nguyễn Đình Xứng - chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Tỉnh Thanh Hóa nhất quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”.

Trước đó, vào ngày 19/9, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, có buổi làm việc với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn để làm rõ hơn thông tin về 2 sự việc: Tình trạng cá chết ở Tĩnh Gia và việc xả thải của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Tại buổi làm việc này Ông Shimmura Tổng giám đốc Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn khẳng định: Công ty Lọc hoá dầu Nghi Sơn tin tưởng chắc chắn rằng "Việc nhà thầu EPC của dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn xả nước thải thử thủy lực đường ống dẫn dầu thô không phải là lý do gây nên việc cá chết tại Tĩnh Gia".

Khẳng định của ông Shimura dựa trên các căn cứ vào 5 điểm mấu chốt: Thứ nhất, việc xả thải được thực hiện từ ngày mùng 9 đến ngày 11/6/2016 – tức là 3 tháng trước khi xảy ra hiện tượng cá chết (bắt đầu vào ngày 8/9/2016). Thứ hai, vị trí xả thải của Công ty Lọc hoá dầu Nghi Sơn là tại phao rót dầu không bến – SPM - cách vị trí xuất hiện cá chết 33,5km. Thứ ba, số nước thải còn lại hiện đang được lưu trữ trong các bể chứa đóng kín dưới sự giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không hề xả ra môi trường kể từ ngày 11/6/2016.

Thứ 4, Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường đã lấy mẫu nước thải, tiến hành phân tích và kết luận, so với các tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam, chỉ có hàm lượng sắt là một thông số môi trường không nguy hại là vượt quá 1,5 lần so với tiêu chuẩn cho phép đối với nước thải gần bờ (còn trường hợp áp dụng tiêu chuẩn đối với nước thải xa bờ, thì nước thải thử thủy lực đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam).

Thứ 5, cho đến thời điểm này, các báo cáo và nghiên cứu khoa học của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận rằng nguyên nhân cá chết là do hiện tượng tảo nở hoa và các báo cáo, nghiên cứu đó cũng không chỉ ra bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc Nhà thầu EPC của Dự án NSRP xả nước thải thử thủy lực đường ống dẫn dầu thô và việc cá chết tại vùng biển Nghi Sơn..

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trịnh Văn Chiến cũng khẳng định: Nhật Bản là quốc gia có uy tín cao trên trường quốc tế, nên việc một công ty liên doanh với sự tham gia điều hành của những tập đoàn hàng đầu Nhật Bản cố tình cắt giảm một số quy trình trong quá trình thực hiện dự án để tiết kiệm chi phí, tăng lãi suất và có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường là điều chưa từng được ghi nhận tại tỉnh Thanh Hóa.

Liên quan đến việc, Thanh Hóa phải báo cáo nguyên nhân hiện tượng cá chết theo yêu cầu của Bộ trrưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trước ngày 20/9. Nhưng đến nay, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thể làm rõ được nguyên nhân và báo cáo Bộ như chỉ đạo.

Ngày 21/09 trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết: Mặc dù đã quá hạn định thời gian phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về nguyên nhân các chết bất thường tại Nghi Sơn nhưng Thanh Hóa vẫn chưa thể gửi báo cáo vì vẫn còn phải chờ kết luận mẫu nước, mẫu cá từ phía Tổng cục Môi trường. “Sáng nay tôi đã điện thoại ra Tổng cục môi trường để hỏi về kết luận này nhưng phía Cục vẫn nói là chưa làm xong kết luận”, bà Thủy cho biết thêm.

Kết quả mẫu nước do ngành môi trường tỉnh Thanh Hóa gửi đi phân tích cho thấy: nguyên nhân ban đầu khiến gần 50 tấn cá lồng chết tại xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa là do hiện tượng tảo nở hoa hay còn gọi là thủy triều đỏ.

Qua xác minh, mẫu nước tại khu có cá lồng bị chết số lượng tảo đạt mật độ khoảng 8 triệu tế bào/1 lít nước biển khiến mất ô xy đột ngột làm cá chết. Mẫu nước lấy tại khu vực Cảng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng phát hiện loài tảo độc này nhưng chỉ đạt 500.000 tế bào/1lít nước biển.

Riêng 300 kg cá tự nhiên chết bất thường tại một số xã của huyện Tĩnh Gia vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân. Đồng thời, trước khi xảy ra vụ việc, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã tiến hành súc rửa đường ống dẫn dầu thô từ biển vào, và xả trực tiếp ra biển hơn 42.000m3 nước thải chưa qua xử lý và chưa được cấp phép. Chính điều này khiến dư luận vẫn hoài nghi về nguyên nhân khiến cá tự nhiên chết tại Nghi Sơn còn do một số nguyên nhân khác.

Trước khuyến cáo của Bộ Y Tế về việc không ăn một số hải sản của khu vực có cá chết chưa rõ nguyên nhân, theo ghi nhận của PV, ngày 22/9, người dân địa phương vẫn tiêu thụ hải sản bình thường.

"Nhà tôi vẫn ăn cá bình thường, không phải bữa nào đi chợ cũng có tiền mua thịt nên mình mua con cá về nấu canh chua thôi. Bà con ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, có chi ăn nấy ấy mà", bà Lê Thị Nam (thôn Liên Vinh,Tĩnh Hải, gần khu hoá lọc dầu Nghi Sơn) cho biết. Bà con địa phương quanh khu Nghi Sơn cho rằng con cá mình ăn hàng ngày không bị ảnh hưởng bởi môi trường, không phải cá nuôi lồng, mà là cá được đánh bắt từ xa bờ.

Tại chợ Hải Bình hay xa hơn là Chợ Còng (huyện Tĩnh Gia), các hàng bán cá vẫn tiêu thụ đều đều theo nhu cầu của người mua. Ngư dân đánh bắt cá xa bờ thì cá to xuất khẩu (đi đâu không rõ) cá nhỏ đẩy ra các chợ bán, anh Mạnh, một người bán cá tại chợ Hải Bình cho biết.

Đọc thêm