Chính quyền buông lỏng quản lý về môi trường?
Tháng 4/2016, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hoá phát đi một phóng sự báo động về tình hình ô nhiễm môi trường tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Phóng sự này cho biết, cuộc sống của hơn 500 hộ dân dọc theo tuyến tỉnh lộ 518, đoạn qua xã Yên Lâm, huyện Yên Định bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xe chở đất, đá gây ô nhiễm môi trường.
Tỉnh lộ 518, đoạn qua xã Yên Lâm, huyện Yên Định có chiều dài khoảng 7km. Từ năm 2014, để thi công Dự án phát triển hệ thống tưới Bắc sông Chu- Nam sông Mã, đoạn qua xã Yên Lâm, mỗi ngày, hàng chục xe trọng tải lớn, liên tục chở vật liệu xây dựng chạy trên tuyến đường này. Cùng với đó, hàng chục xe chở đá của hơn 40 doanh nghiệp khai thác và chế biến đá trên địa bàn xã hoạt động liên tục, làm cho tuyến đường bị xuống cấp. Đất, đá từ các xe chở vật liệu không được che chắn cẩn thận, rơi vãi xuống lòng đường, khiến môi trường bị ô nhiễm nặng: nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Cũng theo thông tin từ Đài PT-TH Thanh Hoá, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến đá và thi công xây dựng tại xã Yên Lâm không đăng ký kê khai thuế trên địa bàn. Chính vì vậy, xã không được hưởng 30% thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường theo qui định. Điều này gây không ít khó khăn cho xã trong việc khắc phục ô nhiễm và bảo vệ môi trường.
|
Khu khai thác đá ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa còn được gọi là “làng đá tử thần” |
Theo phản ánh của người dân, xã Yên Lâm, huyện Yên Định là khu vực có số lượng mỏ đá đang được khai thác lớn nhất hiện nay của tỉnh Thanh Hóa. Theo con số thống kê của UBND huyện Yên Định, trên địa bàn xã này còn có đến 36 mỏ, trong đó 33 mỏ đã được cấp phép hoạt động, khai thác từ 5 đến 30 năm, 3 mỏ đã hết hạn.
Khu khai thác đá ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa còn được gọi là “làng đá tử thần” bởi đã có những vụ tai nạn khiến nhiều người bị chôn vùi dưới những tảng đá khổng lồ. Khai thác trái phép, không tuân thủ quy định vẫn tiếp diễn, khiến người dân càng thêm lo lắng về sự an toàn.
Mặc dù thời gian qua, chính quyền nơi đây luôn khẳng định đã làm nghiêm nhưng thực tế thì vi phạm của doanh nghiệp vẫn tràn lan. Một số mỏ đá đã hết hạn nhưng doanh nghiệp vẫn khai thác, hoặc trong quá trình kiểm tra, phía UBND huyện đề nghị Sở TNMT hoặc các công ty cung cấp hồ sơ pháp lý thì chờ mãi… chẳng có.
Trái với cuộc sống khổ và bất an của người dân là độ giàu có và cuộc sống sung túc của gia đình ông Bí thư kiêm Chủ tịch xã Yên Lâm, bởi vậy, không khó lý giải cho những đồn đoán, nghi ngờ về con đường làm giàu của vị lãnh đạo xã này.
Thẳng thắn thừa nhận đang sở hữu khối tài sản lớn
Trả lời báo chí về những dư luận liên quan đến mình, ông Nguyễn Xuân Thái khá thẳng thắn thừa nhận mình đang sở hữu một khối tài sản lớn. Vị Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết mình vừa công tác đoàn thể vừa làm nhiều mô hình nông nghiệp như trồng mía, trồng cam, trồng bưởi…
Ngôi biệt thự bề thế được xây trên mảnh đất trước đây mua lại từ việc hoá giá của đồn Công an. Ông Thái còn một mảnh đất thổ cư khác cũng mua lại từ người dân trong xã.
Về việc đi lại bằng chiếc xe Lexus sang trọng, ông Thái cho rằng có nhiều con, cháu sở hữu rất nhiều xe ô tô nhưng riêng cá nhân không đứng tên bất cứ chiếc xe nào cả. Ông Thái cũng cho biết trong bản kê khai tài sản hàng năm đã kê khai rất chi tiết, từng mục một.
Về nghi vấn chống lưng cho hai doanh nghiệp tư nhân “sân sau”, ông Thái thừa nhận Công ty Minh Thức là của vợ chồng em rể còn Công ty Hoàng Minh là của cháu ruột con ông anh trai. Tuy nhiên, ông Thái khẳng định bất cứ cán bộ nào mà chẳng có con cháu và quan điểm của ông là mọi việc đều chấp hành theo đúng quy định của pháp luật.
Liệu những khẳng định của ông Bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Xuân Thái có đúng như thực tế đang diễn ra ở xã Yên Lâm, huyện Yên Định.
Chính quyền huyện Yên Định đánh giá thế nào về kết quả phát triển kinh tế, xã hội của một xã đang sở hữu các mỏ đá "quý như vàng" này? Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.