Chủ tịch xã bị tố lộng quyền 'giam' lương cấp dưới

(PLVN) - Vụ “lùm xùm” diễn ra ở một cơ quan công quyền, kéo dài cả năm nay, nếu cơ quan cấp trên không vào cuộc xử lý dứt điểm, trả lời rõ ràng, có thể gây ra những dư luận không tốt trong nhân dân địa phương.
UBND xã Túc Trưng, nơi bà Dung bị tố cáo lộng quyền
UBND xã Túc Trưng, nơi bà Dung bị tố cáo lộng quyền

Bị “sếp” ghét bỏ vì quan điểm cá nhân?

Sự việc nêu trên diễn ra tại xã Túc Trưng, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Nữ Bí thư kiêm Chủ tịch xã bị tố “giam” lương trong gần 1 năm qua với ông Chu Công Chung. Người tố cáo là ông Chu Công Chung (SN 1980), nguyên Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Túc Trưng.

Theo trình bày, ông Chung là cán bộ bán chuyên trách của xã Túc Trưng và trúng cử chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân khoá 2012 – 2017 với mức phụ cấp 2,34. Ngoài chức danh Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Chung còn là thành viên Đội công tác xã hội tình nguyện xã Túc Trưng (đơn vị thành lập theo quy định của Liên bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính).

Ông Chung cho rằng do quan niệm cá nhân nên ông bị vị nữ Chủ tịch xã “không ưa”. Trước đó, ông đã có vợ và đã ly hôn. Năm 2016, ông quen một cô gái cũng cùng cảnh tan vỡ hôn nhân. Hai bên tìm hiểu dự định đi đến kết hôn. “Sau đó tôi bị bố chồng cũ của cô gái tố cáo “dụ dỗ con dâu cũ”. Vì việc này mà tôi bị bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã liên tục gọi lên trụ sở làm việc yêu cầu viết bản tường trình hoặc “làm đơn xin nghỉ việc”. Tôi có viết tường trình khẳng định việc tố cáo là sai sự thật. Sau này, cơ quan chức năng cũng kết luận không có cơ sở nói tôi quan hệ bất chính. Năm 2017, tôi và cô gái kết hôn, đến nay đã có hai con”, ông Chung trình bày. Ông Chung nói rằng từ thời điểm này, bà Dung có dấu hiệu ngày càng thù ghét cá nhân, chèn ép ông.

Tháng 4/2018, Hội Nông dân xã Túc Trưng tiến hành đại hội khoá 2018 – 2023, ông Trung không trúng vào Ban chấp hành, không giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nông dân. Ông Chung nói: “Tuy nhiên, sau đại hội, UBND xã không bố trí công tác mới cho tôi, không giao nhiệm vụ khác. Tôi vẫn đi làm lĩnh vực khuyến nông theo phân công của Hội Nông dân huyện”.

Ông Chung tố cáo từ tháng 6/2018 đến nay, UBND xã Túc Trưng không cho ông nhận phụ cấp theo danh sách bảng lương hàng tháng. Việc không cho ông nhận lương là thực hiện theo ý kiến của Bí thư kiêm Chủ tịch xã.

Ông Chung cho rằng: “Về việc bố trí công tác cho tôi, trong cuộc họp vào khoảng tháng 7/2018, có lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện, một vị Ủy viên thường vụ Huyện ủy, cấp trên đã thống nhất ý kiến đề nghị UBND xã Túc Trưng bố trí công tác cho tôi nhưng bà Dung không chấp hành, cố tình không ra quyết định phân công nhiệm vụ mới cho tôi”. Theo ông Chung, những hành vi trên của bà Dung là lộng quyền, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức cán bộ. Sau một thời gian dài đến cơ quan nhưng không được phân công công việc, ông Chung vừa đâm đơn kêu cứu khắp nơi, vừa loanh quanh trụ sở ủy ban xã bán thuốc bảo vệ thực vật mưu sinh, chờ cấp trên có quyết định chính thức về sự việc. 

Ông Chung tố cáo do lộng quyền, ghét bỏ cá nhân nên Bí thư kiêm Chủ tịch xã đã giam lương mình suốt cả năm qua
Ông Chung tố cáo do lộng quyền, ghét bỏ cá nhân nên Bí thư kiêm Chủ tịch xã đã giam lương mình suốt cả năm qua

Nữ Bí thư kiêm Chủ tịch xã nói gì?

PLVN đã tìm đến UBND xã Túc Trưng để xác minh sự việc. Được biết tại cơ quan này, bà  Nguyễn Thị Mỹ Dung đã trải qua một nhiệm kỳ Chủ tịch xã và hai nhiệm kỳ Bí thư kiêm Chủ tịch xã, là người đứng đầu xã này đã hơn 10 năm liên tục.

Trả lời vấn đề ông Chung tố cáo, nữ Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Túc Trưng thừa nhận việc giữ lại phụ cấp hàng tháng đúng như ông Chung tố cáo.

Theo bà Dung, vào tháng 4/2018, Đại hội Hội Nông dân, ông Chung không được cơ cấu làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân nữa. Không rõ vì không được mọi người tín nhiệm, hay vì “thế lực tác động” nào mà ông Chung không được cơ cấu nữa? Theo bà Dung: “Do ông Chung được Nhà nước đào tạo, theo quy định của Sở Nội vụ thì phải bố trí cho ông Chung 10 năm công tác. Buộc lòng UBND xã sẽ phải sắp xếp công tác mới cho ông Chung”.

“Chúng tôi dự kiến làm tờ trình gửi lên UBND huyện chuyển công tác ông Chung làm cán bộ nông nghiệp kinh tế tổ hợp tác. Trước khi làm tờ trình, tôi mời ông Chung trao đổi và cho 30 ngày suy nghĩ”, bà Dung nói. Chưa rõ việc Chủ tịch xã cho cấp dưới nghỉ “30 ngày suy nghĩ” là có vượt thẩm quyền hay không?

Vẫn lời bà Dung “quá 30 ngày nhưng ông Chung không lên. Xã ba lần mời nhưng ông Chung không chấp hành. Sau đó, chúng tôi có một văn bản thông báo ông này tự ý bỏ việc”.

Về tiền phụ cấp hàng tháng của ông Chung, nữ Bí thư kiêm Chủ tịch xã nói: “Sau tháng 6/2018, ông Chung không đến cơ quan làm việc nhưng trên hồ sơ thì chưa có quyết định sắp xếp công tác hay buộc nghỉ việc nên đương nhiên trong danh sách lương, phụ cấp có tên ông Chung. Chưa xử lý thì không có cớ gì cắt lương, phụ cấp của ông Chung”. 

“Ông Chung không đi làm ngày nào sao trả lương, nguyên tắc phải giữ lại chứ. Sau này huyện trả lời thế nào, quyết định ông Chung đi làm thì trả như thế, còn không mình trả lại cho Nhà nước”.

Vị nữ Bí thư kiêm Chủ tịch xã có vẻ phản ứng trước việc bị ông Chung tố cáo đến cơ quan báo chí. “Tôi nghĩ ông Chung này cũng đâu phải mất sức lao động, bệnh tật, không có điều kiện hay không có trình độ, tại sao ảnh không lên gặp tôi là Chủ tịch – người sử dụng lao động, tôi trả lời vì sao không cấp lương cho ảnh. Tôi cũng nhịn lắm chứ. Theo Nghị định 22 của Đồng Nai thì đủ để kỷ luật”, bà Dung nói. Câu trả lời này của bà Dung có vấn đề. Thứ nhất, vị Bí thư kiêm Chủ tịch xã coi thường người tố cáo nên mới nói “tôi nghĩ ông Chung này cũng đâu phải mất sức lao động, bệnh tật, không có điều kiện hay không có trình độ…”. Thứ hai, bà Dung không đặt trách nhiệm cao nhất của mình là Đảng viên, Bí thư kiêm Chủ tịch xã giải quyết vấn đề, mà trước tiên cho rằng mình là “người sử dụng lao động”. Thứ ba, không thể có cái gọi là “Nghị định 22 của Đồng Nai”, vì Nghị định thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ; không rõ trình độ của nữ Bí thư kiêm Chủ tịch xã này ra sao mà cho rằng có cái gọi là “Nghị định 22 của Đồng Nai”.    

Bà Dung nói rằng lương của ông Chung vẫn còn giữ tại kho bạc trong tài khoản của UBND xã. Nhưng bảo hiểm xã hội thì vẫn đóng hàng tháng vì không có lý do để cắt.

PV đặt câu hỏi: “Tại sao không xử lý kỷ luật nếu bà nói ông Chung tự bỏ việc?”. Bà Dung nói: “Có chậm nhưng do phải xin ý kiến nhiều nơi. Chưa có hình thức kỷ luật vì phải xin ý kiến của UBND huyện”. Bà Dung cho rằng “toàn bộ sự việc đều đã báo cáo cho UBND huyện. Chúng tôi có xin ý kiến đàng hoàng”.

Phản bác những ý kiến trên của vị Bí thư kiêm Chủ tịch xã, ông Chung cho biết: “Bà Dung đã trả lời sai với báo chí. Sự thật là bà Dung luôn ép tôi phải nghỉ việc, cô lập tôi khỏi cơ quan đoàn thể và sự việc không được trả lương tôi đã báo cáo rất nhiều lần nhưng không được giải quyết”. 

Ngoài việc không được nhận phụ cấp theo quy định, ông Chung cho hay còn bị lãnh đạo xã chiếm giữ tiền phụ cấp thành viên Đội tình nguyện số tiền hàng chục triệu. Theo những chứng cứ ông Chung cung cấp, sự việc có dấu hiệu tham ô tài sản, vi phạm hình sự. Cơ quan chức năng huyện Định Quán đã đang làm việc xem xét sự việc này.

Những “lùm xùm” này diễn ra ở một cơ quan công quyền, nếu cơ quan cấp trên không vào cuộc xử lý dứt điểm, trả lời rõ ràng, có thể gây ra những dư luận không tốt trong nhân dân địa phương. PLVN sẽ tiếp tục phản ánh dấu hiệu sai phạm tại đơn vị này trong những số báo tới.

Theo tìm hiểu, nữ Bí thư kiêm Chủ tịch xã Túc Trưng cũng bị người dân tố cáo khai man lý lịch. Hiện cơ quan chức năng đã thụ lý đơn tố cáo theo thẩm quyền. Bà Dung thừa nhận có bị tố cáo: “Việc tố cáo là quyền của họ”.

Đọc thêm