Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến mọi khía cạnh của đời sống, kinh tế xã hội với nhiều vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến người dân, doanh nghiệp, công tác tư pháp trong lĩnh vực dân sự - kinh tế nói chung cũng như công tác của Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Vụ PLDSKT) phần nào đã bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Vụ PLDSKT đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong lĩnh vực pháp luật dân sự - kinh tế; tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ phản ứng nhanh, hiệu quả các vấn đề pháp lý phát sinh từ thực tiễn bối cảnh năm 2021; rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các quy định hiện hành về môi trường đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, tài chính, ngân hàng, an sinh xã hội cũng như các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Về công tác chủ trì góp ý, thẩm định, rà soát và tham gia soạn thảo VBQPPL, Vụ đã góp ý hơn 350 dự thảo VBQPPL; thẩm định 142 dự thảo VBQPPL, chiếm gần 2 số lượng thẩm định của Bộ Tư pháp. Cùng với đó, Vụ PLDSKT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương và các đơn vị trong Bộ Tư pháp tổng hợp, đánh giá các rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, tài chính, ngân hàng, an sinh xã hội...
Bên cạnh các hoạt động góp ý, thẩm định, rà soát VBQPPL, Vụ PLDSKT trong năm 2021 cũng đã tích cực tham gia cùng các Bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp soạn thảo nhiều VBQPPL trong lĩnh vực PLDSKT, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; đề nghị xây dựng Luật Đất đai (sửa đôi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…
Về triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Vụ PLDSKT đã triển khai thực hiện Nghị định số 55/2014/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai hiệu quả, chất lượng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 (theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021).
Công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế..đạt những kết quả tích cực.
Trong năm 2022, Vụ sẽ tiếp tục theo dõi thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị định số 19/2014/NĐ-CP ngày 19/02/2013 của Chính phủ về họ, hụi, tiêu, phường; chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan; triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trọng tâm là doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia xây dựng, góp ý, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dân sự - kinh tế…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã ghi nhận và biểu dương những thành tích mà Vụ PLDSKT đã đạt được trong năm 2021. Trong đó, Thứ trưởng đánh giá cao những kết quả của Vụ đã đạt được và thẳng thắn chỉ ra một số mặt còn tồn tại, hạn chế: một số nhiệm vụ còn chậm, chất lượng chưa được như mong muốn; công tác phối hợp có việc còn bị động; chưa phát huy được đầy đủ trí tuệ tập thể của Vụ trong thực hiện một số nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị Vụ PLDSKT tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, góp ý VBQPPL, bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chú trọng tính dự báo của chính sách, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh. Phát huy trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiên, đối tượng chịu tác động trực tiếp thông qua cơ chế Hội đồng thẩm định, tư vấn thẩm định; tổ chức các Hội thảo, tọa đàm chuyên môn sâu, đảm bảo thực chất, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng, thẩm định văn bản QPPL.
Chú trọng hơn nữa trong việc tham mưu phản ứng chính sách, cung cấp ý kiến pháp lý kịp thời đối với các vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, đối phó với tình hình dịch bệnh, tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 – 2025; sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; tiến tới nghiên cứu xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã trao Cờ thi đua Chính phủ cho tập thể Vụ PLDSKT, cùng với đó Hội nghị cũng đã công bố quyết định và tặng bằng khen Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho 2 tập thể và 8 cá nhân nhận có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.