Phong phú nhiều vở diễn truyền thống
Những năm gần đây, một số nhà hát chèo, cải lương, hài kịch… đã tìm hướng đi mới để thu hút không chỉ khán giả Việt Nam mà khán giả quốc tế. Vừa qua, chuỗi chương trình nghệ thuật “Cải lương - Tinh hoa nghệ thuật Việt”, gồm các show diễn và không gian sắp đặt giới thiệu văn hoá Việt nhằm thu hút khách du lịch tại rạp Chuông Vàng (Hàng Bạc, Hà Nội). Du khách được xem chương trình biểu diễn trích đoạn “Bán mình chuộc cha” trong vở Kiều với thời lượng 45 phút…
Nhà hát Tuổi trẻ đã dàn dựng và tổ chức biểu diễn ba tiểu phẩm hài kịch trong Đời cười là: “Qua sông”, “Chơi trò diễn ba diễn má”, “Phòng trút giận”, các nghệ sĩ diễn bằng tiếng Anh. Nhà hát cũng từng giới thiệu ba tiểu phẩm kịch hình thể mới được dàn dựng và thể hiện bằng tiếng Anh, đó là: “Lá rụng”, “Giấc mơ hạnh phúc”, “Ông già cõng vợ”…
Nhà hát Chèo Hà Nội cũng đã xây dựng chương trình diễn riêng cho du khách quốc tế bằng cách dịch nội dung chính của vở diễn ra tiếng Anh từ các vở chèo lịch sử như: Thái úy Lý Thường Kiệt, Ngọc Hân Công chúa; chèo cổ có các vở và trích đoạn: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Tống Trân Cúc Hoa...; chèo dân gian là: Tấm Cám, Lọ nước thần, Nàng Sita và một số vở chèo đề tài hiện đại...
Các nhà hát cần tận dụng nền tảng mạng xã hội
Năm 2024, Hà Nội đã đón 6,35 triệu lượt khách quốc tế. Nếu mỗi đơn vị lữ hành chỉ cần đưa được một khách đến trải nghiệm các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng đủ khiến các nhà hát ở Thủ đô liên tục đỏ đèn suốt bảy ngày trong tuần. Tất nhiên, đó là chỉ “nếu”. Còn thực tế, nhiều năm nay, những ngọn đèn ở các nhà hát chỉ sáng leo lét qua ngày. Nhiều du khách khi đến Hà Nội chưa từng biết đến sự tồn tại của các chương trình nghệ thuật này, hoặc nếu có, họ cũng gặp nhiều rào cản về thông tin, ngôn ngữ, lịch diễn, địa điểm… Hiện nay, các chương trình sân khấu truyền thống rất ít khi được giới thiệu trên các nền tảng đặt vé quốc tế, các website du lịch phổ biến hay tại các khách sạn, đại lý lữ hành.
Do khác biệt văn hóa, khách quốc tế thường khó hiểu được chiều sâu triết lý, yếu tố ngụ ngôn hay cách biểu cảm phi thực của nghệ thuật truyền thống. Để du khách quốc tế dễ cảm thụ nghệ thuật, các nhà hát không nên “ôm đồm” biến cải lương, chèo, hài thành tạp kỹ, hãy chọn cái gì tinh túy nhất của các loại hình nghệ thuật đó để giới thiệu cho khán giả trong và ngoài nước. Và quan trọng hơn hết là các nhà hát cần chú trọng hơn phần lời dịch. Bởi lời dịch là “linh hồn” của các vở diễn. Ngôn ngữ, ý tứ của Việt Nam vốn rất đa dạng, phong phú, nhiều khi còn có ý bóng, ý ngầm. Trong khi đó, với tiếng Anh họ chỉ hiểu theo một chiều nên nếu không tìm được nghĩa tương đương sẽ khiến du khách hiểu sang một nghĩa khác... Chính vì vậy, phải lựa chọn người dịch thật sự am hiểu về nghệ thuật cải lương, chèo, tuồng, hài và thông thạo tiếng Anh mới có thể chuyển tải đúng ngữ điệu, giúp khán giả hiểu được kịch tính và nội dung của chương trình…
Các công ty lữ hành cần kết hợp các chương trình sân khấu truyền thống vào tour tham quan Hà Nội.
Ngoài việc hợp tác với các đại sứ quán, trung tâm văn hóa nước ngoài tại việt Nam, tổ chức giao lưu biểu diễn định kỳ, các nhà hát cần tận dụng nền tảng mạng xã hội, nền tảng video như YouTube, TikTok, Instagram chia sẻ các trích đoạn biểu diễn, hậu trường luyện tập, câu chuyện đời nghệ nhân… được dịch, phụ đề bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Điều này, sẽ giúp hình ảnh của nhà hát mở rộng tiếp cận toàn cầu…
Sân khấu truyền thống Hà Nội là di sản quý báu không chỉ của người Việt mà còn là “món quà” văn hóa độc đáo cho du khách quốc tế. Việc kết hợp bảo tồn nghệ thuật với phát triển sản phẩm du lịch văn hóa là hướng đi bền vững, góp phần đưa hình ảnh văn hóa Việt Nam “sống động” trong trái tim du khách quốc tế.