Ngày 30/5/2019, ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn ký Tờ trình số 192/TTr-STNMT gửi UBND tỉnh về việc ban hành quy định về việc san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh.
Theo đề nghị của Sở TN&MT, ngày 28/6/2019, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh) ký ban hành Quyết định (QĐ) 1188/QĐ-UBND về việc san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Căn cứ QĐ 1188, từ tháng 6/2019 đến nay, UBND huyện Hữu Lũng đã cấp phép cho gần 20 hộ dân trên địa bàn thực hiện việc san lấp, cải tạo mặt bằng với mục đích làm nhà ở và sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, như PLVN đã phản ánh, nhiều hộ dân đã cố tình khai thác vượt quá thời gian, mốc giới, khiến đồi núi tan hoang, tài nguyên thất thoát.
Thông tin về những bất cập tại QĐ 1188 của UBND tỉnh Lạng Sơn đã được chuyển đến Cục Kiểm tra VBQPPL; sau khi kiểm tra và họp thảo luận với các đơn vị liên quan như Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Địa chất và khoáng sản; Vụ Pháp chế, Cục Quản lý thuế - Bộ Tài chính; một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp… Cục Kiểm tra VBQPPL đã chỉ ra những vi phạm từ hình thức đến nội dung trong QĐ 1188.
Về hình thức văn bản, QĐ 1188 ban hành quy định về san, gạt, đào, đắp, cải tạo mặt bằng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là văn bản cá biệt; tuy nhiên nội dung lại chứa quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc; các hành vi bị cấm; các trường hợp được phép, không được phép; thủ tục hành chính với hoạt động san lấp, cải tạo mặt bằng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân…
Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng, việc UBND tỉnh Lạng Sơn đặt ra quy phạm pháp luật trong văn bản cá biệt là vi phạm điều cấm tại khoản 2 Điều 14 Luật Ban hành VBQPPL.
Về nội dung, Khoản 1 Điều 8 QĐ 1188 quy định: “UBND cấp huyện xem xét, chấp thuận bằng văn bản cho san lấp, cải tạo mặt bằng đối với các trường hợp quy định tại Điều 6 quy định này”. Tuy nhiên, qua rà soát các quy định hiện hành, Cục Kiểm tra VBQPPL không thấy quy định nào giao UBND cấp tỉnh thẩm quyền xem xét, chấp thuận bằng văn bản cho san lấp, cải tạo mặt bằng.
Việc UBND tỉnh Lạng Sơn quy định giao UBND cấp huyện thực hiện thẩm quyền xem xét, chấp thuận bằng văn bản cho san lấp, cải tạo mặt bằng tại khoản 1 Điều 8 là không có cơ sở pháp lý.
Điều 6 QĐ 1188 quy định: “Các trường hợp đăng ký san lấp, cải tạo mặt bằng theo quy định tại Điều này phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và thực hiện nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật đối với khối lượng đất đào vận chuyển ra khỏi khu vực đã đăng ký san lấp, cải tạo mặt bằng”. Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng, việc UBND tỉnh Lạng Sơn quy định như vậy là chưa phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản, Thông tư 152/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Về chủ thể được khai thác khoáng sản, Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng, QĐ 1188 quy định chung cho bất kỳ tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nào có nhu cầu san lấp, cải tạo mặt bằng cũng có thể đăng ký hoạt động khai thác khoáng sản tại UBND cấp huyện mà không phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể là chưa phù hợp với Luật Khoáng sản.
Cục Kiểm tra VBQPPL khẳng định: “Việc UBND tỉnh Lạng Sơn đặt ra thủ tục đăng ký san lấp, cải tạo mặt bằng là không có cơ sở pháp lý. Việc quy định về chủ thể và các trường hợp đăng ký san lấp, cải tạo mặt bằng phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường cũng không có cơ sở pháp lý, chưa phù hợp với thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực, cơ chế xin – cho trong quá trình tổ chức thực hiện”.
Cục Kiểm tra VBQPPL kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn khẩn trương xem xét, xử lý bãi bỏ QĐ 1188. Đồng thời, rà soát quá trình thực hiện QĐ 1188 để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện văn bản trái luật gây ra; thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục Kiểm tra VBQPPL trong thời hạn 30 ngày.