Nguyên nhân gây bệnh
- Lây truyền ở những khu vực ẩm ướt do đi chân trần.
- Nước ăn chân do vi nấm Trichophyton Mentagrophytes và Trichophyton Rubrum gây ra. Bệnh chủ yếu lây truyền ở những khu vực vi nấm bám vào da ẩm ướt ở bàn chân, nhất là vùng da ở các kẽ ngón chân.
Mặc dù bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến bàn chân, nhất là các kẽ ngón chân nhưng nó cũng có thể lây lan tới những vùng khác trên cơ thể, chẳng hạn như bẹn do bơi, lội trong nước bẩn vùng lũ, lụt. Khi bị nhiễm vi nấm, ngứa là biểu hiện đầu tiên do da bị tổn thương. Gãi khiến da bị phồng rộp, trầy xước, loét làm đau đớn, sưng nề, viêm.
Nếu vùng da này bị bội nhiễm vi khuẩn gây bệnh sẽ làm cho viêm tấy, mưng mủ. Lúc này toàn cơ thể có thể bị sốt, mệt mỏi, nổi hạch bẹn. Ngoài ra, có thể gặp phải hiện tượng dị ứng với loại nấm gây nước ăn chân, khi đó hiện tượng phồng rộp và mụn nước có thể xuất hiện ở những nơi như bàn tay, ngực làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Bệnh có thể lây truyền cho nhiều người khi tiếp xúc với nước bẩn, nhất là trong vùng mưa lũ, lụt, ngay cả trong nhà tắm, nhà vệ sinh ẩm ướt hay do dùng chung chậu tắm, khăn tắm, quần áo, tất, giày, dép...
Triệu chứng bệnh
- Tróc vảy khô, ngứa ngáy, khó chịu ở chân.
- Lên mụn nước hoặc viêm các kẽ ngón.
- Vị trí thường gặp ở kẽ của ngón chân giữa, ngón chân áp út.
- Lớp da bên trên bị mủn trắng, có kẽ nứt, bên dưới da đỏ ướt.
- Lòng bàn chân và các cạnh ngoài của bàn chân có mụn nước hoặc da màu nâu đỏ, bề mặt phủ vảy nhỏ mịn, nhưng cũng có thể tạo một mảng lớn trùm cả bàn chân.
- Trường hợp bị bội nhiễm chân sưng tấy đỏ, có mủ, gây sốt và nổi hạch ở bẹn
Một số bài thuốc dân gian chữa bệnh khi chưa có thuốc đặc trị
Lá trầu không
Lá trầu không có chất kháng sinh có tác dụng diệt nhiều loại vi khuẩn và nấm. Người ta thường dùng nước lá trầu làm thuốc sát khuẩn rửa vết thương, chữa bỏng và lở loét.
Dùng lá trầu không rửa sạch, vò nát, xát vào các kẽ ngón chân, hoặc vắt lấy nước ở lá trầu bôi vào các kẽ ngón chân, các nốt loét ngứa sẽ khỏi nhanh.
Nước muối pha loãng
Khi có biểu hiện ngứa, trầy xước da do lội nước nhiều hay chân, tay luôn ẩm ướt thì biện pháp đơn giản là ngâm chân vào nước có pha thêm dấm ăn, rượu hay muối. Cách ngâm: cho 1-2 cốc nước dấm ăn hay một chén rượu, một lượng muối vừa đủ (để pha nước muối nhạt) hay nước muối sinh lý 0,9%, vào chậu nước nhỏ, ngâm chân ngày 2-3 lần, mỗi lần 10-15 phút. Sau đó lau khô bằng khăn mềm. Cách làm này có tác dụng sát khuẩn, giảm ngứa.
Nước kim ngân hoa: Lá kim ngân 1 nắm, sắc đặc với nước rồi ngâm rửa chân. Mỗi ngày làm từ 2-3 lần.
Phèn chua
Phèn chua rang nóng tán thành bột, hoàng đằng thái nhỏ, tán thành bột. Trộn lẫn 2 thứ, để vào lọ sạch, kín. Khi bị "nước ăn chân", lấy bột này rắc vào các kẽ ngón sẽ giảm ngứa, loét và khỏi dần.
Gừng
Gừng là một "vị thuốc" hữu hiệu trong việc điều trị chứng nước ăn chân. Sau khi đun sôi một nồi nước, đập nhỏ một nhánh gừng cho vào nồi nước sôi, đun tiếp 20 phút nữa. Sau khi nước nguội, dùng để ngâm chân 2 lần/ngày bệnh sẽ nhanh chóng biến mất.
Dấm
Trong thành phần của dấm có những chất có thể "trị" được những loại nấm gây nên chứng bệnh nước ăn chân.
Trộn lẫn 1 hoặc 2 cốc nước dấm vào trong một chậu nước nhỏ. Sau đó, dùng nước có pha lẫn dấm đó để ngâm chân trong vòng từ 10 - 15 phút. Điều trị trong khoảng từ 3 đến 5 ngày bệnh sẽ khỏi./.