Chưa có chế tài “đòi” chìa khóa nhà công vụ

(PLO) - Một điểm trừ rất lớn trong chính sách nhà công vụ hiện nay được các ĐBQH liên tục phản ánh bức xúc là tình trạng “sử dụng không đúng đối tượng, không đúng thời hạn” và “thiếu công bằng” giữa các đối tượng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
“sử dụng không đúng đối tượng, không đúng thời hạn”
Một điểm trừ rất lớn trong chính sách nhà công vụ hiện nay được các ĐBQH liên tục phản ánh bức xúc là tình trạng “sử dụng không đúng đối tượng, không đúng thời hạn” và “thiếu công bằng” giữa các đối tượng. ĐB Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) bức xúc, việc thực hiện đang gây bất bình, không nghiêm nhưng thiết kế như trong dự thảo Luật Nhà ở  (sửa đổi) về chính sách nhà công vụ “vẫn nghiêng về những người có điều kiện trong khi nhóm yếu thế chưa được quan tâm hỗ trợ nhà công vụ”.
Chỉ ra sự mâu thuẫn, bất công giữa việc giá thuê nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp là 170.000 đồng/m2, gấp 4 lần giá nhà công vụ cho cán bộ thuê (60.000 đồng/m2) là không hợp lý khi chất lượng nhà cho công nhân rất thấp, ĐB Chu Sơn Hà (TP.Hà Nội) đề nghị, chỉ khuyến khích phát triển nhà công vụ ở những địa bàn khó khăn, còn ở các đô thị thì nên mua nhà thương mại và bố trí nhà công vụ chứ không đầu tư xây dựng nhà công vụ với các ưu đãi như hiện nay.
Tuy đa số thống nhất chính sách nhà công vụ chỉ nên áp dụng cho các cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước để đảm bảo an ninh và tạo điều kiện cống hiến, cán bộ luân chuyển ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nhưng vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm chính là “dự thảo Luật chưa có chế tài đối với việc chậm chễ bàn giao lại nhà công vụ sau khi hết thời hạn, gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách nhà công vụ”. 
Theo ĐB Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa), để chấm dứt tình trạng “nhiều nhà công vụ đang bị biến thành nhà tư, cán bộ hết nhiệm kỳ về quê rồi vẫn không bàn giao lại chìa khóa nhà công vụ”, cần qui định dứt khoát “nếu không làm việc ấy nữa thì phải bàn giao cho người kế nhiệm hoặc trả lại nhà cho nhà nước”.
Các chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội dường như mới chỉ “làm đầy túi” doanh nghiệp xây dựng mà chưa đến được các đối tượng thụ hưởng thực sự.
Với 300.000 người có công và gần 2 triệu hộ nghèo, cận nghèo cần hỗ trợ để có nhà ở thì chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, NƠXH không có người ở trong khi nhu cầu nhà ở rất cao, người lao động, sinh viên vẫn phải thuê các căn nhà không đủ điều kiện sống, an ninh… là thực trạng được các ĐBQH yêu cầu Chính phủ khắc phục triệt để trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) bằng các chính sách thiết thực, khả thi hơn. 
Phải dành ít nhất 20-30% diện tích NƠXH để cho thuê
Trước thực tế, dù đã có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển NƠXH thời gian qua nhưng chỉ rất ít sinh viên, người lao động, người có công... thuê, mua được NƠXH mà vẫn phải thuê nhà của dân nên ĐB Chu Sơn Hà (TP.Hà Nội) cho rằng, các chính sách mới chỉ hỗ trợ được doanh nghiệp chứ không phải hỗ trợ cho các đối tượng xã hội. Vì vậy, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) phải làm rõ “hỗ trợ cho tất cả các thành phần tham gia phát triển NƠXH, chứ không chỉ doanh nghiệp”. 
Bức xúc trước sự thiếu thốn, nguy hiểm của người lao động khi phải thuê những căn nhà không đảm bảo điều kiện sống, không an toàn, nhất là đối với lao động nữ tại các khu công nghiệp hiện nay chỉ vì chính sách xây dựng NƠXH để cho thuê đã có từ lâu nhưng chưa được thực hiện do các chủ đầu tư chỉ chú trọng đến nhà ở thương mại, còn địa phương cũng ít quan tâm đến NƠXH, ĐB Lê Minh Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng  - kiến nghị, dự thảo cần phải có thêm cơ chế bắt buộc và khuyến khích phát triển NƠXH cho thuê như bắt buộc chủ đầu tư xây dựng NƠXH phải dành ít nhất 20-30% diện tích NƠXH để cho thuê, sau 5-10 năm cho thuê thì được bán lại cho người đang thuê. 
Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho biết, vì việc phát triển loại hình NƠXH không thu được nhiều lợi nhuận do mức giá được xác định chặt chẽ, mức lợi nhuận được khống chế, thu hồi vốn chậm, do đó cần phải có nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế và để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển NƠXH, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định việc phát triển NƠXH phải có sự tham gia của toàn xã hội, của cộng đồng nhưng Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cơ chế, chính sách, điều kiện hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển NƠXH. 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần quan tâm hơn đến trách nhiệm của nhà đầu tư, ban quản lý các khu công nghiệp trong việc phát triển NƠXH cho công nhân thuê, trách nhiệm các trường trong việc tạo điều  kiện cho sinh viên thuê NƠXH để giảm bớt khó khăn cho sinh viên và phụ huynh, chứ không thể chỉ qui định chung chung khiến chính sách phát triển NƠXH bị biến tướng, không đến được với các đối tượng thụ hưởng./.

Đọc thêm