KỶ Lục
Bộ phim Battleship Island (Đảo địa ngục) của đạo diễn Ryoo Seung Wan công chiếu tại Hàn Quốc ngày 26/7. Đây là bộ phim đầu tiên cán mốc 100 nghìn lượt người xem trong buổi tối công chiếu.
Tổng số khán giả tới rạp xem Đảo địa ngục đạt ngưỡng 970.000 lượt trong ngày thứ Tư ra mắt, cộng với một số suất chiếu đặc biệt trước đó phim đạt tới 991.811 lượt người tới rạp. Như vậy phim phá vỡ kỷ lục mọi thời đại: Trước đó, phim nắm giữ kỷ lục là 872.965 nghìn lượt người người xem trong ngày đầu ra mắt.
Phim mới nhất về chiến tranh của Hàn Quốc cũng có lượng đặt vé trước kỷ lục: Tính trong sáng hôm ra mắt, phim có tới gần 600 nghìn lượt đặt vé, chiếm hơn 70% lượng đặt vé phim chiếu rạp tại Hàn Quốc.
Trước đó, tính tới ngày 24/7, số lượng đặt trước của Đảo địa ngục lên đến 63,6%, nâng tổng số vé đặt trước lên 179.553 tính tới thứ Hai cùng thời điểm. Đây là con số kỷ lục, vượt mặt nhiều tựa phim đứng đầu doanh thu mọi thời đại như: Đại thủy chiến (53.000), Ám sát (30.300), hay Train To Busan (74.000). Không mấy ngạc nhiên khi Đảo địa ngục nhanh chóng đánh bại phim đang đứng đầu bảng xếp hạng hiện tại-Dunkirk.
|
Phim huy động tới hơn 13 nghìn diễn viên quần chúng |
Hoành tráng
Đảo địa ngục là một trong số phim có kinh phí đắt đỏ nhất Hàn Quốc, khoảng gàn 25 triệu USD. Phim quy tụ dàn diễn viên tên tuổi Hwang Jung-min, So Ji-sub, Song Joong-ki, Lee Jung-hyun và huy động tới 13.410 diễn viên quần chúng tham gia vào các cảnh quay hoành tráng.
Phim tái hiện câu chuyện lịch sử bi tráng về những cuộc đấu tranh và đào thoát của 400 người lao động khổ sai Triều Tiên bị quân Nhật bắt giữ, giam cầm, bóc lột, tra tấn. Những tù nhân được đưa tới đây, tống vào những mỏ khai thác than trong điều kiện hết sức tồi tệ và có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào. Họ luôn tìm cách trốn thoát khỏi đảo Hashima, xong điều đó trở nên bất khả thi khi hòn đảo nằm giữa đại dương này được xây dựng vô cùng kiên cố, và các hầm lò thì nằm ở độ sâu dưới 1.000 mét so với mực nước biển.
Trường quay Đảo địa ngục tái hiện được 2/3 hòn đảo thật Hashima năm 1945. Để tái hiện hòn đảo trong phim sao cho giống thực tế nhất, thiết kế sản xuất Lee Hwo-kyung đã đến tận đảo Hashima và thực hiện cuộc nghiên cứu trên diện rộng để thu thập thông tin về những địa danh lịch sử có thật.
Sau đó ông mất 3 tháng lên kế hoạch và 6 tháng ròng để xây dựng phim trường cho bộ phim lịch sử đầy bi tráng này. Sau gần một năm trời, phim trường cực lớn tại Chuncheon, Gangwon tái hiện được gần như trọn vẹn quy mô đảo Hashima năm 1945 khiến đoàn làm phim vô cùng choáng ngợp.
Phim trường bao gồm nhiều bối cảnh tại Hashima kể cả những nơi được mệnh danh là “nấc thang dẫn đến địa ngục”, khu hầm mỏ tối tăm ẩm thấp, khu dân cư phức hợp, trạm tiện nghi, khu phố trung tâm “giàu có” với đủ mọi hoạt động và tiện nghi mà chỉ người Nhật mới được trải nghiệm vào thời đó.
|
Song Joong-ki trong phim bom tấn |
Hòn đảo Hashima (còn gọi là đảo chiến hạm vì có hình dáng giống một tàu chiến kích thước 480m chiều dài, 160m chiều ngang và bị bao vây bằng vách đá sừng sững) thực sự là một địa ngục trần gian, chứng kiến nỗi cùng cực của hàng trăm lao động bị cưỡng bức phải làm việc trong môi trường gian khổ và khắc nghiệt.
Điều đau buồn hơn, sự thật lịch sử ấy lại bị chôn giấu suốt hàng chục năm. Hashima được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, trở thành biểu tượng cho sự hiện đại hóa và cuộc cách mạng công nghiệp của Nhật Bản.
Nhà thiết kế sản xuất Lee Hwo-kyung cho biết: “Việc dựng nên hầm kiến và mỏ than là hai công đoạn khó khăn nhất trong quá trình dựng phim trường. Đối với khu vực bên ngoài hầm mỏ vốn dĩ không có được quang cảnh thực tế, chúng tôi đã phải nghiên cứu nhiều tài liệu và phỏng vấn những người còn sống sót để tái hiện lại một cách chân thực nhất, song vẫn phải mang đậm tính điện ảnh.” Đội ngũ thiết kế kỳ vọng bối cảnh hoành tráng này truyền cảm hứng cho khán giả, bởi hòn đảo vốn được mệnh danh “một khi đặt chân tới không thể quay về”.
Ê kíp mơ ước
Đạo diễn Đảo địa ngục Ryoo Seung Wan từng thành công với phim bom tấn như Veteran (tựa Việt: Chạy đâu cho thoát), The Berlin file. Đạo diễn mời dàn diễn viên ăn khách hợp tác. Tay đấm Choi Choel-sung do So Ji Sub thủ vai, là một trong những nhân vật nòng cốt của cuộc đào tẩu; người cha luống tuổi Lee Kang-ok sẵn sàng hi sinh mọi thứ vì cô con gái (Soo-an) do diễn viên lão làng Hwang Jung-min thủ diễn.
Không thể không nhắc tới anh chàng quân nhân Song Joong-ki trong vai thủ lĩnh quân độc lập Park Moo-young-người lãnh nhiệm vụ đơn độc lao vào tử địa Hashima để giải cứu thủ lĩnh phe kháng chiến. Chàng lính trẻ này kêu gọi cuộc đào tẩu giải thoát cho những người Triều Tiên sống đời nô lệ trên đảo Hashima.
Song Joong-ki được đạo diễn Ryoo đánh giá có khả năng vào vai anh lính trẻ nhưng quả cảm. Hơn nữa sức nóng của nam diễn viên Hậu duệ mặt trời hút lượng fan không nhỏ tới rạp. Cô bé Soo-an sau khi để lại ấn tượng sâu sắc trong phim Chuyến tàu tới Busan tiếp tục được thử sức trong phim bom tấn, nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả và giới phê bình khi phim vừa công chiếu.
|
Bé Soo-an không bị lu mờ trước dàn sao khủng của “Đảo địa ngục” |
Một phim lịch sử, chiến tranh và hành động quy mô như Đảo địa ngục khiến các diễn viên cực khổ không ít. Nữ diễn viên Lee Jung-hyun tiết lộ cô chẳng biết cơ thể mình bị thương và bầm tím đến mức độ nào: “Toàn thân rất đau, người tôi bị thâm tím toàn bộ. Quay phim mà đã như vậy thì ngày xưa thực tế còn kinh hoàng thế nào nữa”.
“Chúng ta phải làm sao mới có thể hiểu được nỗi đau ngột ngạt lúc đó”, nam diễn viên gạo cội Hwang Jung-min chia sẻ. Đạo diễn Ryoo Seung Wan kể, khi vừa nhìn thấy hình ảnh hòn đảo, câu chuyện về một cuộc đào tẩu đã lóe lên trong tâm trí.
“Tôi muốn ngày càng có nhiều người biết được sự thật này”, đạo diễn nói. Ông thực hiện bộ phim bằng ý chí mạnh mẽ đó. “Đây không phải là bộ phim yêu nước, làm ra để ca ngợi đất nước. Hy vọng người xem có thể nhớ nó qua góc nhìn lịch sử để tìm lại những sự thật đã bị lãng quên” So Ji-sub nói.
Có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ mua bản quyền phát hành bộ phim sau clip quảng bá dài 3 phút tại Chợ phim Châu Âu tháng 2/2017, trong đó có nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực Bắc Mỹ cùng Pháp, Nga, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Phillipines. Choi Yoon-hee, Giám đốc phát hành của CJ E&M cho biết Đảo địa ngục được bán ra thế giới với giá cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc.