“Chưa” và “luôn”

(PLO) - Một tuần xảy ra quá nhiều chuyện hài hước trong quản lý hành chính. 

Sau chuyện xác nhận lý lịch của cử nhân xin việc làm với nhận xét “gây khó” cho người được xác nhận xảy ra tại Hải Dương thì ở một xã của Thủ đô lại xảy ra trường hợp tương tự. Chủ tịch xã xác nhận bản khai lý lịch của sinh viên nhập học là “gia đình chưa chấp hành chủ trươg, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương...”. Bị “sờ gáy” thẩm quyền, bản lý lịch tự khai đó lập tức được sửa sai, thay chữ “chưa” bằng chữ “luôn”. Thế là từ việc bị nhận xét xấu, bỗng trở nên rất tốt chỉ bằng một từ.

Tuy nhiên, chỉ là nhận xét thôi nên chẳng thay đổi gì được thực tế. Thực tế là gia đình em đó còn chưa “đóng góp nghĩa vụ” với địa phương, thực tế là chính quyền đã làm sai khi không theo những quy định pháp luật về chứng nhận lý lịch, thực tế là bản in sẵn lý lịch dành cho sinh viên cũng sai khi yêu cầu chính quyền xã xác nhận về việc chấp hành pháp luật của sinh viên. Nhưng, một thực tế lớn nhất là khi có thẩm quyền trong tay người ta có thể sửa xấu thành tốt và ngược lại theo ý mình.

Cách đây chưa lâu, khi cái giấy phép đổ bùn xuống biển của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân lộ diện làm dư luận nổi sóng thì cơ quan cấp phép giải thích là cấp phép nhưng chưa cho phép thực hiện (?!). Ở đây là cấp phép “rồi” nhưng “chưa” được đổ “luôn”. Dù sao, việc này đã kết thúc có hậu khi chất thải không bị đổ xuống biển nữa mà biến thành “tài nguyên” – tốt, xấu đổi chỗ cho nhau và người bị trừng phạt không ai khác là ông Giám đốc đã tư vấn cho việc đổ này.

Cũng có dấu hiệu đổi “chưa” thành “luôn” ở một diễn biến khác tại Đồng Nai. Ông Phó ban Tổ chức tỉnh này xây nhà trên đất nông nghiệp, bị phát hiện thì nhượng lại cho con rể. Chính quyền địa phương tuyên bố thẳng thắn là sẽ xử lý đúng pháp luật, bất kể người vi phạm là ai. Nhưng, lẽ ra phải đập bỏ (đúng pháp luật) thì chính quyền huyện chỉ yêu cầu nộp phạt rồi cho tồn tại. Dư luận lại làm ầm lên và mới nhất bà Bí thư huyện này cho biết là không có chuyện “phạt cho tồn tại” mà phải xử lý đến nơi, đến chốn. Đúng vậy, nếu trường hợp này mà “phạt cho tồn tại” thì tạo nên một tiền lệ rất xấu cho việc thực thi pháp luật sau này. Nhưng, sự thắc mắc vẫn còn đó, chính quyền bảo “phạt cho tồn tại” nhưng người lãnh đạo đứng đầu địa phương lại nói khác đi, là “chưa” hay là “luôn” đây?

Điểm qua vài sự việc xảy ra trong tuần qua để thấy rằng cần lắm một sự nhất quán, kiên định trong quản lý hành chính cũng như thực thi pháp luật.

Đọc thêm