Toàn bộ các hạng mục trong khu chợ đến nay đều rơi vào tình trạng “đắp chiếu” và xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, các tiểu thương và người dân ở đây do thiếu điểm tụ họp, buôn bán kinh doanh tràn ra các con đường dân sinh trên địa bàn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường.
Đầu tư hàng trăm triệu để xây chợ hoang
Năm 2003, UBND xã Hoàng Văn Thụ đã quyết định đầu tư, xây dựng khu chợ Văn Phú với diện tích gần 2.000m2 bằng ngân sách nhà nước. Theo đó, 11 ki ốt được sẽ được quy hoạch tập trung nhằm phục vụ nhu cầu kinh doanh, buôn bán của người dân trong vùng.
Năm 2004, chợ chính thức được đưa vào sử dụng, 10 hộ dân (trong số 28 hộ tham gia) đã trúng thầu 11 ki ốt trong thời hạn 5 năm với giá thuê thấp nhất là 210.000 đồng/tháng và cao nhất 805.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, chợ Văn Phú đã không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Nói cách khác, địa điểm quy hoạch chợ thiếu hợp lý cùng với công năng không phù hợp đã khiến công trình thương mại này nhanh chóng “chết yểu”.
Sau 12 năm xây dựng hoàn thành, hiện tại khu chợ vẫn đang bị bỏ hoang, các công trình bên trong đều hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống cửa xếp của ki ốt đa phần bị hoen gỉ. Phần mái lợp phibrôxi măng nhiều chỗ nát vụn, bị rơi vỡ xuống nền nhà. Tường nhà rêu mốc, sân chợ cỏ mọc um tùm, rác ngập lối đi, khu họp chợ được trở thành nơi tập kết củi, đồ vật liệu cũ. Thế nhưng, trái ngược với cảnh đìu hiu, hoang tàn của khu thương mại, cách đó không xa là một chợ tự phát lại cực kỳ sôi động, tấp nập.
Bà Nguyễn Thị Hà (người dân thôn Văn Phú) bức xúc: “Suốt chục năm qua khu chợ chưa một lần được sử dụng trong khi người dân thôn Văn Phú lại đang rất cần một địa điểm rộng rãi, sạch sẽ để họp chợ, sinh hoạt cộng đồng.
Hiện tại, người dân phải họp chợ tại khu chợ do dân tự lập nên ngay sát đường Hồ Chí Minh thậm chí nhiều hộ kinh doanh họp cả ngay trên vỉa hè, trong khi chợ đẹp thì bỏ hoang, chưa được khai thác đúng mục đích, nhìn mà xót ruột. Trời nắng cũng như trời mưa, đường lúc nào cũng lầy lội vì các bà hàng tôm, hàng cá đổ hết nước ra đường. Mỗi khi mưa to, đường nhiều vũng nước lớn, khiến nhiều người phải lội bì bõm mới ra được đường lớn”.
Hệ thống cửa xếp hoen gỉ, nhiều hộ kinh doanh xả thải tràn lan gây ô nhiễm |
Chính quyền vẫn “án binh bất động”?
Trao đổi với người viết, ông Lê Thanh Trang, Trưởng thôn Văn Phú thừa nhận tình trạng chợ bỏ hoang, trong khi dân họp chợ ven đường Hồ Chí Minh và đường vào thôn Văn Phú gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm tiếng ồn.
Ông Trang chia sẻ: “Chợ Văn Phú được xây dựng trên nền đất của khu chợ tạm cũ đã tồn tại từ lâu trong thôn Văn Phú, khi xây dựng xong khu chợ gồm 11 ki ốt các tiểu thương đã 2 lần thuê và tổ chức kinh doanh buôn bán trong chợ nhưng do chợ khuất, khó buôn bán, các hộ kinh doanh không mấy mặn mà chuyển ra họp bên ngoài trục đường chính, từ đó chợ xuống cấp. Sau đó, xã có xin kinh phí để nâng cấp chợ nhưng chưa được. Còn chuyện tháo dỡ các ki ốt trong chợ đến nay xã vẫn chưa thực hiện được”.
Theo phản ánh của nhiều người dân, đầu năm 2016 UBND xã Hoàng Văn Thụ đã lên kế hoạch tháo dỡ ki ốt chợ Hoàng Văn Thụ để tạo mặt thoáng, đảm bảo tiện ích nhằm phục vụ giao thông đi lại của nhân dân, tạo khu vực buôn bán, kinh doanh thuận lợi, không để tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, kế hoạch này vẫn đang trong tình trạng “án binh bất động”, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Một chủ cửa hàng thực phẩm bức xúc: “Chúng tôi ngồi bán ngoài lòng đường cũng khổ sở lắm, nắng mưa cũng đành chấp nhận chứ vào trong các ki ốt được xây dựng kia diện tích chợ chật hẹp, không bán được hàng, đường vào chợ lại bé bằng cổng nhà, nhiều người đi qua không biết bên trong là chợ. Chỉ có khách quen mới biết trong thôn này có chợ, chứ người lạ ở nơi khác đến không thể biết được. Chẳng hiểu sao trước khi xây dựng chính quyền không tính toán, khảo sát đến vấn đề này để xảy ra tình trạng lãng phí trong khi người dân chúng tôi đang thiếu ngôi chợ được quy hoạch phù hợp để kinh doanh, buôn bán”.
Trước tình trạng một công trình 600 triệu nhưng “đắp chiếu” suốt hơn 10 năm, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có những biện pháp tích cực hơn để khu chợ đi vào hoạt động, tránh việc lãng phí như hiện tại.